Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đầu tư thi công chợ Hoà Bình:

Nhiều bất cập 

Cập nhật ngày: 12/12/2018 - 06:16

BTN - Được khởi công xây dựng từ đầu năm 2018, công trình xây mới chợ Hoà Bình (ấp Thành Bắc, xã Thành Long, huyện Châu Thành) dự kiến hoàn thành trong quý IV và đưa vào vận hành kinh doanh trong quý I năm 2019. Thế nhưng, chứng kiến cảnh thi công ì ạch, mới chỉ hoàn thành phần thô, nhiều tiểu thương không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng để hoàn thành dự án chợ Hoà Bình nhưng việc xây dựng còn ngổn ngang.

Chậm do nhân công bận… gặt lúa?

Theo các tiểu thương tại chợ Hoà Bình, chợ vùng biên này được thành lập từ những năm 1980. Trải qua nhiều biến động của thời gian và lịch sử, sau nhiều lần bị cháy liên tiếp, ngôi chợ đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2018, công trình xây mới chợ Hoà Bình được khởi công khiến nhiều người phấn khởi vì sắp được buôn bán trong ngôi chợ khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, đến nay, công trình xây mới chợ này vẫn trong tình trạng dở dang, có khi cả tháng trời chẳng thấy bóng dáng nhân công nào thi công.

Ông Nguyễn Tấn Phát, tiểu thương tại chợ tạm gần công trình này cho hay, cách đây khoảng nửa tháng, có vài nhân công người Campuchia đến thi công, nhưng chỉ được vài ngày thì ngưng cho đến nay. Và từ đó chẳng thấy ai tới làm nữa. Tiểu thương trong chợ đã dọn ra ngoài bán tạm hơn 2 năm rồi (tiểu thương giao lại mặt bằng xây chợ cho nhà đầu tư từ đầu năm 2017), nên mòn mỏi trông chờ chợ hoạt động để buôn bán ổn định.

Ông Đạt “hồn nhiên” nói: “Tiến độ xây dựng nếu chậm thì xin UBND tỉnh cấp thêm thời gian. Hai, ba năm nữa hoàn thành cũng không sao” (!?)

Có mặt tại chợ ngày 10.12, theo quan sát của người viết, khu vực thi công công trình xây mới chợ Hoà Bình được rào chắn xung quanh, bên trong không có nhân công nào làm việc, cỏ dại mọc bên trong công trình, trong khi nhiều chỗ vật liệu để ngổn ngang, có dấu hiệu đã ngưng làm việc khá lâu.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho biết, hiện đang trong mùa thu hoạch lúa của nước bạn Campuchia nên nhân công về nghỉ từ 3 ngày trước (nhân công thi công công trình chợ Hoà Bình đều là người Campuchia), sang tuần sau công trình sẽ được thi công tiếp. Tuy nhiên, khi phóng viên thắc mắc vì sao không sử dụng nhân công tại địa phương để bảo đảm tiến độ thì ông Đạt cho biết: “Việc thuê ai, dùng ai là quyền của đơn vị thi công, chủ đầu tư không thể can thiệp được”.

Theo tìm hiểu của người viết, tại Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 5.4.2017, UBND tỉnh giao đơn vị chủ đầu tư thời gian xây dựng hoàn thành công trình chợ mới Hoà Bình là đến quý IV năm 2018, và đưa vào hoạt động kinh doanh chính thức là đến quý I năm 2019. Thế nhưng đến thời điểm này (tháng 12.2018), còn ngổn ngang, nhưng ông Đạt vẫn khẳng định là công trình xây mới chợ Hoà Bình không chậm tiến độ. Ông Đạt “hồn nhiên” nói: “Tiến độ xây dựng nếu chậm thì xin UBND tỉnh cấp thêm thời gian. Hai, ba năm nữa hoàn thành cũng không sao” (!?).

Tiểu thương phản đối giá thuê mặt bằng  

Mặc dù lúc đầu, đại diện chủ đầu tư cho rằng việc thi công trì trệ là do nhân công người Campuchia bận về nước “gặt lúa”, nhưng sau đó, người này lại giải thích theo hướng khác. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Đạt cho biết, chợ Hoà Bình được đầu tư theo chủ trương xã hội hoá của tỉnh. Nhà đầu tư rất cần sự chung tay góp vốn của tiểu thương để xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo cam kết, đơn vị chủ đầu tư đã sử dụng hết nguồn vốn hiện có là 6 tỷ đồng (chiếm 20% theo quyết định của UBND tỉnh). Đến nay cơ bản đã xây dựng hoàn thành các hạng mục thô, chiếm hơn 60% khối lượng công trình. Tuy nhiên, do việc thương lượng giá thuê mặt bằng giữa chủ đầu tư và tiểu thương chưa đạt được sự đồng thuận nên chủ đầu tư không còn tiền để tiếp tục thực hiện dự án.

Tiểu thương Phan Văn Minh cho biết, mức giá chủ đầu tư đưa ra là gần 300 triệu đồng cho một mặt bằng diện tích 3x6m là rất cao so với tiểu thương ở vùng biên giới còn khó khăn này. Ngoài số tiền trên, mỗi tháng tiểu thương còn phải đóng thêm gần cả triệu đồng. Còn bà Nguyễn Thị Lệ - một tiểu thương khác nói: “Chợ xây chưa hoàn thiện mà chủ đầu tư yêu cầu tiểu thương phải đưa trước 30% - (gần trăm triệu đồng) mà xây dựng ì ạch thế này thì thiệt thòi cho tiểu thương quá”.

Trong tâm trạng lo lắng, tiểu thương Lê Văn Đạt nói: “Từ nhiều năm qua, hoạt động mua bán ở chợ Hoà Bình không còn sung túc như xưa. Nay có điều kiện đi lại, nhiều người xuống thị trấn Châu Thành hoặc đến siêu thị mua sắm chứ không đi chợ Hoà Bình. Do đó, tiểu thương buôn bán gặp khó khăn. Với mức giá thuê mặt bằng kinh doanh mà chủ đầu tư đưa ra, đa số tiểu thương không thể đáp ứng được”.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, mức giá chủ đầu tư đưa ra đã dựa trên những tính toán rất kỹ về các phương án tài chính, trên cơ sở diện tích mặt bằng và thời gian thuê 50 năm, bảo đảm cho tiểu thương có lợi nhất. Đến nay, sau 3 lần tổ chức lấy ý kiến, nhà đầu tư vẫn không tìm được sự đồng thuận của tiểu thương. Hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa thu được bất kỳ khoảng đặt cọc nào của tiểu thương tại chợ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án ở giai đoạn sau bởi nhà đầu tư... hết vốn.

Vốn ít làm chủ, vốn nhiều làm khách thuê mặt bằng

Mô hình xã hội hoá nhằm kêu gọi đầu tư, khuyến khích tiểu thương cùng góp vốn xây dựng và vận hành chợ. Trong đó, mỗi tiểu thương là một cổ đông trong ban quản lý chợ  (mô hình cổ phần hoá doanh nghiệp), có tiếng nói về những vấn đề liên quan đến các hoạt động của chợ. Tuy nhiên, mô hình xã hội hoá tại chợ Hoà Bình đang gặp phải nhiều vướng mắc, trong đó, việc huy động vốn của tiểu thương là một vấn đề nan giải của đơn vị chủ đầu tư và chính quyền huyện Châu Thành.

Nhiều tiểu thương cho biết, họ đồng ý góp vốn nhưng phải có sự minh bạch trong quản lý và vận hành chợ. “Tiểu thương phải bỏ từ vài chục triệu đến gần 300 triệu đồng sang nhượng sạp. Trong khi đơn vị chủ đầu tư chỉ bỏ ra 20% vốn xây chợ lại yêu cầu tiểu thương phải ký hợp đồng kinh doanh thuê quầy sạp có thời hạn. Còn tiểu thương phải bỏ đến 80% vốn lại phải trở thành “người thuê mặt bằng”. Đây là điều bất hợp lý”.

Đồng thời, trong quá trình kinh doanh, ngoài tiền thuế, tiểu thương còn phải đóng nhiều loại phí khác lên đến gần 1 triệu đồng như thông báo của chủ đầu tư là không thể chấp nhận. “Chúng tôi đóng góp tiền xây chợ nhưng lại phải thuê chính cái sạp mình bỏ tiền ra xây dựng lại không có quyền sở hữu sạp (hoặc ki-ốt). Còn chủ đầu tư chỉ bỏ ra 1/5 vốn có thể ung dung thu tiền của chúng tôi suốt 50 năm cần phải xem lại”, một tiểu thương bức xúc nói.

Theo đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, dự án xây mới chợ Hoà Bình là mô hình xã hội hoá đầu tiên của tỉnh nên còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, việc nhà đầu tư định giá quá cao khiến việc huy động vốn từ tiểu thương hết sức khó khăn là lý do chính khiến việc xây dựng chợ bị chậm trễ như hiện nay.

Trên cơ sở đó, huyện đã yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục hạ giá cho thuê các sạp phù hợp với tình hình buôn bán thực tế tại địa phương. Đồng thời, huyện báo cáo với UBND tỉnh đề nghị cho chủ đầu tư được huy động vốn từ những nguồn khác (hiện chủ trương vẫn yêu cầu ưu tiên kêu gọi vốn của các tiểu thương tại chợ) nhằm bảo đảm nguồn vốn xây dựng chợ đúng kế hoạch.

Khu chợ tạm tối tăm, ẩm thấp, ngập mỗi khi có mưa khiến việc buôn bán của tiểu thương “điều hiu”.

Một cán bộ Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương cho biết, chủ trương xã hội hoá giúp minh bạch trong quản lý và vận hành chợ truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng mới chợ Hoà Bình, chủ đầu tư và địa phương (UBND huyện Châu Thành) khi lên kế hoạch xây chợ đã không đưa ra mức giá cho thuê các sạp kinh doanh cụ thể. Trải qua 3 đợt lấy ý kiến, tiểu thương chưa đồng tình với mức giá mà nhà đầu tư đưa ra.

Sở Công Thương sẽ có cuộc họp với nhà đầu tư và địa phương để tìm phương án tháo gỡ khó khăn, trong đó, Sở đề nghị nhà đầu tư tiếp tục hạ giá thuê các sạp kinh doanh. Nếu vẫn không tìm được sự đồng thuận của tiểu thương, nhà đầu tư được quyền kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài (các hộ kinh doanh và doanh nghiệp khác).

Minh Dương