BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều di tích cấp quốc gia chưa được trùng tu, tôn tạo 

Cập nhật ngày: 19/03/2018 - 09:39

BTN - Hiện nay, Tây Ninh có 88 di tích đã được xếp hạng, trong đó có một di tích cấp quốc gia đặc biệt và 24 di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, còn một số di tích chưa được trùng tu, tôn tạo, gồm: Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời xưa kia là căn cứ của Ban Chấp hành tỉnh Ðảng bộ Tây Ninh. Ðây là địa điểm mà Tỉnh uỷ Tây Ninh có thời gian trú đóng lâu nhất. Từ năm 1946 đến năm 1975, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng. Nhiều hội nghị Khu uỷ, Tỉnh uỷ đã được tổ chức tại đây.

Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ tại Bời Lời đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1999. Ðến nay gần 20 năm, di tích vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo. Các yếu tố gốc của di tích như giao thông hào, nhà làm việc của các lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bếp Hoàng Cầm và nhiều công sự chiến đấu hầu như không còn.

Theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, giữa năm 2017, Công ty TNHH Ðầu tư - Thương mại và Dịch vụ du lịch Kim Mã (Công ty Kim Mã) có văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư phục dựng và tái hiện khu di tích, với tổng chi phí 300 tỷ đồng cho 3 giai đoạn từ nay đến năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Ðức, Giám đốc Công ty Kim Mã, đến nay, dự án vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm vành đai diệt Mỹ - Trảng Lớn, toạ lạc tại thị trấn huyện Châu Thành (đã được xếp hạng cấp quốc gia tháng 11 năm 2013), có diện tích gần 12.000m2, đến giờ cũng chỉ là một... cánh đồng đầy cỏ dại. Vành đai diệt Mỹ - Trảng Lớn là một trong 3 vành đai diệt Mỹ đầu tiên ở Ðông Nam bộ, nhằm thành lập thế trận bao vây và tiêu diệt căn cứ Trảng Lớn của Mỹ.

Ra đời tháng 10.1965, vành đai diệt Mỹ - Trảng Lớn là một chiến lược sáng tạo của Tỉnh uỷ, quy tụ được lòng dân Châu Thành nói riêng và Tây Ninh nói chung, lập được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ trên quê hương Tây Ninh.

Di tích lịch sử Dương Minh Châu ở ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu- được công nhận cấp quốc gia từ tháng 9.1999. Ðây từng là một căn cứ địa cách mạng có vị trí quân sự khá đặc biệt gắn liền với hai cuộc kháng chiến của Xứ uỷ Nam bộ.

Năm 2013, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh về việc thực hiện dự án trùng tu nhưng địa điểm trùng tu, phục dựng cách địa điểm có yếu tố gốc của di tích gần 1km, không bảo đảm yêu cầu theo Luật Di sản và các quy định khác.

Di tích lịch sử Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ còn có tên gọi là X40 Ðồng Rùm, thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Năm 1956, Xứ uỷ chọn nơi này làm căn cứ- còn gọi Căn cứ Lê Duẩn. Căn cứ X40 Ðồng Rùm là một di tích có giá trị lịch sử cách mạng to lớn, có bề dày lịch sử xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ.

Ðây là nơi tập trung cán bộ, chiến sĩ học tập các nghị quyết, chủ trương của Ðảng và là nơi chuyển quân, tập kết của Xứ uỷ; là căn cứ vững chắc của Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền cùng các cơ quan phân liên khu miền Ðông và Thành uỷ Sài Gòn - Gia Ðịnh. Căn cứ được khoanh vùng bảo vệ 25 ha.

V.H.M