BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hỗ trợ hộ nghèo theo chuẩn Đa chiều:

Nhiều hộ nghèo “kiên định” với cái nghèo 

Cập nhật ngày: 19/05/2017 - 05:35

BTNO - Nhiều hộ nghèo, cận nghèo lười lao động, tìm mọi cách để tiếp tục lọt vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo của địa phương.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5.2017, UBND tỉnh đã đồng ý thông qua đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng Ðề án hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Ðề án). Theo quy định, Ðề án còn phải trình HÐND tỉnh xem xét. Trong khi đó, công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo đa chiều đã và đang đặt ra nhiều vấn đề.

Lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu và Sở LÐ-TB&XH thăm hỏi một người thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.

NÂNG MỨC HỖ TRỢ ÐỐI VỚI HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO

Ngày 19.11.2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 59/2015/QÐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 13.1.2017, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Theo kết quả thống kê mới nhất, tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh là 297.542 hộ. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh là 12.418 hộ với 36.196 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 4,18% (giảm 0,14%).

Trong tổng số hơn 12.000 hộ nghèo và cận nghèo, số hộ nghèo là 6.184 hộ với 16.279 nhân khẩu, hộ cận nghèo là 6.234 hộ với 19.917 nhân khẩu. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ giảm 0,14%, không đạt so với chỉ tiêu kế hoạch năm (giảm 1,3%/năm).

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), cơ quan chủ trì xây dựng Ðề án cho biết, theo quy định hiện hành, hộ nghèo được Trung ương hỗ trợ nhiều chính sách như tiền điện, bảo hiểm y tế, học phí, chi phí học tập, trợ giúp pháp lý... Trong khi đó, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình chỉ được hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế, học phí và chi phí học tập.

Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn đối với nhóm đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Vì thế, việc xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 là cần thiết. Mục đích của việc xây dựng Ðề án là hỗ trợ một phần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống; đồng thời giúp nhóm đối tượng này vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Việc xây dựng Ðề án còn nhằm đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; phấn đấu đạt chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm từ 1% - 1,3%.

Theo nội dung Ðề án (sẽ trở thành nghị quyết nếu được HÐND tỉnh thông qua), trong giai đoạn 2017 - 2020, nhóm đối tượng nêu trên sẽ tiếp tục được hỗ trợ về nhiều mặt. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ tiền điện từ 49.000 đồng/hộ/tháng lên 60.000 đồng/hộ/tháng đối với hộ nghèo. Trong 60.000 đồng này, Trung ương hỗ trợ 49.000 đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 11.000 đồng.

Ðối với hộ cận nghèo, tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng/hộ/tháng (bằng 50% mức hỗ trợ hộ nghèo). Trong trường hợp mức hỗ trợ của Trung ương đối với hộ nghèo thay đổi, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh lại mức hỗ trợ của tỉnh, nhưng mức hỗ trợ không vượt quá 20% mức Trung ương hỗ trợ hộ nghèo và báo cáo lại HÐND tỉnh tại phiên họp gần nhất. Ngoài tiền điện, sắp tới, những người thuộc diện hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình sẽ được hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT.

Cụ thể, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế, người thuộc hộ có mức sống trung bình được hỗ trợ thêm 70%. Về chính sách dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 50% học phí.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Mức hỗ trợ bằng với mức Trung ương hỗ trợ cho hộ nghèo (hiện tại 100.000 đồng/tháng/học sinh).

Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học. Người thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh) được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Tổng kinh phí địa phương hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2017-2020 ước tính hơn 69 tỷ đồng (làm tròn số).

TÁC ÐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH

Theo cơ quan chủ trì xây dựng Ðề án, việc ban hành chính sách theo hướng nâng mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình (theo chuẩn nghèo của tỉnh) sẽ có những tác động nhất định đối với sự phát triển chung.

Trước tiên, theo quy định hiện hành của Trung ương, chỉ có hộ nghèo mới được hỗ trợ tiền điện, còn hộ cận nghèo mặc dù cũng khó khăn nhưng lại chưa thuộc diện được hỗ trợ. Vì vậy, việc nâng mức hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo trong giai đoạn 2017-2020 nhằm hạn chế khó khăn, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được thụ hưởng các dịch vụ cơ bản của xã hội.

Ðối với chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hiện nay, chính sách này đang tồn tại những bất cập. Cụ thể, theo quy định của Trung ương về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ thiếu hụt về bảo hiểm y tế hộ cận nghèo lên đến hơn 51%. Ðến cuối năm 2016, kết quả tham gia bảo hiểm y tế của hộ cận nghèo trên toàn tỉnh có 3.549/20.754 người. Nghĩa là, mặc dù đã được hỗ trợ, nhưng số người thuộc diện hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế còn khá thấp.

Cơ quan xây dựng Ðề án nhận định, nếu được hỗ trợ, người thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình có thêm điều kiện mua thẻ bảo hiểm y tế và được tham gia các dịch vụ y tế kịp thời khi cần thiết, góp phần thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân.

Ðối với chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, Sở LÐ-TB&XH cho rằng đang có những bất cập cần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Hiện nay, chính sách hỗ trợ về giáo dục dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được quy định tại Nghị định số 86/2015/NÐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ.

Riêng hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, chính sách hỗ trợ giáo dục được quy định tại Quyết định số 73/2016/QÐ-UBND ngày 29.12.2016 của UBND tỉnh. Chính sách của Trung ương chỉ quy định hỗ trợ giảm 50% học phí và không hỗ trợ về chi phí học tập đối với hộ cận nghèo.

Thực tế, hộ cận nghèo cũng rất khó khăn, không bảo đảm hết được các khoản phí học tập của con em mình, vì ngoài học phí, gia đình còn phải trang trải thêm về sách vở, đồ dùng học tập. Việc hỗ trợ chi phí học tập sẽ động viên, khuyến khích trẻ em, học sinh, con hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng của xã hội trong tiếp cận về giáo dục.

Riêng chính sách trợ giúp pháp lý, Ðiều 10, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định người thuộc hộ nghèo được trợ giúp pháp lý; hộ cận nghèo chưa được Nhà nước quy định chính sách này.

Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QÐ-TTg, mức chênh lệch giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Vì vậy, người thuộc hộ cận nghèo không thể đủ tài chính để thuê luật sư bảo vệ quyền, lợi ích khi có vướng mắc pháp luật.

Việc thông qua chính sách trợ giúp pháp lý là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Ðảng và Nhà nước về chính sách giảm nghèo đa chiều, đồng thời góp phần giảm thiểu những khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện cho các đối tượng tập trung vào lao động - sản xuất để có cơ hội thoát nghèo.

Căn nhà của một hộ nghèo ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

“MẶT TRÁI” CỦA CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Hồi tháng 4, Sở LÐ-TB&XH - cơ quan thường trực thuộc Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh.

Có nhiều vấn đề nổi lên tại đợt kiểm tra, phúc tra này (Báo Tây Ninh đã đưa tin). Trong số đó có chuyện nhiều người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo lâu nay vẫn “kiên trì” một lối suy nghĩ ỷ lại, kiểu để cho “Ðảng và Nhà nước lo”. Tâm lý ỷ lại, trông chờ đã được đề cập đến từ nhiều năm nay nhưng tình hình vẫn không có gì chuyển biến. Ðiều đáng nói, trong số những người trông chờ vào chính sách, không phải ai, gia đình nào cũng thuộc diện neo đơn, tàn tật, tuổi cao, sức khoẻ yếu. Có không hiếm trường hợp còn sức lao động, tuổi cũng chưa cao nhưng vẫn nằm trong diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. 

Cá biệt, ở huyện nọ có trường hợp cả năm mẹ con đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong một lần đi giám sát, một vị đại biểu HÐND tỉnh đã nửa đùa nửa thật rằng, nhìn nhà nào có nhiều võng thì biết ngay đó là hộ nghèo, vì mọi thành viên trong gia đình suốt ngày nằm võng, không thích lao động.

Thật ra, khoản tiền hỗ trợ cho từng hộ không lớn nhưng điều đáng nói ở đây là, những hộ này chưa phải khó khăn tới mức không trả nổi tiền điện sinh hoạt hằng tháng. Tương tự, dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, nhưng số lượng người thuộc diện hộ nghèo tham gia dịch vụ này rất thấp.

Kết quả điều tra, rà soát năm 2016 cho thấy, có những địa phương, số người thuộc diện hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế chưa tới 100 người, chính xác là 81 người. Có những điều không tiện nêu ra ở đây, nhưng chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo dù nhân văn, tốt đẹp đến đâu thì cũng mang trong mình nó những “mặt trái”. Ðó chính là chuyện nhiều hộ nghèo, cận nghèo “kiên định” với tư tưởng trông chờ, lười biếng.

Hiện nay trên cả nước, ngân sách dùng cho công cuộc giảm nghèo, tuỳ từng giai đoạn, có năm có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Tiền chi ra nhiều nhưng số lượng hộ nghèo, cận nghèo chẳng giảm được bao nhiêu, thậm chí, có nơi còn tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chủ trương giảm nghèo bền vững chưa đạt hiệu quả như trông đợi, trong đó phải kể đến hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng manh mún. Hầu hết các khoản tiền hỗ trợ đều có tính chất cho không, trong khi đúng ra cần hạn chế điều này. Thứ hai, nhiều hộ nghèo, cận nghèo lười lao động, tìm mọi cách để tiếp tục lọt vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo của địa phương.

VIỆT ÐÔNG