Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phước Đông, Gò Dầu:

Nhiêu khê một vụ đòi tiền cấp dưỡng 

Cập nhật ngày: 07/07/2018 - 08:30

BTN - Chị Thơm cho biết, từ khi có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của chị đến nay, anh Triều không hề thi hành án dù chỉ 1 đồng, cũng như không ghé thăm con, bỏ mặc chị phải tự lực nuôi con trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Hoàn cảnh của gia đình chị Thơm đang rất khó khăn.

Sau ly hôn, chị Ðặng Thị Thơm một mình gồng gánh nuôi con, gia đình lâm vào hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Trong khi đó, người chồng của chị, người phải thi hành án hằng tháng phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung lại “tránh né”, cho dù có điều kiện thi hành án. Chị Thơm chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan Thi hành án.

 

Có dấu hiệu trốn tránh thi hành án

Theo trình bày của chị Thơm (SN 1974, ngụ tổ 16, ấp Suối Cao A, xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu), Bản án phúc thẩm số 37 ngày 3.10.2013 của TAND tỉnh đã công nhận thuận tình ly hôn giữa chị và chồng là anh Phan Văn Triều.

Về trách nhiệm nuôi con, hai cháu Phan Thị Hồng Ngọc (SN 1998) và Phan Thị Kim Ngân (SN 2001) do chị Thơm tiếp tục nuôi dưỡng, giáo dục.

Anh Triều có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi hai con với số tiền hằng tháng hơn 1 triệu đồng cho đến khi hai cháu thành niên, đủ khả năng tự lao động nuôi sống bản thân. Anh Triều có quyền thăm nom con chung.

Về tài sản chung, anh Triều giao lại cho bà Nguyễn Thị Giáo (mẹ ruột anh Triều) sở hữu và sử dụng phần tài sản mà anh được chia khi ly hôn.

Cụ thể là phần đất có diện tích hơn 1.500m2, kể cả tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa 170, tờ bản đồ số 26 (BÐ 2005), đã được UBND huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận QSDÐ vào ngày 31.7.2008 cho anh Triều và chị Thơm.

Giao chị Thơm được quyền sở hữu, quản lý, sử dụng phần đất diện tích hơn 1.000m2 và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa 246, tờ bản đồ 29 (BÐ 2005), được UBND huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận QSDÐ ngày 31.7.2008 cho anh Triều và chị Thơm.

Chị Thơm không nhận số tiền khoảng 110 triệu đồng về chênh lệch giá trị tài sản do anh Triều có trách nhiệm giao lại cho chị... Bản án số 37 còn kiến nghị UBND huyện Gò Dầu thu hồi 2 giấy chứng nhận QSDÐ nêu trên để cấp lại cho từng người theo đúng với quyết định của Toà án.

Anh Triều, chị Thơm, bà Giáo cần đến cơ quan chức năng thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký sang tên đúng quy định pháp luật. Phần cuối của bản án phúc thẩm lưu ý, kể từ ngày người có quyền yêu cầu thi hành án, mà người phải thi hành án không thi hành thì hằng tháng còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Chị Thơm cho biết, từ khi có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của chị đến nay, anh Triều không hề thi hành án dù chỉ 1 đồng, cũng như không ghé thăm con, bỏ mặc chị phải tự lực nuôi con trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Chị Thơm nghi ngờ, việc anh Triều giao lại phần đất hơn 1.500m2 cho mẹ sở hữu là có sự tính toán từ trước, nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án.

Bởi vì, không lâu sau khi Chi cục THADS huyện Gò Dầu ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho chị Thơm với lý do người phải thi hành án không có điều kiện, anh Triều đã được mẹ tặng cho ngược trở lại phần tài sản mà anh đã giao cho mẹ trong bản án.

Ðó chính là phần đất hơn 1.500m2 và tài sản khác gắn liền với đất theo giấy chứng nhận QSDÐ do UBND huyện Gò Dầu cấp mới cho anh Triều vào ngày 8.10.2014.

Chị Thơm kể tiếp, sau khi chị biết chuyện anh Triều có tài sản, khoảng tháng 6.2017, chị tiếp tục nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành án.

Tuy nhiên, chấp hành viên phụ trách xử lý vụ việc cứ hẹn lần hẹn lựa với lý do: “Mời anh Triều hoài nhưng anh không chịu hợp tác nên chưa giải quyết được”.

Sự việc cứ thế trôi qua, hậu quả là anh Triều đã sang nhượng cho người khác gần phân nửa số tài sản trên, có nguy cơ tẩu tán hết tài sản để “tránh né” thi hành án.

Tháng 4.2018, chị Thơm tiếp tục liên hệ Chi cục THADS huyện Gò Dầu để yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm việc thi hành án cho chị.

Ngày 18.6.2018, Chi cục đã ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (phần còn lại) của anh Triều để thi hành án. Hiện tại, chị Thơm vẫn chưa được thi hành án sau gần 5 năm bản án có hiệu lực pháp luật.

CHỜ THI HÀNH ÁN - CHỜ ÐẾN BAO GIỜ

Trở lại quá trình giải quyết hồ sơ của chị Thơm, ngày 29.11.2013, Chi cục THADS huyện Gò Dầu ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của chị.

Ngày 24.3.2014, Chi cục có Quyết định số 29 về việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho chị Thơm do anh Triều không có tài sản và thu nhập để thi hành.

Trên thực tế, ngày 8.10.2014, anh Triều được UBND huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận QSDÐ hơn 1.500m2, nguồn gốc là do bà Giáo tặng cho.

Khoảng giữa năm 2017, chị Thơm một lần nữa gửi đơn yêu cầu Chi cục THADS huyện Gò Dầu thi hành bản án vì chị nhận thấy anh Triều đang có dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Ngày 23.6.2017, Chi cục ban hành tiếp Quyết định số 1296 thi hành án theo đơn yêu cầu lần thứ hai của chị Thơm, cùng ngày, quyết định này cũng đã được chấp hành viên tống đạt cho anh Triều.

 Sự việc sau đó kéo dài qua nhiều tháng, ngày 3.11.2017, chị Thơm gửi đơn khiếu nại đến Chi cục THADS huyện Gò Dầu về việc chậm thi hành án.

Chi cục đã ban hành Quyết số 06 ngày 21.11.2017 chấp nhận giải quyết toàn bộ đơn khiếu nại của chị. Cũng trong khoảng thời gian này, anh Triều đã sang nhượng cho người khác gần phân nửa số tài sản trên, nhưng vẫn còn đứng tên QSD một phần đất có diện tích 945,05m2 và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa số 258, tờ bản đồ số 26, tại cùng địa chỉ với phần đất mà bà Giáo đã tặng cho vào năm 2014.

Việc thi hành án tiếp tục kéo dài, chị Thơm lo lắng người phải thi hành án sẽ tẩu tán hết tài sản, nên tháng 6.2018 chị lại nộp đơn khiếu nại đến Chi cục và một số cơ quan khác trong tỉnh.

Ngày 18.6.2018, Chi cục mới ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của anh Triều. Hiện tại, chị Thơm vẫn đang trông chờ để được thi hành án.

Theo quy định, trong suốt quá trình anh Triều chưa có điều kiện thi hành án, chị Thơm có quyền theo dõi và thông báo cho cơ quan chức năng biết khi anh Triều có tài sản.

Mặt khác, cơ quan Thi hành án có trách nhiệm xác minh định kỳ 6 tháng 1 lần về khả năng thi hành án của anh Triều. Ðối với vụ việc này, anh Triều đã có tài sản để bảo đảm thi hành án từ tháng 10.2014, nhưng mãi đến năm 2017 chị Thơm mới phát hiện và thông báo cho Chi cục THADS huyện Gò Dầu biết.

Ðã vậy, dù Chi cục biết anh Triều có tài sản bảo đảm thi hành án lại chậm giải quyết dứt điểm (khoảng từ tháng 6.2017 đến tháng 6.2018), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án dẫn đến khiếu nại liên tục.

Ðược sự uỷ quyền về phát ngôn của Cục trưởng Cục THADS tỉnh, ngày 4.7.2018, ông Nguyễn Thành Sang- Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Gò Dầu thẳng thắn: “Xác nhận có việc thi hành án chậm, cơ quan đã tiến hành xử lý trách nhiệm đối với chấp hành viên phụ trách giải quyết trường hợp của chị Thơm.

Hướng giải quyết sắp tới, nếu người phải thi hành án vẫn cố tình không hợp tác, Chi cục sẽ cưỡng chế kê biên và bán đấu giá tài sản để thi hành bản án cho chị Ðặng Thị Thơm”.

Ðược biết, hai người con chung của anh Triều và chị Thơm phải nghỉ học từ năm lớp 9 do hoàn cảnh khó khăn. Hiện em Phan Thị Hồng Ngọc đã kết hôn và đang nuôi con nhỏ. Em Phan Thị Kim Ngân chưa đủ 18 tuổi nên không thể vào làm tại các công ty, xí nghiệp, đành phải đi làm thuê công nhật.

Riêng chị Thơm, nợ nần chồng chất, hằng ngày làm nghề tráng bánh tráng để mưu sinh. Nguyện vọng của gia đình chị Thơm là sớm được thi hành án để giảm bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống.

QUỐC SƠN