BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều người cao tuổi còn phải kiếm sống 

Cập nhật ngày: 09/12/2017 - 13:23

BTN - Có trường hợp- chẳng hạn như một bà cụ ở phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh đã gần 70 tuổi vẫn phải làm lụng để tự nuôi thân và nuôi cháu ngoại. Bà cụ ấy chỉ mong ước có một số tiền nho nhỏ để làm vốn bán vé số, nhưng hoàn toàn không biết vay mượn ai.

Khám bệnh cho NCT tại Hoà Thành.

Chất lượng dân số nước ta đã được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Ðó là điều được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (Nghị quyết số 21) về công tác dân số trong tình hình mới (được ban hành ngày 25.10.2017).

 

Một trong những mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đề ra trong Nghị quyết là “Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khoẻ, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”.

Qua đó, có thể thấy, công tác chăm sóc người cao tuổi luôn được Ðảng và  Nhà nước ta xem trọng. Tại Tây Ninh, theo số liệu từ Ban Ðại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 90.149 hội viên, trong đó, hội viên từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ hơn 91%; còn lại là số hội viên dưới 60 tuổi (tự nguyện xin vào Hội). 

Năm 2017, các cấp Hội Người cao tuổi đã đứng ra vận động hoặc phối hợp các đơn vị vận động nguồn quỹ dùng để tặng quà, trao nhà đại đoàn kết, mái ấm người cao tuổi, tặng xe lăn, xe lắc, bò sinh sản cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá hơn 21,8 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng duy trì và phát triển loại hình câu lạc bộ (CLB) văn hoá văn nghệ, thể dục dưỡng sinh... với hàng nghìn hội viên tham gia, giúp người cao tuổi có điều kiện nâng cao thể lực, tinh thần, sống vui sống khoẻ.

Nguồn quỹ Hội đã giúp cho hơn 2.200 lượt hộ người cao tuổi nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, tính ra, tổng số tiền là hơn 6 tỷ đồng. Người cao tuổi các nơi đã tham gia đóng góp công sức, tiền của vào các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng đường nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cộng đồng... Tại nhiều địa phương, Hội Người cao tuổi thật sự trở thành điểm tựa tin cậy cho người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1952, hội viên Chi hội Người cao tuổi ấp Long Phú, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành cho biết: “Mỗi khi đau bệnh, tôi luôn được đại diện Hội đến thăm hỏi, tặng quà, động viên về tinh thần, nên thấy cảm động lắm. Những người lớn tuổi như tôi rất cần sự động viên, chia sẻ”. Do có hoàn cảnh khó khăn, ông Thành được tổ chức Hội xét cho vay vốn chăn nuôi. Với nguồn vay này, ông đã đầu tư nuôi gà, từ đó có thêm nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện được kinh tế gia đình.

Hiện nay, các cơ sở y tế trong tỉnh chưa có chuyên ngành lão khoa, nhưng người cao tuổi luôn được ưu tiên khi đến khám, điều trị bệnh. Các cấp chính quyền cũng rất chú trọng việc thực thi các chính sách dành cho người cao tuổi, như trợ cấp hằng tháng, cấp chế độ bảo trợ xã hội, hỗ trợ các dịch vụ y tế…

Tuy vậy, số hội viên Hội Người cao tuổi còn nghèo khó trong tỉnh hiện vẫn còn. Theo ông Nguyễn Ðức Tiến- Phó trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, tỷ lệ người cao tuổi trong hộ nghèo của tỉnh chiếm hơn 20%. Số người cao tuổi còn khả năng trực tiếp lao động cũng khá đông, và những người này thường làm các công việc như bán vé số, làm mướn, giúp việc nhà… Có trường hợp- chẳng hạn như một bà cụ ở phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh đã gần 70 tuổi vẫn phải làm lụng để tự nuôi thân và nuôi cháu ngoại. Bà cụ ấy chỉ mong ước có một số tiền nho nhỏ để làm vốn bán vé số, nhưng hoàn toàn không biết vay mượn ai.

Theo ông Tiến, hiện ở tỉnh ta, số người cao tuổi cần vốn để kinh doanh nhỏ còn rất nhiều, nhất là những người thuộc diện neo đơn, phải tự lao động để nuôi thân. Phần nhiều trong số họ chỉ cần một nguồn vốn nho nhỏ, phù hợp với khả năng, điều kiện của mình, nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Chính vì vậy, nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vẫn còn phải loay hoay trong cuộc mưu sinh đầy chật vật.

VI XUÂN - CHÂU PHA