BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 

Cập nhật ngày: 15/10/2017 - 11:56

BTN - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tạo ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, do vẫn còn hoạt động sản xuất theo mô hình kinh doanh cũ, nền tảng quản trị, tài chính và công nghệ còn yếu.

Công nhân làm việc tại một công ty cao su trên địa bàn tỉnh.

CMCN 4.0 ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá để tối ưu các quy trình, phương thức sản xuất, vì vậy được đánh giá sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Về bản chất, cuộc CMCN 4.0 là mang thế giới ảo và thật xích lại gần nhau, dựa trên nền tảng của 3 cuộc cách mạng từng có trong lịch sử.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư vừa ban hành Công văn 8145/BKHÐT-ÐTNN về việc hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư (XTÐT) năm 2018. Theo đó, chương trình XTÐT năm 2018 được xây dựng bám sát vào các nội dung như, tiếp tục xây dựng chương trình XTÐT theo ngành, lĩnh vực; đối tác đầu tư; chú trọng các ngành nghề đón đầu CMCN 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới...

Ðể có thể tiếp cận, khai thác những cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cần phải liên tục cập nhật công nghệ hiện đại, tiên tiến; xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, thực tế chung là nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu.

Theo anh Võ Văn Thành, chủ một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh, cuộc CMCN 4.0 là ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, sản xuất là điều cần thiết và không tránh khỏi, nhưng hiện máy móc, kỹ thuật của doanh nghiệp còn hạn chế, sử dụng nhiều lao động thủ công, vận hành bằng tay… nếu đầu tư máy móc thiết bị mới sẽ tốn rất nhiều chi phí trong khi nguồn tài chính còn hạn chế.

Với ngành xây dựng, CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn, chẳng hạn như ứng dụng vào một số mô hình thiết kế nhà thông minh. Ðây là mô hình cho phép điều khiển tất cả thiết bị trong nhà (từ hệ thống chiếu sáng, làm mát, camera an ninh từ xa…) qua thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính.

Một số doanh nghiệp cũng cho biết họ “chưa có nhu cầu”, chưa có tiền hoặc chưa hiểu cuộc cách mạng này sẽ tác động như thế nào đến họ. Cũng có một số doanh nghiệp mới đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất với số tiền khá lớn. Nếu phải điều chỉnh để ứng dụng công nghệ 4.0 trong giai đoạn hiện nay rất khó khả thi.

Về mặt hạ tầng công nghệ, các ngân hàng có tiềm lực về tài chính, được coi là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào kinh doanh, như ứng dụng thanh toán trực tuyến qua các kênh giao dịch điện tử, không dùng đến tiền mặt: SMS/Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử…

Theo một nhân viên giao dịch ngân hàng VietinBank Tây Ninh, khách hàng có thể thanh toán hoá đơn qua dịch vụ VietinBank iPay hoặc qua SMS mà không cần đến ngân hàng hoặc cửa hàng. Ðây là một trong những tiện ích có thể được gọi là ứng dụng CMCN 4.0 vào trong hoạt động của ngân hàng nhằm tối ưu hoá các giao dịch cho khách hàng.

CMCN 4.0 sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, thúc đẩy hình thành các mô hình kinh doanh mới và giới thiệu sản phẩm ra thị trường rộng lớn.

Ðơn cử như Công ty BiMiCo, doanh nghiệp kinh doanh hạt điều đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ tự động kết hợp với thủ công để duy trì sản xuất và phát huy hiệu quả khá tốt, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Thời gian qua, sản phẩm hạt điều nhân của công ty đã được bán tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngoài những thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như tiềm lực về tài chính hạn chế, công nghệ còn yếu, mô hình kinh doanh cũ… thì cuộc cách mạng này cũng sẽ tước đi việc làm của nhiều lao động phổ thông từ dệt may cho đến các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục…

Vì vậy, bản thân người lao động phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Vũ Nguyệt