BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều vườn chanh dây nhiễm bệnh 

Cập nhật ngày: 27/11/2017 - 06:25

BTN - Thời gian qua, nhiều nông dân đầu tư trồng chanh dây (còn gọi là chanh leo). Tuy nhiên, một số vườn chanh dây hiện bị nhiễm bệnh, buộc nông dân phải phá bỏ để trồng cây khác.

Chanh dây ở huyện DMC bị bệnh ghẻ.

THỰC TRẠNG CÁC VƯỜN CHANH NHIỄM BỆNH

Ở thị trấn huyện Dương Minh Châu, có một nông dân (xin không nêu tên) mạnh dạn tiên phong trong việc trồng chanh dây. Tận dụng hơn 2 ha cây cao su đang lớn, ông trồng xen loại cây ăn trái này trong vườn. Thời gian đầu, chanh dây phát triển bình thường và cho trái khá nhiều.

Thế nhưng, từ hơn 4 tháng trước, vườn chanh của ông bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh, lác đác xuất hiện vài cây bị nấm mốc trắng ở trái và thân chanh, đoạn dưới gốc gần mặt đất. Bệnh này tuy không làm chết cây nhưng khiến lá kém phát triển và bị vàng úa; trái teo nhỏ lại, vỏ nhăn nheo và dần dần khô héo, dẫn đến năng suất bị sụt giảm mạnh.

Mặt khác, trong vườn chanh cũng xuất ruồi vàng chích phá, khiến vỏ trái sần sùi như bị ghẻ; một số trái khác bị bệnh đốm nâu như màu bã trầu và có nhiều trái chanh bị cả hai bệnh này.

Mặc dù chủ vườn đã áp dụng nhiều biện pháp chữa trị, nhưng vẫn không xử lý dứt điểm được các loại bệnh này mà diện tích cậy bị bệnh lại càng lan rộng. Cuối cùng, ông đành bỏ phế vườn chanh. Ngày 22.11, khi chúng tôi ghé thăm, vườn chanh của ông chết khoảng 90%. Dưới đất, rất nhiều trái rụng, nằm la liệt. Số dây chanh còn lại cũng èo uột, trái bị ruồi vàng chích khiến lớp vỏ bên ngoài đầy vết sẹo. “Thấy vườn chanh không hiệu quả nên hai ba tháng nay tôi bỏ luôn, không phun thuốc, bón phân gì nữa hết. Sắp tới, tôi sẽ phá bỏ luôn số dây chanh còn lại” - chủ vườn buồn bã cho hay.

Tương tự như thế, ở huyện Tân Biên có người trồng tới gần 70 ha chanh dây, xen canh trong vườn cao su hơn 3 năm tuổi. Chủ vườn (cũng không muốn nêu tên) tận dụng thân cây cao su có sẵn làm trụ, mắc giàn cho chanh leo. Với cách làm này, ông không phải tốn chi phí mua trụ xi măng về làm giàn như những nhà vườn khác.

Thời gian đầu, vườn chanh của ông cũng xanh tốt, xum xuê trái và trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nhưng chẳng bao lâu sau, một vài dây chanh bắt đầu nhiễm bệnh nấm gốc và bệnh lây lan ngày càng rộng ra. Giữa tháng 11, khi chúng tôi trở lại thăm vườn chanh này, thấy trên nhiều giàn, lá đã vàng úa, héo khô, đang chờ nhân công đến cắt dọn.

Dưới đất, rất nhiều trái chanh rụng lăn lóc; trên giàn nhiều trái đang bị héo, sắp rời khỏi cuống. Một số khu vực trong vườn, chanh dây đã bị cắt bỏ, dọn dẹp, thay vào đó là những cây bưởi con. Ở các khu vực khác, hàng chục nhân công đang hì hục vác phân bón, vận chuyển cây bưởi giống từ xe tải xuống để trồng thay thế vào vườn chanh dây. Chủ vườn cho biết: “Hiện nay, vườn chanh bị nhiễm bệnh khoảng 20 - 30%”. 

CẦN SỚM CÓ BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỊ BỆNH HIỆU QUẢ

Ông Lê Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết, tính đến nay, trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Bến Cầu, Dương Minh Châu đã có tổng diện tích trồng chanh dây lên tới 150 ha. Một số vườn chanh gặp trở ngại do bệnh nấm gốc xuất hiện. Bệnh này do bọ trĩ chích vào cây, làm nhiễm virus truyền bệnh, khiến dây chanh sinh trưởng kém, dẫn đến năng suất bị sụt giảm. Mặt khác, trên trái chanh bị bệnh đốm trái lõm (dân gian gọi là bệnh bã trầu), làm ảnh hưởng đến năng suất.

Ngoài ra, có vườn chanh trồng trên vùng đất trũng, thấp, bị ngập nước dẫn đến thiệt hại một phần. Hiện nay, có vườn diện tích lớn đã bị chủ thuê công nhân cắt bỏ khoảng 20%. Còn vườn diện tích nhỏ đã bị cắt bỏ gần như hoàn toàn, hoặc chủ vườn cho cắt bỏ những gốc đã bị nhiễm bệnh để tránh lây lan sang những gốc khác.

Được biết, đến nay bệnh nấm gốc chanh dây chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thuốc diệt bọ trĩ. Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn bà con xịt nước nhiều lên vườn chanh dây để bọ trĩ rớt xuống đất và dùng thuốc phun diệt loài côn trùng này. Đồng thời, phát quang, làm cỏ, dọn dẹp vườn chanh cho thông thoáng, không để bọ trĩ trú ẩn và bay sang vườn chanh khác, lan truyền bệnh. Đối với những dây chanh đã nhiễm bệnh, ngành Khuyến nông khuyến nghị nông dân nhổ gốc và đem ra ngoài đốt.

Tại gốc chanh rải vôi để tiêu diệt mầm bệnh. Đối với bệnh đốm trái lõm, bà con cần phòng ngừa bằng cách phun thuốc diệt côn trùng. “Hiện Trung tâm chưa có thống kê chính thức tình hình sâu bệnh trên chanh dây. Sắp tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ khảo sát, thống kê cụ thể và có biện pháp hướng dẫn bà con xử lý.

Chanh dây rụng đầy mặt đất.

CÓ THỂ CÓ LỖI KỸ THUẬT

Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy chanh dây bị bệnh nấm gốc đều là cây trồng xen trong vườn cao su. Những năm gần đây, mủ cao su rớt giá, nhiều nông dân có vườn 3-5 năm tuổi ngưng bón phân nhưng cũng không chặt bỏ.

Họ chặt ngang đọt cây cao su, cách mặt đất khoảng 3-4m, không làm chết cây mà tạo ra được nhiều khoảng trống, đầy ánh nắng để trồng xen canh cây nông nghiệp ngắn ngày khác. Có người xen canh các loại hoa màu như đậu xanh, bầu, bí, có cả trồng lúa rẫy, khoai mì; có người lợi dụng thân cây cao su làm giàn cho chanh leo. Tuy nhiên, trong quá trình trồng và chăm sóc chanh dây, thân cây cao su ra tược um tùm trở lại.

Có thể chính môi trường rậm rạp như thế đã tạo điều kiện cho nhiều loại côn trùng sinh sôi nảy nở, trong đó có loài bọ trĩ, ruồi vàng- những tác nhân gây bệnh nấm gốc, bệnh bã trầu, bệnh ghẻ cho thân và trái chanh dây.

Bên cạnh đó, còn có thể do một số nông dân chưa có kinh nghiệm trồng chanh dây, dẫn đến áp dụng kỹ thuật không đúng. Còn nhớ, vài tháng trước, khi chúng tôi cùng đoàn lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNT và lãnh đạo, kỹ thuật viên Công ty TNHH Đồng Dao (Ninh Bình) đến tham quan một vườn chanh dây quy mô lớn ở huyện Tân Biên, được đầu tư khá hiện đại với hệ thống tưới nhỏ giọt dưới gốc.

Nhưng có lẽ vì “xót ruột” khi thấy nắng nóng quá nên chủ vườn cho công nhân dùng rơm ủ quanh gốc chanh để giữ ẩm. Nhân viên kỹ thuật của Công ty Đồng Dao thấy cách ủ rơm như thế liền khuyến cáo chủ vườn cho dọn dẹp hết rơm ủ, để cho gốc chanh thông thoáng, tránh các bệnh nấm gốc có điều kiện phát sinh.

Nhìn một cách khái quát, tình hình dịch bệnh trên cây chanh dây rất đáng lo ngại. Mặc dù Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn nông dân phải nhổ gốc và đem tất cả thân lá chanh dây bị bệnh ra ngoài đốt bỏ để tiêu diệt mầm bệnh, nhưng theo quan sát của chúng tôi, ở hầu hết các vườn chanh dây bị nhiễm bệnh, chưa thấy chủ vườn tích cực xử lý theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Cụ thể như tại vườn chanh dây ở huyện Dương Minh Châu, ngày 22.11.2017, chủ vườn mới cho nhân công thu hồi các ống nhựa dẫn nước, còn các dây chanh bị nhiễm bệnh vẫn nằm y nguyên trong vườn cao su. Vườn chanh dây bị nhiễm bệnh ở huyện Tân Biên cũng vậy, giữa tháng 11, chúng tôi đến đây nhận thấy các dây chanh nhiễm bệnh đã được nhân công cắt gốc đứt lìa cho mau chết, nhưng thân, lá và trái chanh còn vắt vẻo trên giàn.

Trong khi đó, xung quanh còn nhiều vườn chanh dây khác chưa nhiễm bệnh. Nếu chủ vườn không mạnh tay xử lý các dây chanh bị bệnh, nhiều khả năng mầm bệnh sẽ lây lan sang các vườn chanh còn lại, và gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ cây trồng.

Hiện nay, Nhà máy Tanifood đang được xây dựng ở huyện Gò Dầu, và theo kế hoạch, đến cuối năm 2018 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Công ty TNHH Đồng Dao cũng đang “ngắm nghía” đến việc xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các mặt hàng từ cây ăn trái ở huyện Tân Biên.

Tỉnh đang thực hiện chủ trương phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, sẽ tập trung phát triển cây ăn trái như khóm, bưởi, xoài cát chu, đu đủ và chanh dây.

Một số nông dân là “khách hàng tiềm năng” có diện tích trồng cây ăn trái lớn đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty nêu trên. Nếu để chanh dây bị bệnh tràn lan không những ảnh hưởng đến tinh thần, vốn đầu tư của nông dân mà còn có thể “liên luỵ” đến hoạt động của các công ty chế biến sản phẩm từ trái cây ở tỉnh ta.

Đại Dương