Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhìn lại nông nghiệp năm 2018: Những con số kỷ lục 

Cập nhật ngày: 24/12/2018 - 13:48

Dù gặp không ít khó khăn và rào cản, năm 2018 vẫn được đánh giá là năm thắng lợi rực rỡ của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng; thị phần xuất khẩu được duy trì, củng cố, mở rộng.

Khó khăn chất chồng
 
Theo Bộ NNPTNT, bối cảnh năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nông sản lớn bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.

Thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm.

Lọc cá phi lê xuất khẩu.

Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành giai đoạn tới là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh”. 
                                                                                                                                                                                    Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Cụ thể như: Thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới.
 
Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.
 
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam; tiếp tục chương trình thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill); đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
 
Ngoài ra, trong năm 2018,  thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông, thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.
 
Những con số kỷ lục
 
Vượt lên khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung trong 11 tháng năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính cả năm con số này sẽ đạt trên 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
 
Đại diện Bộ NNPTNT cho hay: Một trong những điểm nổi bật của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2018 là thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng. 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (tăng 3,6% so với năm 2017); 17,9% (tăng 9,4%); 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lực chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.

Chế biến điều khô xuất khẩu.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật phải kể đến là giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Cụ thể: Đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017...
 
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Có được thành tích trên là nhờ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ người nông dân tới doanh nghiệp, các hợp tác xã... Việt Nam đã chủ động từng bước nâng cao chất lượng nhiều mặt hàng nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động trao đổi, đàm phán để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật lẫn thương mại đối với các thị trường lớn là EU, Mỹ, Trung Quốc.
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Thời gian tới, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất gắn với chuỗi giá trị, theo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tập trung khuyến khích chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Trong đó, ngành cần tổ chức, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt, trung tâm là các chủ thể: Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa.

Nguồn Dân Việt