BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhọc nhằn đời thợ củi 

Cập nhật ngày: 17/07/2017 - 05:41

BTN - Luôn đồng hành cùng công nhân cạo mủ tại các vườn cao su là lực lượng dọn dẹp vườn. Họ góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an toàn cho đội ngũ công nhân. Công việc dọn vườn tưởng chừng đơn giản, nhưng có trải nghiệm qua mới biết nó không hề dễ dàng. Ấy thế mà thu nhập của những người làm nghề này lại rất bấp bênh.

Ông Minh quan sát lô cao su tìm cây hoặc nhánh.

Vườn cao su thường bị đổ cây hoặc gãy cành, nhánh- nhất là vào mùa mưa giông. Điều này đã gây không ích phiền toái cho công nhân cạo mủ, cản trở việc chăm sóc cây và thu hoạch mủ.

Nguy hiểm hơn khi cây chỉ đổ nghiêng hoặc nhánh đã gãy nhưng còn dính lại trên cành cao, chưa chịu rơi xuống đất, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người lao động bên dưới.

Để loại bỏ mối nguy này, đa số các chủ vườn cao su chọn cách hợp tác với những người làm nghề thu gom củi, cho họ đến để dọn dẹp vườn. Hình thức thường là cho cắt dọn nhánh, bán cây.

Người thu gom củi chỉ được cắt cây, cắt nhánh cao su thực sự không còn khả năng cho mủ. Sau khi làm xong phải thu dọn cành, lá để ngay ngắn giữa lô, sao cho không cản trở lối đi của công nhân cạo mủ.

Họ cũng phải hết sức cẩn thận, tuyệt đối không được làm bể chén hứng mủ hay gây hư hỏng máng chống nước mưa. Chính vì những yêu cầu khắt khe vậy, nên các chủ vườn cao su thường chỉ chọn những người làm nghề củi lâu năm trong vùng, một khi đã tin tưởng thì có thể giao hẳn công việc với tính chất của một hợp đồng lâu dài. Người được chọn giao việc này có quyền chủ động ra vào vườn cao su để xử lý sự cố cây đổ ngã.

Đối mặt với nguy cơ rủi ro

Tại Xóm Củi, thuộc ấp 1 và ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu hiện có nhiều hộ mưu sinh bằng nghề thu gom củi. Một trong số đó là hộ ông Dương Văn Minh ngụ ở ấp Trảng Ba Chân.

Gia đình ông Minh đã gắn bó với nghề củi hơn 15 năm nay. Hằng ngày, cứ khoảng 4 giờ sáng, cả nhà ông đều thức dậy. Mỗi người một việc: nấu cơm, chuẩn bị nước uống mang theo, chiết dầu diesel ra bình, kiểm tra dây dù, thử động cơ máy cày, mài rựa và lưỡi cưa máy.

Sau bữa ăn sáng qua loa với mì gói hoặc cơm nguội, 6 giờ, ông Minh cùng anh con trai cả và hai thanh niên phụ việc bắt đầu lên đường tìm đến những vườn cao su rộng lớn trong vùng.

Phải biết quan sát từ xa theo từng lô cao su và quan sát trên ngọn cây là một trong những kỹ năng cần thiết đối với nghề thu gom củi. Ông Minh tuy đã gần 70 tuổi nhưng đôi mắt vẫn rất tinh tường, có thể “nhìn ra củi” từ xa.

Khi phát hiện thấy nhánh cây gãy rơi xuống đất, ông liền dừng lại. Nhánh nhỏ thì dùng rựa chặt, nhánh lớn thì sử dụng máy cưa. Đối với cây cao su bị nghiêng hay đổ ngã, thì phải gọi điện báo cho chủ vườn hoặc bảo vệ vườn (nếu là vườn cây của nông trường) đến để chứng kiến, định giá.

Thật ra, những cây đổ gãy thường đã được bảo vệ, công nhân phát hiện trước đó và đã thông báo cho chủ vườn. Việc gọi điện của ông Minh chỉ nhằm khẳng định tiếng máy cưa là của mình chứ không phải của kẻ trộm củi.

Nhiều chủ vườn cao su trong khu vực rất tin tưởng cách làm việc đàng hoàng, kỹ lưỡng của ông Minh và gia đình ông. Thấy bất cứ nhánh cây nào gây cản trở lối đi, ông Minh đều thu dọn sạch sẽ. Có khi cây, cành bị ngã nằm ở thế khó xoay trở, ông vẫn cố gắng tìm cách giải quyết gọn gàng. Khai thác trắng cao su nguyên đám thì dễ nhưng cắt hạ từng cây len lỏi trong vườn thì khó. Hướng cây đổ thường không theo ý muốn, trong khi người đốn hạ cây còn phải hết sức chú ý để tránh gây ảnh hưởng đến những cây khoẻ mạnh, bình thường xung quanh.

Đây là một việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và chấp nhận đối đầu với nguy hiểm. Với những nhánh cây gãy nửa chừng còn dính trên cao, thì phải quăng dây dù lòn qua nhánh cây nguyên gần đó, rồi dùng sức đu người bám theo dây lên đến chỗ cần xử lý.

Buộc phải chọn cách làm như vậy vì nếu leo lên bằng cách đu bám thân cây dễ gây hỏng kiềng chén hứng mủ và máng nhựa.

Trong công việc, nhóm ông Minh thường phân làm hai: một người phụ ông dùng máy cưa để cắt những thân cây, cành lớn. Cậu con trai cùng một người phụ việc khác thì chuyên dùng rựa đi chặt những cành, nhánh khô cỡ nhỏ.

Tai nạn nghề nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra: bị dằm gỗ đâm hay bị củi đè giập chân, tay… ớn nhất là khi lưỡi cưa, lưỡi rựa trở ngược vào chân. Muỗi vằn trong lô cao su cũng nhiều vô số kể, chúng thực sự là một rắc rối đối với người thợ củi.

Cây, cành hạ xuống được cưa thành từng khúc củi đúng 1m hoặc 1,2m tuỳ theo yêu cầu khách hàng đã dặn, sau đó phải dùng sức người vác từng khúc cây nặng trịch chất lên rơ-moóc xe máy cày chở về.

Về đến nhà, ông Minh cùng mọi người lại chất mớ củi vừa khai thác thành từng dãy cao cả mét. Công việc cứ thế ngày này qua ngày khác, đến khi đống củi tích trữ ước đã đủ cho một chuyến xe tải cỡ lớn, ông Minh mới cho gọi thương lái đến mua.

Thu nhập chẳng xứng công

Cả nhà ông Minh có tám người, trước đây các thành viên trong gia đình đều mưu sinh bằng cách đi mót củi đem bán. Mỗi người một chiếc xe đạp, chỉ nhặt nhạnh từng nhánh cao su rơi rụng mang về, góp chung lại chờ cho đủ số lượng để bán.

Tích cóp hơn 10 năm, họ mới mua được hai chiếc máy cày cũ loại nhỏ để kéo củi cho đỡ nhọc sức. Những năm gần đây, chỉ trừ người con trai cả chưa lập gia đình là còn ráng bám công việc phụ cha. Những người con khác của ông Minh đều đã có chồng, có vợ và đều tìm công việc khác để làm, bởi thu nhập từ cái nghề mua bán củi cao su không ổn định.

“Tuổi tôi đã cao, từ trước đến giờ chỉ biết làm cái nghề này, có muốn chọn nghề khác cũng không được. Thật ra, cái chính là tôi không nỡ lòng rời xa những cánh rừng cao su, ở nơi đó, tôi được vui cùng anh em công nhân và những ông chủ vườn tốt bụng đã tạo điều kiện cho tôi có việc làm”- ông Minh bộc bạch.

Làm nghề thu gom củi phải kiên trì, theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, có khi tích góp nhiều tháng trời mới đủ chuyến xe theo yêu cầu của thương lái. Thế nhưng, giá cả đều do phía bên mua quyết định. Củi được bán theo hình thức đo mét, cứ chất cao rồi kéo thước đo tính tiền. Củi lại được phân ra làm nhiều loại, giá cả tuỳ theo đường kính của cây: dưới 10cm quy ra củi tạp, giá dao động từ 180.000- 250.000 đồng/m; trên 10cm, gỗ tươi- bán theo giá bao bì hoặc pallet, trung bình từ 500.000- 700.000 đồng/m.

Gỗ đã khô dù đường kính bao lớn cũng là củi tạp. Ông Minh cho biết, ông phải bỏ tiền mua cây cao su đổ gãy còn tươi, giá cả phụ thuộc chủ vườn; gặp người thương tình bán giá rẻ cho thì thợ củi được nhờ nhưng lỡ khi gặp người bán “sát giá” quá ông Minh vẫn phải mua để “giữ mối” lượm củi khô.

Vợ ông Minh kể: “Nhiều chuyến bán củi, sau khi trừ chi phí ăn uống, xăng dầu, thuê nhân công phụ, không còn đủ tiền để thay mới cái dây xích lưỡi cưa. Tôi khuyên hoài mà ổng không chịu bỏ nghề, thôi thì ráng theo… tới đâu hay tới đó”.

 Những người làm nghề củi hầu hết đều ứng tiền trước của bên đặt mua, vì phải chờ khá lâu mới đủ chuyến bán. Khi ứng tiền, thương lái sẽ đưa ra mức giá chết nên nếu sau đó giá củi (tại thời điểm bán ra) có tăng lên thì người bán cũng không được trả thêm.

Sau một ngày đi dọn dẹp vườn cao su, tất cả mọi người trong nhóm gia đình ông Minh đều mệt nhừ. Quần áo ai cũng dính đầy mủ, mồ hôi tuôn đổ như tắm, đã vậy còn bị muỗi đốt sần mình, tay chân thì trầy xước do khuân vác củi.

Trên đường trở về, chúng tôi trông thấy không ít người cùng làm nghề củi cũng trong tình cảnh tương tự, trông ai cũng lấm lem, mỏi mệt. Họ vừa chui ra từ những cánh rừng cao su tưởng như dài bất tận. Một cái nghề kiếm sống quả thật chẳng dễ dàng.

Quốc Sơn