BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến với thơ hay

Như câu chuyện cổ tích

Cập nhật ngày: 08/09/2018 - 12:56

BTN - Nhà thơ Lê Chí tên thật là Lê Chí Trường, sinh năm 1940, quê Cà Mau, hiện thường trú tại thành phố Cần Thơ. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977.

“Vàng của mẹ” là bài thơ thuộc loại thơ kể chuyện. Nhân vật chính là một bà già 78 tuổi. Ðó là một buổi sáng ngày 5 tháng 9 năm 2015 tại Toà soạn báo Tuổi trẻ.

Tiếp bà là một nữ nhà báo trẻ. Chưa ai biết bà đến toà soạn báo để làm gì. Vì xưa nay ai có việc cần nói, bất kể về vấn đề gì, việc lớn hay việc nhỏ, chuyện công hay chuyện tư, vui hay buồn… đều có thể trình bày cho báo biết để tuỳ việc mà tìm cách giúp, nhất là với những người tàn tật, yếu đuối, già cả…

Bà già buổi sáng đó hơi lạ vì bà “không muốn hiện mình lên trang báo/ cả họ tên và chỗ ở bà nói cũng không cần”. Bà chỉ nói một câu ngắn mà người nghe đủ yên tâm: “Tôi đang sống vui với con cháu giữa thành phố này”.

Và bà đến toà soạn bằng một động tác: “bà lấy ra một gói nhỏ, lần mở các lớp giấy ngả màu/…“Tôi muốn giúp các cháu sinh viên nghèo…”/ một….hai…ba…bốn…năm/ bà đặt nhẹ từng miếng vàng lên bàn/ trước cái nhìn ngạc nhiên của cô nhà báo”.

Năm lượng vàng nếu tính ra bằng tiền? “nhưng bà đâu có tính”, vì bà chỉ nghĩ đến: “Tội nghiệp những đứa trẻ trong đồng trong ruộng/ không kham nổi sự học hành/ giúp được cháu nào mừng cho cháu đó”.

Suy nghĩ của bà chỉ giản đơn có vậy nhưng tầm cỡ thì lớn rộng, cao xa và cao thượng vô cùng. Vàng của mẹ, vàng của một con người chân chính như biết bao bà mẹ Việt Nam đã ôm trùm toả một bóng mát xuống lớp lớp cháu con…

 “Năm lượng vàng không quá lớn nhưng không hề nhỏ/ chẳng phải người già không biết xài những đồng tiền mồ hôi mấy mươi năm dành dụm/ nhưng quốc gia thiếu hiền tài quốc gia khuynh nguy/ đất nước thiếu hiền tài ắt đất nước suy vong/ dân tình ly tán”. Gửi được năm cây vàng cho toà soạn báo, lòng mẹ yên tâm và vui: “Vàng của mẹ/ ánh mắt bà cười”.

Bài thơ viết theo thể tự do gồm 34 câu, câu dài nhất là 17 từ, câu ngắn nhất chỉ  4 từ. Toàn bài chia thành 6 đoạn. Ðoạn ngắn có ba câu, đoạn dài gồm mười câu. Mở đầu các câu đều viết thường không viết chữ hoa. Ðây cũng là một cách thể hiện của tác giả xem như các mẩu kể đều bình thường, không có ý nhấn mạnh.

Bà mẹ đem 5 lượng vàng tới toà soạn báo nhờ gửi giúp các cháu học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện đi học. Gặp mẹ chỉ nói hai câu. Một câu mẹ nói mấy tiếng có ý nói mẹ là người dân bình thường. Và câu thứ hai là mẹ nhờ đưa vàng để giúp mấy đứa nhỏ trong đồng trong ruộng nghèo không kham nổi sự học. Mà mẹ thì cũng có giàu sang chi: “chỉ góc vai nghiêng, màu áo cũ”. Mẹ đến và về trong lặng lẽ, chỉ có anh xe ôm đưa đón.

Sau khi tường hết câu chuyện trong bài thơ, hình ảnh của người mẹ hiện lên ngời sáng. Tác giả đã khắc hoạ rõ nét chân dung của một con người im lặng góp sức cho việc học hành của lớp lớp con cháu. Tất cả phải học cho đến nơi đến chốn để đất nước có nhiều hiền tài như lời cha ông nhắc nhở: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia!”.

Cảnh Trà