BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những chính sách mới hỗ trợ phát triển nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 26/04/2019 - 13:37

BTN - Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết nêu trên, các bên tham gia liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện...

Vừa qua, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2019-2025 (gọi tắt Nghị quyết số 1) và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2019-2025 (gọi tắt Nghị quyết số 2). 

Để hiểu rõ những nghị quyết này, Báo Tây Ninh có buổi trao đổi với ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Phóng viên: Xin ông vui lòng cho biết đối tượng, nguyên tắc và điều kiện để được hỗ trợ theo nghị quyết 1. So với trước đây thì có những điểm mới và mở rộng ra sao?

Ông Nguyễn Duy Ân: Ðối tượng áp dụng nghị quyết này là nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo quỵ định.

Về nguyên tắc hỗ trợ, đối với dự án đáp ứng đủ các điều kiện thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất. Nhà đầu tư chỉ được áp dụng chính sách hỗ trợ lãi vay 1 lần/dự án trong chu kỳ 10 năm (tính từ ngày hưởng chính sách hỗ trợ lãi vay theo quy định) để đầu tư phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ. Trường hợp dự án có thay đổi về quy mô, công nghệ, chủ đầu tư phải có đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh nội dung và mức hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi vay được thực hiện vào quý I năm tiếp theo, trên cơ sở chứng từ thu lãi vay thuộc dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt của các chi nhánh ngân hàng thương mại trong năm, Sở NN&PTNT sẽ chi khoản hỗ trợ lãi vay theo quy định trực tiếp cho nhà đầu tư.

Về điều kiện, đối tượng vay vốn có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ lãi vay; có hợp đồng vay vốn thực hiện dự án đầu tư phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp đã được giải ngân tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Việc hỗ trợ lãi vay chỉ thực hiện đối với khoản vay trả nợ đúng hạn, những khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn sẽ không được hỗ trợ kể từ thời điểm phát sinh nợ xấu. Ðối với dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ được hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lãi vay sau khi được ngân hàng thương mại giải ngân. Nếu hết thời gian quy định hưởng hỗ trợ lãi vay, sản phẩm của dự án được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP và hữu cơ theo quy định thì được hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lãi vay còn lại.

Trường hợp hết thời gian quy định được hỗ trợ lãi vay nhưng chưa được cấp chứng nhận theo quy định thì ngưng việc hỗ trợ 50% mức hỗ trợ lãi vay còn lại. Trong quá trình sản xuất không được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm của dự án đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP và hữu cơ mà không chứng minh được việc thực hiện để chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên thì thu hồi phần đã hỗ trợ.

Ðối với dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi có biên bản nghiệm thu nội dung, khối lượng công việc đã hoàn thành theo dự án được phê duyệt được hỗ trợ 100% mức hỗ trợ lãi vay theo quy định; riêng đối với dự án sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp khi có biên bản nghiệm thu nội dung, khối lượng công việc đã hoàn thành theo dự án được phê duyệt và đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định được hỗ trợ 100% mức hỗ trợ lãi vay.

Phóng viên: So với chính sách cũ, chính sách này có những điểm thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Ân: So với chính sách cũ, thực hiện chính sách này, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn, cụ thể: Chính sách mới quy định mức hỗ trợ lãi vay cao hơn (từ hỗ trợ 2-3%/năm tăng lên 5%/năm, riêng đầu tư nông nghiệp hữu cơ hỗ trợ 100% lãi vay); thời gian hỗ trợ lãi vay dài hơn (từ 3 năm tăng lên 5 năm) và quy mô đầu tư dự án theo chính sách mới cũng được hạ xuống (về diện tích bỏ quy mô cánh đồng lớn giảm xuống còn 2 ha, 5 ha tuỳ theo dự án; về giá trị đầu tư từ 5- 10 tỷ đồng, tuỳ theo dự án giảm xuống còn 1 tỷ đồng cho tất cả các dự án).

Phóng viên: Với Nghị quyết số 2, ông cho biết thụ hưởng chính sách này bao gồm những đối tượng nào?

Ông Nguyễn Duy Ân: Ðối tượng thụ hưởng chính sách này, bao gồm nông dân, chủ trang trại, người được uỷ quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là nông dân); cá nhân, người được uỷ quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cá nhân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã); doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện nghị quyết này.

Phóng viên: Với chính sách này, người tham gia liên kết sẽ được hỗ trợ những chi phí gì?

Ông Nguyễn Duy Ân: Người tham gia liên kết sẽ được hỗ trợ những chi phí cụ thể như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

Hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết: Dự án liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, nhà kho phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mức hỗ trợ 30% vốn đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng dự án liên kết, tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Những cánh đồng khóm ở huyện Bến Cầu.

Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết nêu trên, các bên tham gia liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau: Xây dựng mô hình khuyến nông: Mức hỗ trợ áp dụng theo định mức chi các hoạt động và kỹ thuật khuyến nông hiện hành; đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường: Mức hỗ trợ áp dụng theo các quy định về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác khuyến nông và các quy định hiện hành khác; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã: Mức hỗ trợ 30% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu ở các lĩnh vực: Trồng trọt (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), chăn nuôi thuỷ sản (thức ăn, thuốc phòng trị bệnh) phục vụ xây dựng chuỗi liên kết và tối đa hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm, thời gian hỗ trợ cụ thể: Ðối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 1 năm được hỗ trợ tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm trong thời gian liên kết tối thiểu 3 năm;

Ðối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ 1 năm trở lên được hỗ trợ tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm trong thời gian liên kết tối thiểu 05 năm. Ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Việc hỗ trợ áp dụng theo các quy định hiện hành.

Phóng viên: Cảm ơn ông dành thời gian thực hiện cuộc trao đổi này!

Ðại Dương