BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những đời cây thành phố 

Cập nhật ngày: 08/10/2018 - 09:01

BTN - Thế là cây gỗ giáng hương bị mất trên rừng phòng hộ, từng làm xôn xao dư luận tuần trước, giờ đã về ngự trên một góc đường trung tâm thành phố Tây Ninh. Nghe nói cây có tuổi cỡ trăm năm. Với người thì đã là đại thọ, nhưng với cây thì có lẽ vẫn là tuổi trung niên hay trai tráng.

Từ nay thì hết phải lo bị đào trộm nữa nhé, hỡi bác giáng hương! Chuyện này ở Tây Ninh chắc đã từng xảy ra không ít. Bởi tôi đã gặp cả một tiệm bán cây và các đồ mỹ nghệ đẽo tạc từ gốc cây hay gỗ quý. Tiệm ở ngay trên đường Phạm Hùng, huyện Hoà Thành kề bên Thành phố. Lúc nào tiệm cũng sẵn có cả chục cây giáng hương, trồng la liệt ở sân vườn. Mà cũng toàn loại cây “hàng khủng” cả. Hỏi thì chủ tiệm bảo là mua tận Campuchia. Nhưng sau vụ bắt đào trộm cây vừa rồi trên rừng Tân Hoà, mới biết rừng của ta cũng có. Biết đâu, chuyện đào trộm này đã từng có, giờ mới bị lộ ra.

Nhưng lần này thì khỏi lo thật rồi, bởi cây giáng hương mới được thu hồi đã được cơ quan Kiểm lâm đem về trồng ngay sân vườn trụ sở. Ai muốn xem thì để ý bên phía phải cổng, gần với hàng rào. Ðịa điểm này từ lâu nay đã rất quen thuộc với dân thành phố Tây Ninh, bởi nó là điểm đón trả khách của nhiều chuyến xe từ Tây Ninh đi về các tỉnh, thành Nam bộ. Khách muốn xuống gần trung tâm Thành phố cứ nói với bác tài là cho xuống “Kiểm lâm”. Thế nào lúc xuống cũng gặp ngay vài bác xe lôi hăng hái, nhiệt tình đón khách.

Ðời cây cũng khá giống đời người chăng? Ít nhất là ở chuyện, bình thường thì không sao, nhưng hễ dính vào một xì-căn-đan là thành ra nổi tiếng. Giờ bác về đây rồi, trông cũng thường thôi. Cành lớn bị cắt cụt ngủn cả rồi, chỉ trụi lủi cái thân chẻ ra hai nhánh. Nhưng bác còn sống dài dài là cái chắc, bởi từ các thân cành còn sót đã lại đâm ra nhiều chùm lá non xanh. Có lẽ còn thấy tội nghiệp cho bác khi đứng giữa những cây cổ thụ đã có trên sân vườn của Chi cục. Lại chẳng thể dám so sánh bác với hàng cây sao cổ thụ trên lối vào đình Hiệp Ninh ở ngay bên cạnh.

Ôi chà, những vòm lá hiên ngang cao tít tắp. Ngửa cổ nhìn chỉ thấy chập chờn chới với lá cành vương vấn giữa mây trôi. Cây Thành phố chúng tôi đây, thưa anh giáng hương. Giấy khai sinh không còn, nhưng cứ lấy ngày sinh ngôi đình cổ này làm tuổi tác. Thì chúng tôi cũng đã có 117 năm sống ở đời (thấy bảo, đình được xây như hiện nay từ năm 1901).

Niềm tự hào của hàng cây sao đình Hiệp Ninh thật là chính đáng, phải không, thưa quý bạn! Vì nhìn chung, thành phố ta là một thành phố vườn rợp bóng cây xanh, nhưng cây tuổi trăm năm còn lại chẳng nhiều. Có thể đếm trên đầu ngón tay, như cây dầu sau miếu Ngũ Hành trên đường Tua Hai, hay cây me đã thành tên dốc trên địa bàn phường 1. Rồi dãy 5 cây sao trên đường Hàm Nghi.

Còn một cây mới mất cũng nên được nhắc đến, là cây dầu đứng giữa sân đình Thái Bình của vài năm trước. Ban Hội đình đã có một sáng kiến, là xẻ cái cây ấy ra thành vài bộ ván bày ở các gian tiền và hậu đình. Những bộ ván to khủng khiếp, rộng cả mét, dày gần 2 tấc và dài tới 5-6 mét. Như thế là đời sống cây dầu sẽ được tiếp nối, kéo dài thêm biết mấy trăm năm.

Sau những tin vui sẽ đến một tin buồn, mà cũng có thể là tin vui với người này, người khác. Ðấy là đầu tuần này, hàng cây xà cừ trên đường Trưng Nữ Vương đã bắt đầu bị đốn hạ, phục vụ cho công cuộc mở rộng đường. Quả thật con đường này đã trở nên quá chật với hàng trăm chuyến xe đi về mỗi ngày tuyến Tây Ninh - Thành phố. Cả một ngày thứ hai, hàng chục nhân công với cưa máy lăm lăm gầm rú, mà cũng mới chỉ cắt cụt các ngọn cành được 4 cây. Với tổng số 21 cây, chắc công việc sẽ kéo hết cả tuần này. Giữa mùa lá vàng rơi, tôi chợt thấy trên vòm lá sẫm xanh của những cây còn lại, những lá vàng bay lấp lánh.

Ai còn nặng lòng kỷ niệm với những hàng cây dọc phố nên ra xem mùa cuối lá vàng rơi. Ra thì chọn chỗ đứng cho cẩn thận, bởi dòng xe luôn tấp nập, và những cành cây đang cưa cắt có thể rơi xuống bất cứ chỗ nào. Len qua các anh bảo vệ chăng dây an toàn cho khách đi đường, tôi giang tay ôm lấy một cây ở đoạn đầu đường. Và thì thầm:- Cảm ơn các anh đã che mát cho tôi suốt mấy chục năm qua tuyến đường này. Như một lời tạ từ với hàng cây lớn cuối cùng trên các con đường thành phố. Vòng ôm tôi vừa bằng nửa vòng cây.

Vừa hay, tờ báo Nhân dân cuối tuần ngày 30.9.2018 có trang chuyên đề về cây xanh đô thị ở thủ đô Hà Nội. Một vị tiến sĩ, Phó tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam có ý kiến rằng: “Hà Nội cần một triết lý phát triển cây xanh đô thị theo hướng góp phần tạo bản sắc thương hiệu cho từng tuyến phố, con đường, cho tổng thể đô thị… trên cơ sở khai thác các yếu tố đặc thù rất riêng của Hà Nội”. Xin trích lại, vì chuyện này có lẽ cũng là chuyện của thành phố Tây Ninh, đang hướng tới một tinh thần văn minh, thân thiện, hài hoà.

NGUYỄN