Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những đường phố xưa nơi tỉnh lỵ 

Cập nhật ngày: 17/10/2019 - 08:15

BTN - Nhiều sử liệu chính xác đã được công bố, trong đó có sự kiện năm 1900 mới thành lập tỉnh Tây Ninh. Do vậy, buộc phải trích dẫn thêm một đoạn của sách Địa chí các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc về sự kiện này. Đấy là: “Nghị định ngày 20.12.1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ là “tỉnh” (Province) kể từ ngày 1.1.1900.

Đường phố Tây Ninh đầu thế kỷ 20.

Người Tây Ninh từng biết đến một Tây Ninh xưa trong cuốn sách cùng tên của tác giả Huỳnh Minh. Sách tái bản do NXB Thanh niên, in năm 2001 có lời giới thiệu cho rằng “Tác giả đã hoàn thành cuốn sách vào cuối năm 1973”. Vậy nên trong một bài viết mô tả phố phường, cũng chỉ là hình ảnh phố Tây Ninh khoảng năm 1972-1973. Một số bài tổng quát về văn hoá giáo dục, cơ sở tôn giáo cũng chỉ tính đến thời điểm ấy.

Vậy nên cái gọi là xưa, về mặt đô thị cũng chỉ là khoảng cách chưa đầy nửa thế kỷ với ngày nay. Vậy mà khi đọc lại, không ít người có cảm giác thật là xa xưa. Là bởi tỉnh lỵ, mà trước là thị xã, nay là TP. Tây Ninh đã có sự phát triển chưa từng có, so với mọi thời kỳ lịch sử trước đây.

Đến nay, vừa có một tác phẩm nữa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho ta biết đến một Tây Ninh của thời xa hơn nữa. Đấy là sách Địa chí Hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, in năm 2017.

Thật ra, một số tác phẩm lịch sử về Tây Ninh nói riêng và vùng đất Nam bộ của nhiều tác giả đã từng được công bố trên sách, báo và tạp chí chuyên ngành. Như trên tạp chí Xưa nay số 96 năm 2001 của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là cả một chuyên đề về Tây Ninh.

Trong đó có hai bài hết sức quan trọng là Tây Ninh xưa và nay của Nguyễn Đình Tư và bài Tổ chức hành chính Tây Ninh 1836-1970 của Nguyễn Đình Đầu. Đến gần đây lại càng nhiều hơn các sách dạng tư liệu sử ký về miền Nam bộ. Vậy mà tiếc thay, Tây Ninh có những cuốn sách mới, nhưng vẫn có chi tiết sai về mặt lịch sử.

Chẳng hạn cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Hoà Thành (1961- 2010) do BCH Quân sự huyện phát hành năm 2018 vẫn có đoạn: “Ngày 5.6.1872 Toàn quyền Pháp ở Đông Dương quyết định thành lập tỉnh Tây Ninh” (trang 17). Giá như sách in trước năm 2016 có thể còn “thông cảm” được. Vì năm 2016, tỉnh nhà đã long trọng tổ chức lễ mừng sự kiện “180 năm - Tây Ninh hình thành và phát triển”.

Nhiều sử liệu chính xác đã được công bố, trong đó có sự kiện năm 1900 mới thành lập tỉnh Tây Ninh. Do vậy, buộc phải trích dẫn thêm một đoạn của sách Địa chí các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc về sự kiện này. Đấy là: “Nghị định ngày 20.12.1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ là “tỉnh” (Province) kể từ ngày 1.1.1900.

Người đứng đầu tỉnh gọi là Tham biện chủ tỉnh (Administrateur Chef de Province de…). Do đó, hạt tham biện Tây Ninh đổi gọi là tỉnh Tây Ninh. Địa danh tỉnh Tây Ninh tồn tại suốt thời gian Pháp thuộc đến ngày nay” (trang 534).

Điều mới mẻ nhất chưa từng được công bố trước đây, nay đã có trong cuốn sách này chính là mục 8- “tên con đường phố nơi tỉnh lỵ”. Theo đó, ta mới biết rằng dưới thời Pháp thuộc kể từ năm 1945 về trước tỉnh lỵ Tây Ninh thật bé nhỏ làm sao! Tất cả chỉ có 20 đường phố, chủ yếu nằm trong khu vực phường 2 hiện nay. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, xin được dẫn ra sau đây kể cả tên phố cũ và tên mới sau ngày 10.3.1955 theo Nghị định của “Đại biểu chính phủ tại Nam Việt đổi tên Việt các con đường trên”.

Đấy là các đường phố: 1 Savin Larclauze, sau đổi thành Phan Thanh Giản. 2- De Gaulle, đổi thành Trần Hưng Đạo. 3- Lalande de Calan đổi thành Trưng Nữ Vương. 4- Couffinol, đổi thành Tự Đức. 5- Marchaise đổi thành Hàm Nghi. 6- La Pagode đổi thành Yết Ma Lượng. 7- Hôpital đổi thành Pasteur. 8- Boutroy đổi thành Lãnh binh Định. 9- Rheinard đổi thành Huyện Vĩnh. 10- Quai libération đổi thành Quang Trung. 11- Quai Larclauze đổi thành Phan Châu Trinh. 12- Đường Kom pông Chàm đổi thành Huỳnh Công Giảng. 13- Đường Địa hạt số 4 đổi thành Dương Minh Đặng. 14- Đường Địa hạt số 5 đổi thành Huỳnh Văn Tấn. 15- Đường Tầm Long đổi thành Võ Duy Dương. 16- Đường Công sở Thái Hiệp Thạnh đổi thành Trương Huệ. 17- Đường Công sở xuống chợ đổi thành Hồ Huấn Nghiệp. 18 Đường Arnaud đổi thành Huỳnh Văn Lại. 19- Đường Abatloir đổi thành Nguyễn Văn Buôn. 20- Đường Place du Marche đổi thành Công trường Duy Tân (trang 548- 549, sđd).

Tiếc là đến nay vẫn không tìm được tấm bản đồ nào trước năm 1975, kể cả ở Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh. Ai biết còn có thể tìm ở đâu để cho thế hệ trẻ ngày sau biết mà nhận diện được sự phát triển của quê hương, đất nước.

Nhìn vào những tên đường phố thời Pháp thuộc vẫn có thể tìm lại một vài địa điểm, như đường công sở Thái Hiệp Thạnh, hẳn nay là Võ Văn Truyện nối từ ngã tư Cách Mạng Tháng Tám, đoạn đầu phố Gia Long cũ ra đến chợ thành phố. Là vì công sở cũ nay là Phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố nằm đối diện với đường Nguyễn Đình Chiểu qua con đường ấy. Hay đường Kom pong Chàm, là đường Tua Hai hiện nay, cũng từ ngã tư ấy mà đi thẳng hướng Tân Biên. Chính quyền Sài Gòn cũng có lý khi đổi tên thành đường Huỳnh Công Giảng, vì lối này đưa ta đến địa bàn hoạt động chính của ông, nơi ngày nay có rất nhiều đền miếu phụng thờ.

Khá thú vị với cụm tên người tiếng Pháp. Có cả tên tổng thống De Gaulle nước Pháp, lẫn đường La Pagode- Xóm chùa. Nhưng đặc biệt là hai cái tên sau đây: 11- Quai Larclauze và số 5- Marchaise. Đây chính là tên hai vị quan Ba và quan Năm quân Pháp bị nghĩa quân Trương Quyền và Pukompo tiêu diệt đầu tiên sau khi chúng chiếm đóng và cai trị Tây Ninh (xem lịch sử di tích bến Trường Đổi, sách Di tích lịch sử- văn hoá và danh thắng tỉnh Tây Ninh, năm 2014). Đọc những tên này, lập tức nhớ ngay đến chiến công vẻ vang của người Tây Ninh xưa đánh Pháp. Đến nay vẫn giữ được tên của đường Phan Châu Trinh, chính là nơi quan Ba chủ tỉnh Tây Ninh khi ấy bị “rơi đầu”.

Sau năm 1975, đến nay vẫn còn lại một số tên đường thời chế độ Sài Gòn. Như: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Trưng Nữ Vương, Hàm Nghi, Phan Châu Trinh, Pasteur. Đường Lãnh Binh Định đã đổi lại cho đúng tên ông là Trương Định. Cái tên Huỳnh Công Giảng (Giản) vẫn còn nhưng đặt tên cho con đường khác, khi TP. Tây Ninh hiện nay đã mở rộng gấp cả trăm lần ngày xưa. Trương Huệ đã đổi thành Trương Quyền và đặt tên cho con đường ngang qua đình Thái Bình và cổng sau chợ Thành phố.

Một số tên đường cũng đã mất đi, nhưng có lẽ Hội đồng tên đường của tỉnh cũng nên nghiên cứu để phục hồi. Như Dương Minh Đặng, thời Pháp là đường địa hạt số 4. Ông là một nhà giáo nổi tiếng ở Tây Ninh, thân phụ của anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu. Hay là đường Yết Ma Lượng, mang tên một vị sư rất nổi tiếng ở miền Nam, với pháp danh là thiền sư Minh Đạt. Ông là người sáng lập chùa Thiền Lâm cổ, một trong những ngôi chùa đầu tiên ở TP. Tây Ninh.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)