BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh năm 2017:

Những gam màu tươi sáng 

Cập nhật ngày: 30/12/2017 - 06:02

BTN - Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng của hệ thống chính trị và nhân dân, có thể nói, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2017 đã có “những gam màu tươi sáng”, như đánh giá của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang tại cuộc họp BCH Đảng bộ tháng 11.2017, đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng để Tây Ninh phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững.

Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Dù có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh khảm lá cây mì làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng, gây thiệt hại lớn đến đời sống người dân.

Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng của hệ thống chính trị và nhân dân, có thể nói, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2017 đã có “những gam màu tươi sáng”, như đánh giá của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang tại cuộc họp BCH Đảng bộ tháng 11.2017, đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng để Tây Ninh phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững.

Nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở, những tháng cuối năm  2017, Tây Ninh liên tiếp có 2 tin vui. Thứ nhất là dự án đường tuần tra biên giới đã khởi công vào ngày 29.11, với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.

Dự án đưa nguồn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân các huyện biên giới Châu Thành, Bến Cầu, với nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Có thể thấy, việc thành lập Ban chỉ đạo và các nhóm thực hiện các giải pháp đột phá trong các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; nguồn nhân lực và du lịch là một trong những động thái thể hiện sự quyết tâm đưa Tây Ninh phát triển xứng đáng với tiềm năng là lợi thế của mình.

Quyết tâm đó còn hướng đến mục tiêu “để người nông dân giàu lên hoặc ít nhất là bớt khổ, hết khổ”- như trăn trở của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thể hiện tại hội thảo quốc tế về nông nghiệp đầu năm nay.

Mặc dù kết quả phát triển trong năm 2017 chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016 (nghị quyết: tăng 8% trở lên); GRDP bình quân đầu người ước đạt 96% so với nghị quyết (khoảng 2.400 USD), nhưng bằng cảm nhận trực quan, mỗi người dân Tây Ninh đều thấy rất rõ sự đổi mới đang diễn ra hằng ngày trên quê hương mình.

“VỰA RAU, TRÁI CÂY” CỦA CẢ NƯỚC VÀ THẾ GIỚI

Trước đây nói đến Tây Ninh, người ta thường nhắc đến mì, mía, cao su, nhưng hiện nay, các loại trái cây như mãng cầu, chanh dây, dưa lưới, thơm (khóm)… ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Sự thay đổi mới xảy ra không lâu. Cột mốc chính là ngày 6.1.2017, hội thảo quốc tế về “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức tại tỉnh Tây Ninh.

Tại hội thảo này, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã thể hiện quyết tâm phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, mong muốn tỉnh trở thành vựa rau, vựa trái cây chất lượng cao của cả nước và thế giới. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong tương lai gần.

Trước hết phải nói rõ, nông nghiệp công nghệ cao không phải là vấn đề mới hoặc của riêng Tây Ninh. Nói đến Việt Nam là nói đến nông nghiệp, và hiện tại vẫn có xấp xỉ 70% dân số sống dựa vào nghề nông. Việt Nam có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và ánh sáng, đó là lợi thế hơn hẳn nhiều quốc gia khác.

Nói cách khác, Việt Nam có những điều kiện tốt nhất để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển không thua kém bất cứ quốc gia nào. Hiểu rõ điều đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, gần đây nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Một trong các chủ trương chính là: tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hơn nữa là “tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái”. 

Nghị quyết số 06 chính là động lực cho Tây Ninh. Chúng ta có đầy đủ điều kiện để thực hành nông nghiệp cao. Về điều kiện tự nhiên, Tây Ninh được thiên nhiên khá ưu đãi, địa hình bằng phẳng, ít thiên tai, khí hậu ôn hoà. Về địa lý, Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Bình Phước và Vương quốc Campuchia.

Tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, như quỹ đất trồng trọt chiếm trên 65% (gần 270 ngàn ha) diện tích đất tự nhiên; địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích nghi với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị cao; có hệ thống thuỷ lợi khá đồng bộ, quy mô lớn nhất nước, tưới tiêu chủ động cho 47.000 ha cây trồng.

Những năm gần đây, nông nghiệp chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế của tỉnh. Với thế mạnh phát triển ngành trồng trọt, quy mô diện tích và sản lượng các loại cây trồng chính của tỉnh có thể xếp vào danh sách các sản phẩm chủ lực của cả nước và khu vực Đông Nam bộ như cây khoai mì, mía, cao su, lúa; rau quả các loại; mãng cầu và một số cây ăn trái tiềm năng như chuối, xoài, bưởi, thơm...

Tuy nhiên, như đã nói, nông nghiệp công nghệ cao không phải là chuyện của riêng Tây Ninh, hầu như các địa phương đều nói đến việc xây dựng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, Tây Ninh phải tìm một hướng đi khác. Khác với cách làm nông truyền thống là sản xuất rồi mới tìm cách tiêu thụ, lãnh đạo tỉnh đã nghiên cứu tìm hiểu thị trường tiêu thụ, sau đó tổ chức chợ đầu mối, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khâu chế biến, tiếp theo mới là tổ chức hỗ trợ nông dân trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, bước đầu thực hiện quá trình chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại kết quả khá khả quan: hơn 10 nhà đầu tư cam kết rót 17.000 tỷ đồng vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp cao tại Tây Ninh trong giai đoạn 2017-2020. Tỉnh đã xây dựng một số mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đối với cây ăn trái như chanh dây, dứa Queen, xoài Úc…

UBND tỉnh cũng đã đặt hàng các cơ quan, các trường đại học nghiên cứu mô hình làm giàu đối với nông dân có dưới 1 ha đất. Tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời chủ động tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại đất các công ty, nông trường; xử lý các trường hợp lấn chiếm đất của tổ chức, cá nhân; đất hợp đồng, đất cho mượn. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất các thủ tục pháp lý để giao đất về cho địa phương quản lý phát triển theo quy hoạch.

Với các mô hình điểm, các dự án đã và đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cũng như các chính sách ưu đãi, hy vọng nông nghiệp địa phương sẽ phát triển nhanh, mạnh, vững chắc hơn trong thời gian tới.

Trong chuyến về thăm và làm việc với Tây Ninh vào tháng 6.2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, Tây Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử; có điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa hình bằng phẳng, có 2 con sông chảy qua và hồ Dầu Tiếng cung cấp nước tưới, ít bị ảnh hưởng của thiên tai, gần thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nhận thức, đánh giá đúng và khai thác được những tiềm năng sẵn có này, Tây Ninh có thể phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, đối ngoại.

HÌNH THÀNH ĐIỂM ĐẾN CỦA DU LỊCH CHẤT LƯỢNG CAO 

Tây Ninh có núi, có rừng, có hồ, có di tích lịch sử, văn hoá nhưng chưa được đầu tư nhiều. Thế nhưng, đó lại là một ưu điểm rất lớn, bởi hiện nay, xu thế du lịch thế giới là trở về thiên nhiên. Do vậy, cái hoang sơ của Tây Ninh lại là một lợi thế về du lịch.

Đó là đánh giá đáng lưu ý của một chuyên gia nước ngoài tại hội thảo quốc tế về du lịch Tây Ninh được tổ chức vào ngày 31.7.2017. Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất nhận định và đánh giá Tây Ninh có tiềm năng về du lịch, có đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh - truyền thống - nghỉ dưỡng - sinh thái và nhấn mạnh Tây Ninh có thể phát triển thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế, nếu có bước đi đúng và thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Để làm cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế và du lịch, nhất là tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình phát triển du lịch Tây Ninh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030. Theo kế hoạch, núi Bà Đen cùng với Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, Toà thánh Tây Ninh và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là vùng liên kết phát triển du lịch của tỉnh, trong đó lấy núi Bà Đen làm tâm điểm, trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.

Đầu tư phát triển núi Bà Đen trở thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Đồng thời khẳng định rõ quan điểm, phát triển du lịch phải gắn kết hài hoà với giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa các giá trị di tích lịch sử, truyền thống văn hoá và bảo vệ cảnh quan, môi trường gắn với quốc phòng, an ninh.

Được biết, Tập đoàn Sun Group, một trong những tập đoàn lớn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch của Việt Nam với các dự án đầu tư du lịch mang tầm cỡ quốc tế đã đến khảo sát, tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và đầu tư Khu du lịch núi Bà Đen và thành phố Tây Ninh. Sự đầu tư của Sun Group sẽ là cú hích quan trọng tạo sự đột phá về du lịch của tỉnh trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc tạo sự lan toả lớn về kinh tế, nhất là phát triển thương mại - dịch vụ.

Dự án Trung tâm thương mại - khách sạn - shophouse Vincom Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T

ĐẦU TƯ MẠNH CHO KẾT CẤU HẠ TẦNG CƠ SỞ

Có thể nói đây là bước đột phá rõ nét nhất trong năm 2017 của Tây Ninh. Bởi lẽ, như Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang nhận định: nếu không chuẩn bị các điều kiện, dù có tầm nhìn, có chiến lược cũng không thể thực hiện. Tỉnh cần tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nếu không có hạ tầng giao thông tốt, thuận lợi thì không thể thu hút đầu tư.

Để tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế, tỉnh đã đề xuất với các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Mộc Bài - Xa Mát vào kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ. Hiện chính phủ đã cập nhật vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời, hàng loạt dự án giao thông đang được tập trung thúc đẩy thực hiện, để trong thời gian ngắn nhất, Tây Ninh có đầy đủ điều kiện thuận lợi về hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư.

Điển hình như dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 22, 22B giai đoạn 2017-2020; đồng thời tập trung nguồn lực của địa phương đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường quan trọng của tỉnh như đường 782-784, đường Đất Sét - Bến Củi, đường 781 từ ngã 3 Bờ Hồ đến tỉnh Bình Dương, 790 nối dài từ đường Khedol Suối Đá đến Bờ Hồ - Bàu Vuông - Cống số 3...

Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông đô thị, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là ở thành phố Tây Ninh. Tỉnh đã rà soát quỹ đất công, nhất là trên các trục đường chính trung tâm đô thị để quy hoạch, xây dựng tiêu chí mời gọi đầu tư phát triển các khu phức hợp, trung tâm thương mại - khách sạn, văn phòng cho thuê, shophouse, phố thương mại…

Hiện nay, tỉnh đã thu hút được các dự án như: Dự án Trung tâm thương mại - khách sạn - shopouse Vincom Tây Ninh (đường 30.4); Dự án khu phức hợp khách sạn - trụ sở làm việc phố thương mại MB Land; Dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Hoàng Quân; Dự án siêu thị AuChan của Tập đoàn TTC, Co.opMart Trảng Bàng, Co.opMart Tây Ninh, Co.opMart Tân Châu; dự án chợ truyền thống Long Hoa…

Sự đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông đô thị cùng hàng loạt hoạt động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch không chỉ góp phần tạo cảnh quan cho đô thị thành phố Tây Ninh và các địa phương mà còn là nền tảng để tỉnh Tây Ninh phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới.

THANH NAM