BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những gương sáng xây dựng nông thôn mới 

Cập nhật ngày: 27/08/2018 - 06:07

BTN - Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều nơi trong tỉnh nở rộ những tấm gương hiến đất, góp tiền, góp sức làm đường giao thông nông thôn, góp phần đáng kể vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thi công đường liên tổ 18, 19 ấp Trâm Vàng 3, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu. Ðể thực hiện con đường này, hai người dân địa phương là ông Phan Ðức Trọng và ông Phan Hoài Phương đã tự nguyện chặt cây trồng lâu năm trên phần đất nhà, trị giá khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: Công Kha

Xã Phước Thạnh: hơn 2,2 tỷ đồng cho đường nông thôn

Ngày nay, có dịp đến xã Phước Thạnh (huyện Gò Dầu), ai ai cũng dễ dàng nhận ra sự thay da đổi thịt của hệ thống đường giao thông nông thôn. Nhiều con đường trước đây nhỏ hẹp, sinh lầy nước đọng, nay đã được nâng cấp, mở rộng, trải sỏi đó, đá nhuyễn hoặc bê tông xi măng, rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Sự thay đổi đó, có phần đóng góp đáng kể của người dân địa phương.

Ông Bùi Văn Ðặng, ngụ ấp Phước An là một trong những tấm gương đóng góp xây dựng nông thôn mới. Những năm trước đây, con đường số 10 dẫn vào tổ 8, ấp Phước An nhỏ hẹp, mặt đường đất cát, mùa mưa sình lầy, mùa nắng bụi mù.

Vì thế việc đi lại, vận chuyển phân bón, hàng hoá nông sản trên con đường này gặp nhiều khó khăn. Một bên đường trải dài gần 300m là những phần đất trồng cây ăn trái, đất nhà ở của gia đình anh em, con, cháu của ông. Hiểu được ý nghĩa của phong trào xây dựng nông thôn mới, được chính quyền địa phương vận động, ông Ðặng liền họp mặt dòng họ, kêu gọi mỗi người, mỗi nhà đóng góp bằng cách hiến đất mở rộng con đường và đóng góp mỗi nhà 3 triệu đồng để mua đá nhỏ trải lên mặt đường.

Thấy việc làm có ích cho xã hội, cả dòng họ của ông đang cư ngụ ven con đường này đều nhiệt tình ủng hộ. Chí tính riêng dòng họ ông Ðặng đã đóng góp hơn 1,6 ngàn mét vuông đất làm đường và 30 triệu đồng mua đá đổ mặt đường, thuê đơn vị thi công.

Thế là ngày 25.7 vừa qua, con đường số 10 này được khởi công nâng cấp, mở rộng, hai bên đường có mương thoát nước sạch sẽ. Xe tải chở đá nhỏ đến đổ trên mặt đường một lớp dày và ban ra cho bằng phẳng.

Ngày 16.8.2018, khi chúng tôi đến tham quan, con đường đã cơ bản hoàn thành, nhiều loại phương tiện đi lại dễ dàng. Lão nông 72 tuổi này chia sẻ một cách giản dị: “Tôi nhận thấy việc đóng góp tiền của để làm đường sá, xây dựng nông thôn mới vừa có lợi cho gia đình, dòng họ mình, vừa có ích cho xã hội nên tham gia”. Ông Ðặng cho biết, theo hợp đồng, những ngày sắp tới, đơn vị thi công còn đưa xe lu đến lu lèn mặt đường cho dẽ dặt để việc đi lại dễ dàng hơn.   

Ông Ðặng Văn Cảnh, 54 tuổi, ấp Phước Ðông cũng là một trong những gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Phước Thạnh. Hàng chục năm qua, con đường số 63 là đất cát, chiều ngang nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ một xe ô tô lưu thông. Mỗi lần có hai xe ô tô lưu thông ngược chiều nhau, tài xế để tìm nơi nhường tránh nhau, dễ gây ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến những phương tiện giao thông khác.

Gia đình ông Cảnh cư ngụ trên con đường này, hằng ngày chứng kiến việc giao thông bất tiện như thế, nên đầu năm 2018, ông bỏ ra 200 triệu đồng, mua thêm 1m đất ven đường, chạy dài 200m, thuộc đất trồng vườn, cây tạp của một số hộ dân khác để mở rộng mặt đường.

Sau khi mặt đường được mở rộng, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí trải đất đỏ, sỏi phún lên và lu lèn mặt đường. Nhờ vậy mà hiện nay con đường này đã trở nên rộng rãi, bằng phẳng, các loại phương tiện giao thông dễ dàng qua lại.

Ông Nguyễn Văn Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh cho biết: “Trong những năm qua, bà con trong xã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Hiện nay có nhiều tuyến đường, nhờ sự đóng góp công sức, tiền bạc của người dân mà trở nên khang trang, rộng rãi, góp phần đáng kể vào việc đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện, kết nối giao thông giữa các địa phương trong xã, tạo sự thay da đổi thịt rõ rệt cho nông thôn.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền người dân giữ gìn, những tuyến đường đã được thi công và kêu gọi bà con đóng góp sức người, sức của để tiếp tục nâng cấp, mở rộng những tuyến đường còn lại”.

Theo thống kê của UBND xã Phước Thạnh, tính đến cuối tháng 8.2018, trong xã có 36 cá nhân, 6 tập thể đóng góp làm đường giao thông nông thôn với tổng giá trị đóng góp hơn 2,2 tỷ đồng. Ông Phong cho biết thêm, bên cạnh việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn, thời gian qua, người dân trong xã còn nhiệt tình đóng góp chi phí thắp sáng đường quê, ra sức giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh sạch đẹp. 

Lãnh đạo huyện Gò Dầu và xã Phước Thạnh tham quan con đường mới được nâng cấp mở rộng, do dòng họ và gia đình ông Bùi Văn Ðặng đóng góp.

Phường IV: “tấc đất tấc vàng” CŨNG GÓP

Phường IV là một trong những khu “đất vàng” của TP. Tây Ninh. Thế nhưng, không phải vì “tấc đất tấc vàng” mà người dân phường IV luyến tiếc. Ngược lại, nhiều bà con, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình không khá giả lắm, nhưng vẫn không tiếc tiền của, đóng góp vào để thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ông Biện Thành Nhơn, nay đã tuổi 80, ngụ trong hẻm số 25, khu phố 3, phường IV, người đã hiến gần 3m đất với tinh thần “mừng lắm, vui lắm”. Ông kể, trước đây, con hẻm này là đường xe bò, đi lại rất khó khăn. Mỗi khi đổ mưa, nước từ xóm trên theo đường xe bò này chảy xuống cánh đồng phía dưới, gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại của bà con.

Năm 2018, khi chính quyền địa phương đến vận động đóng góp làm đường, ông rất mừng, liền đóng góp 2,6m ngang, chạy dài cả trăm mét để mở rộng, nâng cấp con đường. Ông còn ra sức dẹp bỏ hàng rào, đồng thời, vận động người dân trong hẻm chung tay góp sức làm mới con đường.

Hiện nay, con đường xe bò sình lầy nước đọng trước kia đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là con đường bê tông xi măng sạch đẹp, phẳng phiu. “Từ nay, con đường sạch sẽ, khang trang, nhất là không còn tai nạn giao thông, tôi mừng lắm”, ông Nhơn phấn khởi nói.

Bà Huỳnh Thị Phấn, 61 tuổi, ngụ khu phố 1, phường IV cũng là người hiến đất mở rộng hẻm 88, đường Cách Mạng Tháng Tám. Bà Phấn chia sẻ, thấy hẻm này chật quá, bà con vô ra khó khăn. Lãnh đạo phường IV đến vận động hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bà thấy có ý nghĩa nên hiến 1m đất ngang, dài hơn 20m, để nới rộng mặt đường cho bà con trong xóm đi lại dễ dàng.

Bà Phấn cho biết: “Hiện tại, trị giá phần đất đã hiến có giá thị trường khoảng 1 tỷ đồng, nhưng được đóng góp để mở rộng hẻm, tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng là tôi thấy vui rồi”.

Ông Lương Bá Can- Chủ tịch UBND phường VI, cho biết, phường IV được thành lập trên cơ sở chia tách từ một phần của xã Hiệp Tân và xã Hiệp Ninh trước đây. Nhìn chung, đa số các tuyến đường, nhỏ hẹp, đường đất, người dân đi lại khó khăn.

Từ thực tế đó, UBND phường phối hợp với Uỷ ban MTTQVN phường, ban, ngành, đoàn thể, cùng cấp uỷ, ban, ngành, đoàn thể khu phố tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường.

Qua các cuộc tuyên truyền, được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Bà con trong phường vừa hiến đất đai, kiến trúc, hoa màu, cây trái, vừa đóng góp tiền để cùng với Nhà nước hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường.

Ông Can cho biết thêm, sắp tới, đối với những tuyến đường rộng hơn 4m, phường sẽ vận động người dân hiến đất mở rộng 10m để láng nhựa hoặc bê tông nhựa nóng. Ðối với những tuyến đường nhỏ, hẹp, vận động người dân hiến đất mở rộng 4m để bê tông hoá, đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi cũng như bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Còn rất nhiều những “bông hoa”, những tấm gương tham gia xây dựng nông thôn mới mà một trang báo không thể kể hết, như ông Ðặng Hữu Nghĩa, ngụ xã Trường Hoà, hỗ trợ 8,1 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non Hiệp Ðịnh (ở xã Hiệp Tân); ông Huỳnh Minh Quân, ngụ xã Long Thành Nam (huyện Hoà Thành) đóng góp hơn 617 triệu đồng làm đường bê tông xi măng trên địa bàn xã; gia đình ông Ðặng Văn Ơi, ở xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) hiến 1,3 ngàn mét vuông đất xây dựng trường học, ông Trần Văn Ngon, xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) hiến 4,8 ngàn mét vuông đất xây dựng nhà văn hoá ấp Cây Khế.

Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp 3,5 ngàn bóng đèn thực hiện chương trình Thắp sáng đường quê; góp công trồng hơn 3,2 ngàn cây xanh, thu gom 27 tấn rác thải, thực hiện 2 công trình nước ngọt vùng biên v.v… Ðể xây dựng nông thôn mới, tin rằng, đã, đang và sẽ còn rất nhiều tập thể, cá nhân không tiếc công, tiếc của chung tay cho quê hương ngày càng đẹp hơn.

Ðại Dương

Tây Ninh đã hai lần tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, UBND tỉnh đã khen thưởng 39 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc, tặng 6 cờ thi đua cho xã dẫn đầu xây dựng nông thôn mới.

Ðặc biệt, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa- Viện chủ hệ thống các chùa núi Bà Tây Ninh, Huân chương Lao động hạng Ba cho 7 cá nhân, doanh nghiệp, công ty. Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 4 cá nhân và cán bộ, nhân dân 5 xã trong tỉnh.