Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những hành vi hèn hạ 

Cập nhật ngày: 17/09/2018 - 05:48

BTN - Ðừng vin vào cớ “phản ánh thông tin đa chiều” để bào chữa cho những sai lầm, dù vô tình hay cố ý. Mới mạt sát người ta hôm trước, hôm sau uốn lưỡi ca ngợi, tâng bốc thì gọi là gì nếu không phải “nhổ ra rồi liếm”?

Sách Công nghệ giáo dục.

Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền hai video clip cực kỳ phản giáo dục, phản khoa học, thậm chí vi phạm pháp luật liên quan đến sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Ðại. Một clip quay cảnh hai hoặc ba người phụ nữ lần lượt xé từng trang của tài liệu Công nghệ giáo dục rồi châm lửa đốt.

Theo âm thanh phát ra từ clip, nếu trung thực, thì hình ảnh hai hay ba người phụ nữ xé sách sau đó châm lửa đốt diễn ra ở tỉnh Lâm Ðồng. Trong video clip, người phụ nữ vừa đốt sách vừa chửi rủa bằng ngôn từ nặng nề, thiếu văn hoá.

Ðoạn video dài chừng 12 phút này đã thu hút hàng ngàn người xem, like và bình phẩm loạn xạ. Trước đó, một người đàn ông nói giọng Nam bộ, khoác áo tu hành, đầu cạo trọc, khuôn mặt dữ tợn cũng phát một video clip kêu gào đòi “đốt sách cộng sản”- hiện đoạn video này không còn thấy xuất hiện trên mạng nữa.

Ngoài hai đoạn video nêu trên, liên quan đến sách Công nghệ giáo dục, tại hai tỉnh thuộc khu vực miền Trung, hai chức sắc thuộc cùng một tôn giáo đã ra lệnh cho người dân có đạo trong địa bàn của họ không cho con em đến trường. Thông tin này là hoàn hoàn có thật và đã được kiểm chứng.

Tại một lớp học, ngoài cô giáo ra, không có bất kỳ một học sinh nào, trong khi đó lớp học gần bên cạnh cũng chỉ có 5 - 6 em học sinh. Tại thời điểm đó, hôm 10.9, ngôi trường tiểu học này có 127 học sinh theo đạo thì 120 em không được đến trường.

Không chỉ vậy, theo thông tin, vị chức sắc kia còn cho thân tín thuộc hạ đe doạ cả giáo viên rằng “nếu tiếp tục dạy sách Công nghệ giáo dục thì sẽ nhận hậu quả nặng nề và sẽ không còn ai để dạy nữa”. Ở tỉnh kế bên, 81/94 học sinh tiểu học cũng không được đến trường vì lý do tương tự.

Xin được nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên một số chức sắc cấm trẻ em đến trường. Hồi năm 2014, tại một địa phương nọ, 150 trẻ em cũng bị cấm đến trường vì… chuyện giải toả mặt bằng để làm khu công nghiệp.

Trước tiên, phải khẳng định ngay rằng, bất kỳ nguyên nhân, động cơ gì, việc lấy quyền uy của mình để cấm học sinh đến trường là điều không chấp nhận được. Ðây là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là Luật Trẻ em năm 2016. Ðiều 6 của luật này quy định 15 hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em;  bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn...

Còn  Ðiều 16 của luật này ghi rõ: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”.

Ðể kín kẽ hơn, Ðiều 44 của Luật Trẻ em còn quy định bảo đảm về giáo dục cho trẻ em. Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hoà nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động.

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…

Ðối chiếu với quy định nêu trên, hành vi cấm trẻ em đến trường là vi phạm pháp luật, không cần bàn cãi. Sâu xa hơn, việc làm này thực chất là lấy trẻ em làm con tin để phục vụ mưu đồ của người lớn. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, một số cá nhân, tổ chức đã nhiều lần sử dụng trẻ em để gây sức ép nhằm đạt mục đích không lấy gì làm trong sáng của họ.

Liên quan đến tài liệu Công nghệ giáo dục, khi “quả bom truyền thông” có dấu hiệu hạ nhiệt, những người am hiểu chuyên môn không khó để nhận thấy hiện tượng tâm lý đám đông. Ðiều này có nghĩa, thấy người khác nói, mình cũng tham gia trong khi hoàn toàn không có chút chuyên môn nào.

Với một hiện tượng xã hội khác, ai cũng có thể tham gia, bày tỏ chính kiến, không ai cấm điều đó. Nhưng với những vấn đề có tính chuyên môn sâu như giáo dục, y tế thì đó là câu chuyện khoa học. Ðã liên quan đến khoa học thì không thể nói bừa.

Rất tiếc, trong thời gian gần một tháng qua, xuất phát từ một đoạn video clip tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng đã bùng lên thành “đám cháy” trên không gian mạng. Không thể thống kê được bao nhiêu phần trăm đồng tình, bao nhiêu phần trăm phản đối tài liệu Công nghệ giáo dục.

Nhưng có một điều dễ nhận ra, những ý kiến phát biểu dạng a dua lại chiếm đa số và số người này gần như không chấp nhận ý kiến của “phía bên kia”. “Trường phái a dua” này rất nhiều lý sự nhưng gần như không đưa ra được chứng cứ khoa học nào để bác bỏ những điều mà họ cho là sai trái, là phản giáo dục, là cải tạo chữ viết…

Họ muốn độc quyền chân lý, trong khi đó, theo các nhà kinh điển, không ai có thể độc quyền chân lý. Cũng như trong điều tra, khi tranh luận về học thuật, về khoa học thực chứng, để chiến thắng, bạn cần có bằng chứng, có luận cứ để chứng minh luận điểm của mình thay vì hò hét cho hả dạ.

Sự giận dữ đầy cảm tính ấy chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi tác giả của tài liệu Công nghệ giáo dục- GS Hồ Ngọc Ðại chính thức trả lời báo chí trong một cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội. Ngoài ra, hàng loạt những người am hiểu chuyên môn, giáo viên, học sinh… nói chung là những người trong cuộc lên tiếng, đám đông mới từ từ giải tán.

Trong một cuộc trò chuyện trên Báo Thanh niên, nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng có nói rằng, khi một cái sai được đám đông chấp nhận thì nó lại dễ trở thành cái đúng. Nhiều người ra sức công kích, chỉ trích tài liệu dạy học Công nghệ giáo dục, dù họ chưa từng nhìn thấy nó chứ đừng nói gì chuyện đọc hoặc hiểu về tài liệu này. Sự chuyên chế của đám đông là điều rất nguy hiểm.

GS Hồ Ngọc Ðại phát biểu tại Trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông Tây Ninh.

Vụ tài liệu Công nghệ giáo dục- như chính một cựu học sinh Trường Thực nghiệm phát biểu trên Báo Tây Ninh, thông tin đã bị nhào nặn, bóp méo khiến “nó không còn là nó”. Nói cho công bằng, không nên đổ lỗi hoàn toàn do mạng xã hội.

Những người làm báo chính thống không thể không nhận thấy trách nhiệm xã hội của mình. Khoảng hai phần ba thời gian đầu kể từ khi “cơn bão mạng” đổ bộ, hầu như báo giới chính thống bị mạng xã hội dẫn dắt. Ða số báo mạng chạy theo mạng xã hội để câu view nhằm tăng lượng bạn đọc để hút quảng cáo. Cần nói rõ, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, kinh tế báo chí cũng là một hoạt động của các tờ báo.

Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào việc thu hút quảng cáo, “làm kinh tế” thì nội dung thông tin đến công chúng sẽ bị nhiễu loạn, thậm chí rất độc hại. Khi đó, báo chí không còn là “lá cải” mà đã trở thành “lá ngón”. Trong vòng một tuần qua, sau khi GS Hồ Ngọc Ðại và các nhà chuyên môn lên tiếng, dễ dàng nhận thấy “gió đã xoay chiều”.

Không phải ai khác, chính những tờ báo không tiếc lời công kích, mạt sát cá nhân ông Ðại, chửi rủa cả ngành Giáo dục giờ lại đổi giọng. Ðừng vin vào cớ “phản ánh thông tin đa chiều” để bào chữa cho những sai lầm, dù vô tình hay cố ý. Mới mạt sát người ta hôm trước, hôm sau uốn lưỡi ca ngợi, tâng bốc thì gọi là gì nếu không phải “nhổ ra rồi liếm”?

VIỆT ÐÔNG