BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống 

Cập nhật ngày: 04/12/2017 - 06:11

BTN - Qua 2 năm phát động, Hội thi đã tiếp nhận 110 giải pháp thuộc 5 lĩnh vực, trong đó có 38 giải pháp đoạt giải, đạt tỷ lệ 34,54%. Các giải thưởng gồm: 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 16 giải Ba và 20 giải Khuyến khích.

Lão nông Lê Văn Dĩ trong vườn rau thơm xen rau rừng phủ lưới che.

Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Tây Ninh lần thứ 10 năm 2016-2017 do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) chủ trì phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Qua 2 năm phát động, Hội thi đã tiếp nhận 110 giải pháp thuộc 5 lĩnh vực, trong đó có 38 giải pháp đoạt giải, đạt tỷ lệ 34,54%. Các giải thưởng gồm: 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 16 giải Ba và 20 giải Khuyến khích.

Tuy số lượng có giảm so với Hội thi lần thứ 9, năm 2014-2015 (110 so với 163 giải pháp), nhưng điểm nổi bật là các mô hình/giải pháp đoạt giải thưởng đều thể hiện được tính mới mẻ, sáng tạo, đặc biệt là tính ứng dụng cao, có khả năng giải quyết những vấn đề trong thực tiễn lao động sản xuất và công tác, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành chụp ảnh lưu niệm trong đợt tham quan, khảo sát giải pháp “Máy trồng mì” của cơ sở cơ khí Trần Quốc Hải.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có 5 giải pháp dự thi. Trong những kỳ hội thi trước đây, số giải pháp dự thi ở lĩnh vực này không nhiều, người dự thi hầu hết là cán bộ thuộc Sở Thông tin - Truyền thông và ngành Giáo dục - Ðào tạo. Cả 2 giải pháp đoạt giải lần này đều là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Giải pháp “Ứng dụng ngôn ngữ lập trình C vào Kit arduino góp phần nâng cao năng lực hợp tác của sinh viên ngành CNTT” của nhóm giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (Trần Phong Vũ, Công Tôn Nữ Lương Thành, Ðặng Văn Tráng); tuy thiết bị Arduino không mới nhưng việc ứng dụng ngôn ngữ lập trình C là sự sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm “Thiết bị tưới thông minh dành cho hệ thống thuỷ canh ghép động-tĩnh”, tạo hứng thú học tập cho sinh viên và có được sản phẩm thực tế phục vụ giảng dạy.

Dàn bón phân định lượng của Phạm Văn Hùng (Tân Châu).

Lĩnh vực “Công nghiệp, xây dựng, giao thông, vận tải” có 35 giải pháp dự thi và tất cả đều là giải pháp công nghiệp (không có xây dựng và giao thông vận tải). Hầu hết các giải pháp là cải tiến, sáng chế thiết bị phục vụ nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong sản xuất và đời sống; nhiều tác giả đoạt giải ở lĩnh vực này đã từng có giải cao ở những kỳ hội thi trước đây như: Phạm Văn Hùng (cơ sở cơ khí Tư Hùng ở Tân Châu), Trần Quốc Hải (cơ sở cơ khí Trần Quốc Hải- Tân Châu), Trịnh Thành Nghiêm (Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh)…

Giải pháp “Sáng chế dụng cụ gắn máng che mưa trên cây cao su” của Trần Văn Long- công nhân Nông trường Cao su Tân Biên có chi phí chế tạo thấp, lại vận hành dễ dàng và hiệu quả, có khả năng áp dụng rộng rãi trong toàn ngành cao su. Còn giải pháp “Cải tiến xe vận chuyển mủ thành xe chữa cháy trên vườn cao su” của Nguyễn Văn Tài- Giám đốc Nông trường Cao su Bến Củi có thể giải quyết được vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ của đơn vị, và có khả năng áp dụng rộng rãi trong các nông trường cao su cũng như các vườn cây lớn, các khu vực rừng tự nhiên và khu dân cư.

Trong khi đó, giải pháp “Máy trồng mì” và “Máy thu hoạch khoai mì” của Trần Quốc Hải đã hoàn chỉnh quy trình “cơ giới hoá cây mì” với hiệu quả cao khi thử nghiệm ở Tây Ninh, Bình Phước và Campuchia (máy đã được bán hơn 50 chiếc cho nông dân các tỉnh). Giải pháp “Máy trộn và sấy muối ớt” của Nguyễn Quốc Thái ở xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành lại là một sáng tạo có tính năng công nghệ cao, phù hợp với nhu cầu sản xuất đặc sản muối ớt tôm ở Tây Ninh.

Giải pháp “Dàn bón phân định lượng” của Phạm Văn Hùng (Tân Châu) đáp ứng nhu cầu bón phân cho những cây trồng cách khoảng (cây cao su non, cây ăn quả…) làm giảm thất thoát phân bón, tăng khả năng hấp thụ cho cây trồng (máy đã được bán ra thị trường hơn 30 chiếc).

Giám đốc Nông trường Cao su Bến Củi Nguyễn Văn Tài và một trong những chiếc xe PCCC từ sáng kiến của ông

 

ĩnh vực vật liệu, hoá chất, năng lượng có 5 giải pháp dự thi. “Xử lý sắt và mangan trong nước ngầm không sử dụng hoá chất” của nhóm tác giả Trịnh Thành Nghiêm, Nguyễn Lan Ðình, Nguyễn Văn Hùng thuộc Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh ứng dụng công nghệ của Công ty PERNAM cho 2 trạm cấp nước huyện Bến Cầu và Châu Thành, giúp công ty tiết kiệm được chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào cũng như giảm lượng nước tiêu hao trong quá trình xử lý và vận hành hệ thống với nguồn nước thô là nước ngầm; chất lượng nước sau khi xử lý và cung cấp bảo đảm đạt quy chuẩn nước sinh hoạt.

Nông lâm thuỷ sản, tài nguyên và môi trường là lĩnh vực tập trung nhiều giải pháp nhất (40) với hầu hết các tác giả là nông dân. “Nuôi trồng bon sai trong môi trường nước” là giải pháp dự thi của nhóm tác giả thuộc Hội Sinh vật cảnh Tây Ninh (gồm Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thế Long, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Quốc Phương và Trần Hoài Ân) mở ra hướng mới cho người kinh doanh, nuôi trồng sinh vật cảnh, thúc đẩy sự phát triển ngành sinh vật cảnh Tây Ninh.

Còn giải pháp “Trồng rau thơm xen rau rừng phủ lưới che” của tác giả Lê Văn Dĩ- Chủ nhiệm Tổ hợp tác rau rừng VietGAP ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng đưa ra mô hình kết hợp trồng rau trong lưới che, hạn chế được sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất và chất lượng rau; đặc biệt là thuần dưỡng được rau rừng trên diện tích đất nông nghiệp, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Mô hình “Nuôi dơi lấy phân cho hiệu quả kinh tế cao” của Phạm Kim Liên và Lê Thu Thuỷ ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu lại phổ biến quy trình nuôi dơi lấy phân để bán, kết hợp phục vụ sản xuất cây trồng trên diện tích đất nuôi dơi, mang đến hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thế Long tạo tán cho cây- một khâu trong mô hình “Nuôi trồng bonsai trong môi trường nước”.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 25 giải pháp, được tuyển chọn từ các sáng kiến của các trường trong tỉnh. Giải pháp “Xây dựng cấu trúc đề kiểm tra môn Vật lý theo định hướng phát triển năng lực của học sinh” của tác giả Tạ Xuân Thơ- giáo viên Trường THPT Tây Ninh giúp cải thiện phương pháp giảng dạy và học tập, trong khi “Khảo sát truyện dân gian Tây Ninh” của tác giả Hà Thị Thới - giảng viên Trường CÐSP Tây Ninh, là một nghiên cứu chuyên sâu về thể loại truyện dân gian- nguồn tham khảo hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu về lĩnh vực này.

Hội thi lần này, ban tổ chức đã xét chọn 10 giải pháp (trong số 18 giải pháp đoạt giải Nhì và giải Ba) đưa đi tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 năm 2016-2017 (chưa công bố kết quả).

Chị Phạm Kim Liên và mô hình “Nuôi dơi lấy phân” cho hiệu quả kinh tế cao.

Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần này tiếp tục khẳng định đây là nơi hội tụ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy phong trào quần chúng tiến công vào khoa học kỹ thuật. Ðối tượng tham gia khá đa dạng, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Ðiều đáng tiếc là Hội thi phát động 6 lĩnh vực nhưng chỉ có 5 lĩnh vực có giải pháp dự thi, còn lại lĩnh vực y dược không có giải pháp nào.

Riêng 2 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và vật liệu, hoá chất, năng lượng còn ít giải pháp dự thi (mỗi lĩnh vực chỉ có 5). Và số lượng giải pháp tham gia Hội thi tổng cộng cũng chỉ có 110- chưa tương xứng với tiềm năng trong tỉnh. Còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm việc vận động cán bộ, công nhân tham gia Hội thi.

Hội thi lần này cũng không có giải pháp dự thi từ lực lượng đoàn viên thanh niên. Với ngành Y tế, tuy hằng năm đều có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và cấp cơ sở, nhưng lại không có giải pháp nào tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật.

ThS. Lê Ngọc Hoà

(Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh Tây Ninh)