BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến với thơ hay

Những xúc cảm tươi mới

Cập nhật ngày: 14/07/2018 - 20:28

BTN - “Gò đào” là tựa đề bài thơ, vốn là từ cũ, để chỉ đôi gò má của người con gái khi xúc cảm thường ửng hồng lên. Song khi vào thơ Phạm Thiên Thư chỉ như hình ảnh ước lệ, tượng trưng.

Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940 tại Lạc Viên, Hải Phòng, xuất thân trong một gia đình Ðông y. Ông từng là tu sĩ Phật giáo, là tác giả của những tập thơ và bài thơ nổi tiếng như “Ðoạn trường vô thanh”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “ Ðưa em tìm động hoa vàng”... Ông hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Bài thơ “Gò đào” in trong tập thơ “ Ngày xưa người tình” do NXB Văn Nghệ phát hành vào tháng 10.2006. Ðây là một trong những bài thơ theo thể loại thơ 4 chữ quen thuộc và tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Phạm Thiên Thư.

Lời thơ gần gũi với những bài kệ thiền Phật giáo và rất nhẹ nhàng, sâu lắng với cách dùng chữ vừa truyền thống lại vừa cách tân, rất được các bạn trẻ ưa thích.

“Gò đào” là tựa đề bài thơ, vốn là từ cũ, để chỉ đôi gò má của người con gái khi xúc cảm thường ửng hồng lên. Song khi vào thơ Phạm Thiên Thư chỉ như hình ảnh ước lệ, tượng trưng.

Ðiều tác giả muốn bộc lộ chính là “Tóc cưng xoã biếc/ Tà áo bông đào”. Hai từ “Tóc cưng” vừa mới lại vừa lạ, bởi thơ văn từ xưa đến nay thường miêu tả mái tóc người con gái là “tóc đen, tóc huyền, tóc mây” hay hình tượng hơn là “suối tóc”.

Ở đây nhà thơ sử dụng tính từ “cưng” kết hợp với danh từ “tóc” thành hình ảnh “Tóc cưng” là một mái tóc đẹp, được cưng chiều, chăm sóc cẩn thận của người thiếu nữ vừa mới lớn. Mái tóc ấy được “xoã biếc” trên màu sắc hoa đào, hồng nhẹ của “tà áo bông”.

Chỉ mới mái tóc, tà áo bông thôi, ta đã liên tưởng ra một người con gái đẹp đang dịu dàng khép nép trước mắt nhà thơ: “Tay em hồng thạch/ Ðôi nhành thanh cao/ Nhận quà anh trao/ Tập thơ nho nhỏ”.

Cô gái với đôi tay đẹp, được so sánh với ngọc hồng (hồng thạch), rất “thanh cao”, đang đón nhận món quà là “tập thơ nho nhỏ” với sự đằm thắm, trân trọng. Và sự biểu hiện cảm xúc của cô gái là sự cảm động, sung sướng, hay hãnh diện? “Má em ửng đỏ/ Hai gò chiêm bao”.

Dường như đó là cảm xúc của sự e lệ, xen lẫn hạnh phúc, nên mới “má em ửng đỏ” khiến nhà thơ phải “chiêm bao” đôi gò má ấy. Và lời thú nhận của tác giả đã chấm dứt bài thơ: “Thương ơi độ nào...” nhẹ nhàng mà bịn rịn, có lẽ suốt đời không thể nào quên?

Thơ 4 chữ khó làm, vì kiệm lời, hình ảnh dồn nén. Song tài thơ của Phạm Thiên Thư đã khiến biết bao nhiêu người trẻ mê đắm thơ ông-  thơ của một “độ nào” còn rất trẻ trung và trong sáng...

NGUYỄN SÔNG TRÀ