BAOTAYNINH.VN trên Google News

Niềm tin tất thắng 

Cập nhật ngày: 01/02/2018 - 21:55

BTN - Người đã nhận định và dự báo như thần trong bản di chúc rằng “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta.

Sáng 31.1, ông có theo dõi trực tiếp lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018) tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM không?

- Không có điều kiện theo dõi trực tiếp, nhưng sau đó có đọc hết bài diễn văn kỷ niệm của ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng! Rất xúc động, nhất là đoạn “Chúng ta mãi mãi tự hào về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là thiên Anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hoà quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khát vọng hoà bình “Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn” như mong ước của Bác Hồ”.

- Thương Bác Hồ quá ông nhỉ, Người đã nhận định và dự báo như thần trong bản di chúc rằng “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta.

Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”; nhưng tiếc thay, Người không còn sống để chứng kiến được ngày đó!

- Biết nói thế nào, sinh lão bệnh tử là quy luật một kiếp người, không ai tránh khỏi, nhưng với một vĩ nhân như Bác Hồ, chúng ta ai cũng cảm thấy tiếc, vì nếu Bác được sống thêm 6 năm nữa, Người sẽ chứng kiến được cảnh quân viễn chinh Mỹ cuốn cờ về nước và cảnh đồng bào 2 miền Bắc - Nam sum họp một nhà…

- Riêng ông, ông có kỷ niệm sâu sắc gì trong Tết Mậu Thân không?

- Có chớ! Đó là cái tết đứt ngang con đường học vấn năm lớp Đệ nhất (lớp cuối Trung học Đệ nhị cấp) nên trong lòng cũng cảm thấy tiếc nuối ngậm ngùi, song trong hoàn cảnh cả dân tộc dấn thân lúc đó, là thanh niên trong gia đình đã có 2 anh tham gia kháng chiến, tui dứt khoát bỏ học, ra bưng biền kịp trước khi kết thúc đợt I Tết Mậu Thân khoảng nửa tháng.

Ôi trời ơi, ra là đụng ngay khó khăn, gian khổ, thấy ngay cảnh chôn nhiều tử sĩ và tham gia đoàn tải thương hàng chục thương binh; công sự chống càn, tránh bom pháo ở bưng biền nhỏ tí chỉ vừa một đến hai người ngồi, mà toàn là nước, có “động”, nhảy xuống công sự nước tràn ra, mà mỗi ngày phải nhảy xuống công sự, trèo lên mặt đất năm ba lần, quần áo nào chịu nổi.

Hỏi ông anh: “Sao không giống những gì anh nói với má?”, ổng cười hề hề: “Chớ tao nói thiệt cảnh này, làm sao má cho mày đi theo tao? Mà nè, gia đình mình là gia đình truyền thống, dù khó khăn gì cũng không được thối chí ngã  lòng, bỏ cuộc giữa chừng nghe em! Phải giữ niềm tin tất thắng, tình hình “mỏng như lá lúa” rồi, không bao lâu nữa đâu em!”.

Nhưng rồi khoảng một năm sau (3.1969), anh tui hy sinh trong một trận chống càn và tình hình địch lúc đó lại “dày như da trâu”…

- Thế là một vai ông mang nặng “thù nhà”, vai kia ông gánh “nợ nước”?

- Cách mạng họ dạy mình hay lắm, không có vấn đề “thù riêng phải trả”, mà nhiệm vụ chung “giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” phải góp sức hoàn thành!

- Có lúc nào tinh thần dao động hôn ông?

- Có chớ! Những lúc thoát chết sau một trận pháo bầy, bom B52 hoặc một trận càn ác liệt; sau những lúc mình đi chôn cất anh em cùng đơn vị, rồi suy nghĩ không biết chừng nào tới lượt đồng đội chôn mình; những khi ốm đau (sốt rét) nằm trạm xá; mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em… đầu óc cũng tự suy nghĩ rồi tự đấu tranh dữ lắm, cuối cùng “niềm tin tất thắng” đã chiến thắng được bản thân, kéo dài hơn bảy năm hai tháng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời gian đó mình nghĩ chẳng thấm tháp gì so với những người tham gia 2 cuộc trường chinh ngót 30 năm…

- Những tâm tư ông vừa giãi bày chính là “lý tưởng” đó ông ạ! Lý tưởng là mục đích sống, là ý nghĩa của mỗi cuộc đời. 50 năm trước, lý tưởng của thanh niên là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nếu không thấm nhuần chân lý này, thì làm sao có được “niềm tin tất thắng”, phải hôn ông?

THIÊN HẠ