BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện pháp luật

Niềm vui khi tạo được cơ hội phục thiện cho trẻ em vị thành niên phạm tội

Cập nhật ngày: 12/05/2018 - 13:49

BTN - Từ khi được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, bản thân tôi đã tham gia bào chữa và bảo vệ rất nhiều vụ việc cho người được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước, mỗi vụ việc là một câu chuyện, một mảnh đời, một hoàn cảnh.

Một vụ đáng nhớ là vào năm 2016, tôi được Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh cử tham gia tố tụng để bào chữa cho đối tượng chưa thành niên, có tên là Trần Hoàng Ph, trú tại huyện Châu Thành. Ph bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1, Ðiều 138 Bộ luật Hình sự. 

Theo nội dung vụ án, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 28.2.2016, Ph điều khiển xe mô tô đi chơi ngang qua nhà bà Trần Thị T, ngụ huyện Châu Thành, thấy nhà bà T đóng cửa, không có người ở nhà nên Ph nảy sinh ý định đột nhập vào nhà bà T để lấy trộm tài sản. Thực hiện ý định, Ph điều khiển xe mô tô đến nhà bạn tên là H ở gần đó để gửi xe rồi đi bộ quay trở lại nhà bà T.

Ðột nhập vào nhà bà T., Ph lấy số tiền 5.690.000 đồng và 50USD. Lúc này, nghe có tiếng mở cửa nên Ph trốn vào nhà tắm, chốt cửa lại và giấu số tiền lấy trộm được dưới xô nước trong nhà tắm. Thấy có bóng người đang trốn trong nhà tắm, anh Phạm Quang Ph là con rể của bà T dùng gậy đập vỡ cửa kính nhà tắm thì bắt được Ph cùng tang vật và trình báo Công an Châu Thành. Toà án nhân dân huyện Châu Thành, xử phạt Ph sáu tháng tù.

Hoàn cảnh Ph rất đáng thương. Cha đi lấy vợ khác từ lúc Ph còn ẵm trên tay, chị L - mẹ bị cáo sợ con thiệt thòi nên không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi con, chỉ mong con nên người. Vậy nên khi Ph có hành vi vi phạm pháp luật, chị rất sốc và đau khổ không dám nhìn mặt ai.

Nếu phải chấp hành án 6 tháng tù giam thì con đường học hành sẽ dang dở, tương lai chẳng biết đi về đâu. Sau khi mãn hạn tù trở về, việc em tiếp tục đến trường có thể là điều khó thực hiện được và có khả năng sau này sẽ tụ tập với bạn bè xấu và tiếp tục phạm tội, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Nghĩ đến tất cả điều đó, chị L quyết tâm kháng cáo, đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xem xét cho Ph được hưởng án treo để Ph có cơ hội tiếp tục được đến trường.

Sau quá trình tìm tòi và nghiên cứu hồ sơ, các quy định của pháp luật, tại phiên toà phúc thẩm tôi cố gắng tìm những tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho em Ph, như tính đến ngày thực hiện hành vi phạm tội em được 17 tuổi 3 tháng 16 ngày, lại sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có đầy đủ cha và mẹ nên bị thiệt thòi về tình cảm.

Việc thiếu tình thương yêu và giáo dục của người cha phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của Ph. Bên cạnh đó, do tác động của mặt trái xã hội, tuổi đời còn quá trẻ, không chống lại được cám dỗ của các tệ nạn, nên bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, có một chi tiết: phát hiện bọc nylon đựng rất nhiều tiền nhưng Ph chỉ lấy 50USD và 5.690.000 đồng đủ để sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân, số tiền còn lại Ph để lại vị trí cũ, khi bị phát hiện không chống trả mà chạy trốn vào trong nhà tắm.

Bị cáo và gia đình đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho bà T., Ph. phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình điều tra làm sáng tỏ vụ án, cũng như tại phiên toà bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trước sự ăn năn, hối cải của Ph, bà T đã có đơn bãi nại cho em.

Từ những lý lẽ trên đây, tôi đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng một số quy định pháp luật có liên quan chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo là được hưởng án treo, tạo một cơ hội để em được cắp sách đến trường, làm lại cuộc đời.

Cho hưởng án treo, trong trường hợp của Ph là đảm bảo tính khoan hồng, nhân văn của Nhà nước và cũng thể hiện được tính răn đe của pháp luật. Tôi tin chắc rằng đây là một bài học lớn đối với Ph và có tính giáo dục đối với xã hội.

Cuối cùng, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng, một cơ hội đến trường làm lại cuộc đời vẫn tiếp tục mở ra cho em Ph.

Nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ con Ph., tôi rất hạnh phúc. Một vị phẩm phán đi ngang qua nói “Việc làm từ thiện của những người trợ giúp viên pháp lý như các anh thật có ý nghĩa”.

Tôi thấy vui trong lòng vì tôi đã góp phần giúp em trở lại con đường đến trường, thầm mong trong tương lai em sẽ là công dân lương thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội.

THIÊN TÂM  

(Ghi theo lời kể của ông Lê Minh Hiền - Giám đốc  Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Tây Ninh)