BAOTAYNINH.VN trên Google News

Niềm vui nhà mới 

Cập nhật ngày: 06/07/2018 - 06:14

BTN - Gần 200 gia đình di dân tự do từ Campuchia về sinh sống ven hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Tân Châu đã được chính quyền địa phương tổ chức di dời sang Khu tái định cư ấp Ðồng Kèn II.

Vợ chồng ông Lê Văn Kiểng với niềm vui nhà mới.

Ðến khu tái định cư vào ngày cuối tháng 6.2018, sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, nhộn nhịp của 183 hộ dân vừa được di dời về đây. Khu này được xây dựng trên diện tích 14.723m2, với nhiều dãy nhà cất liền kề. Mỗi căn 36m2, sơn hai màu xanh trắng, lợp tôn, cửa sắt, nền tráng xi măng, kinh phí xây dựng 60 triệu đồng/căn.

Công trình có tổng vốn đầu tư trên 21 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, số còn lại vận động các nhà hảo tâm ủng hộ. Giữa các dãy nhà là khoảnh sân trống dùng làm nơi sinh hoạt, vui chơi cho những cư dân mới. Trong khu có đường nội bộ rộng rãi và có đường giao thông nối liền với các trường học, trạm xá, chợ… rất thuận tiện. Ngoài ra, ở khu vực này còn có đầy đủ điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, mương thoát nước v.v…

Ðây là “giấc mơ” bao đời nay của các hộ dân gốc Việt, từng sinh ra, lớn lên trên Biển Hồ nước bạn Campuchia.

Gia đình ông Lê Văn Kiểng là một ví dụ. Người đàn ông 68 tuổi này kể, vợ chồng ông đều được sinh ra và lớn lên trên Biển Hồ. Hai người có với nhau 4 mặt con, sống chung trên một chiếc ghe chật hẹp, quanh năm lênh đênh theo sóng nước, mưu sinh bằng nghề giăng lưới, đánh cá.

Cuộc sống ở Biển Hồ ngày càng khó khăn, năm 2016, vợ chồng ông cùng hàng chục gia đình Việt kiều khác, từ Biển Hồ kéo về ấp Tà Dơ (xã Tân Thành), dựng chòi sinh sống. Hằng ngày, ông đi làm phụ hồ kiếm tiền mua gạo, còn vợ ông ở nhà quanh quẩn trông nom cháu nội, cháu ngoại.

Trước hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của gia đình ông, chính quyền địa phương đã cấp một căn nhà tường mới ở Khu tái định cư Ðồng Kèn II. Khi chúng tôi đến thăm, vợ ông đang nấu bữa trưa, ông Kiểng cùng hai đứa cháu ngồi xem phim trên ti vi.

Nhớ lại những ngày sinh sống tạm bợ ven hồ Dầu Tiếng, ông Kiểng kể: “Ở ven hồ, mỗi lần có giông gió, tôi phải kiếm dây cột chằng căn chòi mới khỏi sập. Tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ có ngày mình được tặng một căn nhà tường khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi như bây giờ. Vợ chồng tôi mang ơn chính quyền nhiều lắm!”.

Gần đó, căn nhà tường của chị Nguyễn Thị Phương Hiền trở thành tiệm bán tạp hoá cho bà con trong khu tái định cư. Chị vừa trông nom hai đứa con nhỏ vừa tất bật bán hàng cho người dân. Vợ chồng chị cũng là cư dân Biển Hồ, về Tà Dơ sinh sống từ năm 2011 đến nay.

Cũng như hàng trăm gia đình khác, vợ chồng chị cất một căn chòi nhỏ ven hồ Dầu Tiếng để nương thân. “Nhiều khi nửa đêm, mưa gió ầm ầm, hai đứa con sợ quá, khóc thét lên. Vợ chồng tôi sợ sập chòi, ẵm con chạy qua chòi bên lánh nạn”- chị Hiền bộc bạch.

Bảy năm qua, chị thất nghiệp, mọi chi phí trong nhà đều trông chờ vào tiền công phụ hồ của chồng. Ðược chính quyền địa phương tặng một căn nhà mới ở khu tái định cư, ngay từ lúc dọn về, chị mượn tiền của cha mẹ, anh chị em mua một số hàng hoá bày bán.

Chồng chị vẫn đi làm phụ hồ ở Bình Dương, cả tuần mới về thăm nhà một lần, nhưng giờ mưa gió và nỗi lo cơm áo, gạo tiền không còn ám ảnh người phụ nữ 28 tuổi này nữa. Chị Hiền tự tin nói: “Bây giờ, mỗi ngày buôn bán cũng được một, hai trăm ngàn đồng, đủ sinh sống. Cũng không còn sợ sập nhà nữa. Nếu không được Nhà nước tặng nhà như thế này, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh khó khăn”.

Nhộn nhịp Khu tái định cư Ðồng Kèn II.

Hơn 5 năm qua, anh Võ Văn Hồng- 39 tuổi, hằng ngày đi chài cá trên hồ Dầu Tiếng bán kiếm tiền nuôi vợ con. Sau gần một tháng dọn về nhà mới, anh vẫn chưa ngớt niềm vui. “Bao năm sống ở dưới này, mùa nước ngập khổ lắm. Mưa giông, trôi luôn căn nhà. Dọn về đây ở, coi như khoẻ rồi, đủ lắm rồi! Tôi cảm ơn Nhà nước đã giúp đỡ cho gia đình tôi có nhà ở khang trang, sạch sẽ”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Phon- 27 tuổi cũng chia sẻ, khi còn ở ven hồ Dầu Tiếng, chị không thể làm nghề gì kiếm sống, suốt ngày phải chăm 4 đứa con nhỏ. Chồng chị làm nghề chài cá, hoặc đi làm thuê kiếm tiền. Từ khi dọn lên đây ở, nhờ dành dụm chút vốn, chị mở tiệm tạp hoá, buôn bán nhỏ tại nhà để có thêm thu nhập.

Ông Dương Văn Nhàn- Trưởng Ban quản lý ấp Ðồng Kèn II cung cấp thêm thông tin, mỗi hộ gia đình về đây sinh sống, ngoài việc được tặng nhà, còn được chính quyền địa phương tặng thêm 15kg gạo, 1 thùng nhựa lớn để đựng nước sinh hoạt, một thau giặt quần áo, một ấm nấu nước siêu tốc, 2 chiếc ca nhựa dùng để múc nước, một chiếc chiếu và một đồng hồ treo tường.

Những vật dụng và lương thực này tạm đủ để bà con ổn định cuộc sống trong những ngày đầu về khu dân cư mới. Ðến nay, cuộc sống của bà con đã ổn định, hằng ngày, lực lượng công an, dân quân thường xuyên tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự, nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường. Sắp tới, UBND xã còn mời bà con họp để triển khai việc trồng cây xanh, cây kiểng trong khu dân cư tạo bóng mát.

Nói về việc xây dựng Khu tái định cư Ðồng Kèn II, ông Tạ Châu Lâm- Chủ tịch UBND huyện Tân Châu nhận định: “Ðây là việc làm hết sức ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực và cũng là nơi chính quyền địa phương chọn làm điểm sáng về văn hoá cho người dân”.

Ông cho biết, công trình này có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn khi di dời 183 hộ dân đến vùng sinh sống mới, tạo điều kiện cho con em của họ được ăn học, có nghề nghiệp ổn định để có thể thay đổi cuộc sống. Ngoài ra, công trình còn góp phần giải quyết các vấn nạn về môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt từ hồ Dầu Tiếng cho các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ khánh thành và bàn giao công trình 183 căn nhà mái ấm tình thương ở Khu tái định cư Ðồng Kèn II, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao mục đích và ý nghĩa của công trình, đồng thời ghi nhận, cảm ơn sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Quỹ đạo Phật ngày nay. Ông mong rằng, tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục được đồng hành cùng các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện công tác an sinh xã hội khác, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Những ngày cuối tháng 6 này, không khí di dời những hộ dân ở khu Tà Dơ hết sức khẩn trương. Nơi trước đây hàng trăm căn chòi cất chen chúc với nhau nay chỉ còn một vài căn chòi lẻ tẻ. Tại hiện trường, một nhóm thanh niên đang xúm xít khiêng một căn chòi đưa lên rơ-moóc máy cày để vận chuyển về khu tập trung.

Nhiều hộ gia đình được di dời trở lại gom góp vật dụng cũ như gỗ, tôn, quần áo, thau chậu, mùng mền, chén bát đem về nhà mới. Những hộ gia đình chưa di dời cũng đang khẩn trương thu gom đồ đạc để chuẩn bị đưa lên xe về nơi ở mới.

Chị Nguyễn Thị Phon với căn nhà và nghề nghiệp mới.

UBND huyện Tân Châu thành lập Tổ rà soát và di dời, phối hợp với xã Tân Thành di dời những hộ dân ở đây. Ðối với những vật dụng quá cũ, bị bỏ lại, Tổ rà soát hướng dẫn và yêu cầu người dân xử lý bằng phương pháp đốt bỏ để bảo đảm vệ sinh môi trường. UBND xã Tân Thành cũng huy động lực lượng Dân quân tự vệ, Công an xã cùng nhiều máy cày và xe tải hỗ trợ bà con di dời.

Ông Trịnh Ðình Hà- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, những năm gần đây, có 305 hộ gia đình di dân tự do từ Campuchia về sinh sống ven hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn xã. Vừa qua, đã di dời 183 hộ dân về Khu tái định cư Ðồng Kèn II, hơn 120 hộ còn lại ở khu Tà Dơ đang tổ chức thành một khu tập trung. UBND xã Tân Thành phối hợp với cơ quan quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng giải toả trắng khu vực đã di dời, trả lại hiện trạng đất rừng, đất bán ngập, không cho tái lấn chiếm.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Tân Châu, đến nay có 2.745 người dân di cư tự do từ Campuchia trở về cư trú ven lòng hồ Dầu Tiếng, tập trung nhiều nhất tại khu vực ấp Tà Dơ, xã Tân Thành. Các hộ cất nhà tạm bợ và sống trên ghe, xuồng, mọi sinh hoạt diễn ra hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến môi trường công trình thuỷ nông lớn nhất miền Nam. Ðồng thời, cuộc sống tạm bợ của những cư dân này cũng không bảo đảm an toàn trước mưa to, gió lớn. Nếu tất cả những hộ dân còn lại này được di dời về Khu tái định cư Ðồng Kèn II, sẽ hay biết mấy!

Ðại Dương - Tâm Giang