BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh:

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới 

Cập nhật ngày: 16/10/2017 - 22:23

BTNO - Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cho biết, đến tháng 8.2017, có 8/22 xã đã được công nhận xã nông thôn mới tiếp tục duy trì, giữ vững 19 tiêu chí; 13 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 37 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 22 xã đạt từ 5-9 tiêu chí.

Nhiều hạn chế

Tổng vốn huy động trong 8 tháng đầu năm nay là hơn 907 tỷ đồng. Sau 8 tháng, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng xã NTM còn chậm do trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế, lúng túng trong việc xác định khối lượng, nội dung, kinh phí rà soát điều chỉnh.

Công trình trường THCS Thanh Phước (Gò Dầu) đang được thi công.

Bình quân tiêu chí/xã của tỉnh cũng như số tiêu chí đạt được của các xã giảm so với cuối năm 2016 (kể cả ở các xã đã đạt chuẩn NTM) do áp dụng Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 mới ban hành, trong đó bổ sung thêm 10 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí cũ (đã áp dụng giai đoạn 2009-2015). Mặt khác, một số tiêu chí (như hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường) quy định nội dung, mức đạt chuẩn cao hơn giai đoạn trước đây.

Trong 8 tháng đầu năm, do nguồn vốn thực hiện Chương trình (vốn Trung ương) chậm phân khai, danh mục đầu tư chậm được phê duyệt đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai các nội dung của Chương trình, nhất là công tác tuyên truyền, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội.

Việc huy động vốn xây dựng NTM còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Vốn ngân sách nhà nước tuy vượt mức quy định nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; nguồn vốn huy động trong dân rất hạn chế do thu nhập của người nông dân còn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều. Qua đó cho thấy công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi (nhất là các xã không phải xã điểm) còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Bên cạnh đó, kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, hàng nông sản khó tiêu thụ. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Việc thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mới bắt đầu từng bước triển khai thực hiện nên còn nhiều lúng túng. Người dân còn bỡ ngỡ và chưa quen với phương pháp liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động của hợp tác xã, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó khăn, hạn chế.

Trong khi đó, nhân lực tham mưu, triển khai chương trình ở cấp huyện, xã còn nhiều bất cập. Đa số cấp huyện vẫn chưa thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG. Cơ quan tham mưu Ban Chỉ đạo cấp huyện vẫn còn tồn tại 2 hình thức: Văn phòng Điều phối cấp huyện hoặc tổ chuyên viên, tổ công tác giúp việc. Cán bộ tham mưu về xây dựng NTM ở các xã đều kiêm nhiệm (bố trí công chức địa chính, văn phòng-thống kê, cán bộ nông nghiệp-giao thông-thủy lợi kiêm nhiệm). Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp hoặc giữa một số ngành ở từng cấp còn chậm.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Phước (Gò Dầu).

Tiêu chí Hộ nghèo (quy định <1%); chỉ tiêu Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (quy định >85%); chỉ tiêu Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (quy định <14,3%); chỉ tiêu Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình (quy định mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ chủ chốt là nữ; 1 mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình đạt chuẩn) là những tiêu chí, chỉ tiêu khó đạt, cần có thời gian, lộ trình thực hiện, gây lúng túng khi triển khai ở các xã.

Chỉ tiêu Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo theo hướng dẫn tại Công văn số 4999/LĐTBXH-KHTC ngày 12/12/2016 của Bộ Lao động Thương binh xã hội chưa phù hợp với tình hình thực tế. Vì hướng dẫn trên chỉ tính số lượng người đang có việc làm ngay trên địa bàn xã, trong khi đa số người dân của xã làm việc ở những khu công nghiệp lân cận hoặc nhưng nơi khác ngoài địa bàn của xã, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đạt được của chỉ tiêu.

Tiêu chí thu nhập (quy định đạt chuẩn năm 2017 là 44 triệu đồng/người/năm) là tiêu chí khó đạt ở tất cả các xã so với mặt bằng chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn của tỉnh.

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp, dịch vụ BHYT chưa tạo được niềm tin cho người dân tự nguyện tham gia; việc xả rác bừa bãi, đổ rác chưa đúng nơi quy định còn xảy ra ở nhiều nơi, kể cả ở các xã đã đạt chuẩn NTM.

Dự báo khả năng đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017: 2 xã có khả năng đạt cao là Gia Lộc, Thanh Phước; 3 xã được tập trung giải quyết tốt những vướng mắc về đầu tư, vốn đầu tư sẽ đạt chuẩn là Thái Bình, Long Chữ, Mỏ Công; 3 xã có khả năng đạt thấp là Tân Hưng, Cầu Khởi, Trường Tây do còn nhiều dự án chưa có vốn thực hiện, tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp so với quy định.

Cần chủ động hơn

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM Tây Ninh đặt quyết tâm giữ vững 22 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016; phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM trong năm nay.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan đổi mới công tác triển khai chương trình; tăng cường sự tham gia của người dân; thực hiện tốt phương châm “dân cần, dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra quản lý và hưởng thụ”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là tính chủ động của cán bộ, công chức, người dân trong tham gia xây dựng NTM; huy động tối đa nguồn lực của xã hội trong xây dựng NTM, tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách, đảm bảo cơ cấu vốn theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg.; hoàn thiện bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg.

Người lao động huyện Dương Minh Châu học nghề đan ghế nhựa.

Hoàn thành công tác rà soát, đánh giá lại hiện trạng 19 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí mới; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã NTM phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và khả năng bố trí, huy động nguồn lực của địa phương.

Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách, đề án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân.

Triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, giảm nghèo, tăng thu nhập tại địa phương; thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp của xã NTM và các xã khác trên địa bàn huyện, thành phố.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thi công đối với các dự án, nhiệm vụ đã được phân khai và giao vốn; các xã đã đạt chuẩn NTM cuối năm 2017 tiếp tục duy trì, giữ vững tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới; chỉ đạo, hỗ trợ 8 xã đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay khẩn trương hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt.

Nhiều địa phương trong tỉnh kiến nghị, một số tiêu chí, chỉ tiêu cần có lộ trình thực hiện từng năm, cụ thể như tiêu chí 11 - Hộ nghèo, chỉ tiêu 15.1 - Tỷ lệ người dân tham gia BHYT, chỉ tiêu 15.3 - Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi - chiều cao theo tuổi.

Các địa phương cũng đề nghị bỏ điều kiện xe máy phải trên 10 triệu đồng, tivi trên 5 triệu đồng trong phiếu điều tra kết quả thực hiện tiêu chí 11 để các xã thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện tiêu chí này. Ban Chỉ đạo tỉnh cũng cần nghiên cứu, có giải pháp trỗ trợ mua thẻ BHYT cho các hộ dân tộc Chăm, dân tộc Khmer đóng trên địa bàn các xã dự kiến đạt chuẩn NTM năm nay.

Đình Chung


 
Liên kết hữu ích