BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực thực hiện công tác bán đấu giá tài sản thi hành án 

Cập nhật ngày: 02/04/2023 - 15:37

BTNO - Để công tác bán đấu giá tài sản thi hành án ngày càng hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản...

Công tác bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự ngày càng bài bản và chặt chẽ hơn. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS), bán đấu giá tài sản là một hình thức xử lý tài sản được áp dụng để bảo đảm cho việc thi hành nghĩa vụ trả tiền trong THADS. Thời gian qua, công tác bán đấu giá tài sản trong THADS ngày càng bài bản và chặt chẽ hơn. 

Trên địa bàn tỉnh có 5 tổ chức đấu giá mà cơ quan THADS thực hiện ký hợp đồng dịch vụ, gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh Tây Ninh; Công ty đấu giá hợp danh Khải Hưng; Công ty đấu giá hợp danh Xuyên Á; Công ty đấu giá hợp danh Trí Thịnh; Công ty đấu giá hợp danh Song Hà. Các cơ quan THADS và tổ chức đấu giá phối hợp thực hiện đúng quy định pháp luật về công tác bán đấu giá tài sản thi hành án.

Trong năm 2022, tổng số đã bán đấu giá thành 48 việc trị giá tài sản 91.053.802.000 đồng (kỳ trước chuyển sang 30 việc; thụ lý mới 18 việc); đã tổ chức giao tài sản xong 38 việc, chưa giao được tài sản 10 việc.

Khi Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17.11.2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2017, công tác đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ hơn. Để thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã ban hành các Thông tư, Tổng cục THADS ban hành các văn bản hướng dẫn, Công văn số 2126/TCTHADS-NV1 ngày 15.7.2019 hướng dẫn Cục THADS các tỉnh/thành phố về nội dung trên và các văn bản chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương đăng tải thông tin về việc lựa chọn tổ chức đấu giá trên Cổng Thông tin quốc gia về đấu giá tài sản theo quy định, quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án và quy trình tổ chức THADS trong đó có nội dung liên quan đến thẩm định giá, đấu giá tài sản.

Để bảo đảm công khai, khách quan trong việc chọn tổ chức đấu giá, Tổng cục THADS có Quyết định số 1079/QĐ-TCTHADS ban hành Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án. 

Ngày 8.2.2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP về việc hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Việc lựa chọn phải đăng công khai lên Trang thông tin điện tử Cục THADS tỉnh Tây Ninh, tích hợp lên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục THADS và Trang đấu giá chuyên ngành của Bộ Tư pháp (https://dgts.moj.gov.vn), không còn tình trạng chấp hành viên tự ý ký hợp đồng bán đấu giá như giai đoạn trước.

Trong quá trình thực hiện công tác bán đấu giá tài sản thi hành án, các đơn vị cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Về quy định pháp luật, tại khoản 2, Điều 38, Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá hai ngày.

Khoản 2, Điều 39, Luật cũng quy định tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn ba ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Với các quy định trên, khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, người đăng ký vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào hai ngày sau nên phát sinh tình trạng nhiều khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thoả thuận với nhau, sau đó chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Để tránh tình trạng tiêu cực này, cần sửa đổi quy định theo hướng thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước phải trong cùng thời hạn trước ngày mở cuộc đấu giá.

Hay tại Khoản 3, Điều 46 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá, trừ trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá quy định tại Điều 51 của Luật này. Kể từ thời điểm này, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hiệu lực của hợp đồng tại Khoản 1, Điều 401 như sau: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”. 

Trong khi đó Luật Công chứng năm 2014 tại Khoản 1, Điều 5 lại quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Như vậy, ở đây có một khoảng trống về hiệu lực của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là bất động sản.

Đó là khoảng thời gian kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá cho đến ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là bất động sản. Nếu trong khoảng thời gian này mà phát sinh những sự kiện liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng thì sẽ rất khó giải quyết cho thấu đáo.

Ngoài ra, trên thực tế còn xảy ra một số trường hợp tài sản bán đấu giá chậm giao cho người mua trúng đấu giá. Thực tiễn tổ chức thi hành án có một số trường hợp người mua được tài sản đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng chưa được nhận bàn giao tài sản do việc cưỡng chế giao tài sản kéo dài dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án.

Về tổ chức đấu giá, hoạt động đấu giá tài sản được xã hội hoá, việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải thông qua thủ tục do pháp luật quy định, theo nguyên tắc cạnh tranh. Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn, thực hiện dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, trong các trường hợp số tiền đấu giá lớn, nguy cơ bị “chiếm đoạt” số tiền đặt trước; có nguy cơ xảy ra tình trạng thông đồng dìm giá.

Để công tác bán đấu giá tài sản thi hành án ngày càng hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản như: thống nhất quy định về thời hạn nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá, việc quy định về thời hạn nộp tiền đặt trước cùng thời gian với thời hạn đăng ký tham gia đấu giá giúp tổ chức bán đấu giá bảo đảm thực hiện kịp thời các công việc chuẩn bị cho cuộc đấu giá, hạn chế tình trạng thông đồng giá, tiêu cực trong tổ chức bán đấu giá tài sản. 

Cần sửa đổi quy định về việc thời gian thực hiện ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đối với tài sản thi hành án theo quy định pháp luật về THADS.Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức đấu giá tài sản, thực hiện nghiêm chỉnh trình tự, thủ tục đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu giá, thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá tài sản đối với các tổ chức đấu giá tài sản và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn quản lý.

Cơ quan chức năng kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong THADS, nhất là khâu giao tài sản trúng đấu giá, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá tài sản theo Điều 103 Luật Thi hành án dân sự.

An Đông - Thiên Di