Xã hội   Chia sẻ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chia sẻ

Nỗi lòng người cha. 

Cập nhật ngày: 20/09/2017 - 06:34

BTN - Sau gần 2 năm chăm con mắc bệnh hiểm nghèo, anh Dương Quốc Hữu, 48 tuổi, nhân viên bảo vệ trong Khu công nghiệp Trảng Bàng (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) trông tiều tuỵ thấy rõ.

Ba cha con anh Hữu.

Phần vì thương xót, buồn lo con gái bệnh tật, phần vì vất vả chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn tiền, nhiều lúc quá mệt mỏi anh như muốn gục ngã nhưng lại cố gượng lên, dặn lòng phải mạnh mẽ hơn nữa để làm chỗ dựa tinh thần cho con.

Anh Hữu từng có một gia đình đầm ấm như bao người khác. Anh lập gia đình năm 1990, hai vợ chồng đã có 3 mặt con- 2 trai, 1 gái. Cách đây hơn 4 năm, vợ chồng anh xảy ra mâu thuẫn và đã ly hôn. Anh đưa 3 đứa con ra nhà trọ ở, để lại căn nhà chung cho vợ. Kể từ đó, cuộc sống của 4 cha con rất vất vả. Thương các con thiếu tình thương của mẹ, anh càng cố gắng làm lụng để lo cho chúng một cuộc sống yên ấm. Con trai lớn của anh Hữu hiện đã lớn, có gia đình và ra ở riêng. Nhà chỉ còn lại anh với cô con gái Dương Thị Thanh Trúc, sinh năm 2003 và cậu trai út Dương Hữu Bằng, sinh năm 2006. Cách đây hơn 1 năm, khi Trúc đang học lớp 6 thì đột ngột phát bệnh. Biểu hiện ban đầu là sốt cao và bị phù ở mặt. Anh Hữu đau đớn khi bác sĩ thông báo con gái anh mắc hội chứng thận hư, muốn chữa trị phải tốn rất nhiều tiền. Từ sau khi phát bệnh, sức khoẻ của em Trúc sa sút hẳn và cô bé phải thường xuyên nhập viện để điều trị. Anh Hữu lúc nào cũng sống trong lo âu vì bệnh của con gái có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Anh kể, có lần Trúc lên cơn co giật và ngất xỉu. Lúc đó đêm đã khuya, anh chỉ còn biết bồng lấy con gái chạy cầu cứu mọi người, may mà có đồng nghiệp giúp đỡ đưa vào bệnh viện.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hữu, công ty nơi anh làm việc đã xây một phòng nhỏ trong vườn ươm của khu công nghiệp cho ba cha con ở vừa tiết kiệm chi phí thuê nhà trọ, vừa có không gian để em Trúc nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Trong căn phòng nhỏ có một chiếc giường tre, một bồn rửa tay và một chiếc máy lạnh đã cũ. Bấy nhiêu cũng đủ khiến cho ba cha con anh Hữu cảm thấy hạnh phúc vì được sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Sau một năm chạy đua với căn bệnh của con gái, bao nhiêu tiền của đều tiêu tan, anh Hữu còn mắc nợ do vay mượn bên ngoài. Ðiều đáng buồn là bệnh tình của Trúc không những không thuyên giảm mà còn trở nặng hơn. Hiện em đã bị suy thận mãn thời kỳ cuối. Không có tiền để chạy thận cho con, anh Hữu chọn biện pháp truyền dịch thủ công thông qua một cái ống đã được đặt vào bụng của Trúc. Các thao tác truyền và thay dịch cho Trúc đã được bác sĩ hướng dẫn chi tiết, nhiệm vụ của anh là thực hiện sao cho kỹ lưỡng, sạch sẽ để con gái không bị nhiễm trùng. Việc truyền dịch tại nhà phải được theo dõi chi tiết, do đó anh Hữu luôn viết đầy đủ thông tin vào sổ theo dõi các lượt truyền dịch cho con như ngày giờ, thể tích dịch truyền... Trong vòng 24 giờ, anh Hữu thay dịch cho con 5 lần nên công việc bảo vệ của anh thường phải gián đoạn.

Ðây là tháng thứ 3 liên tiếp em Trúc được truyền dịch thủ công tại nhà. Nơi ở của 3 cha con đầy những thùng đựng dịch truyền. Anh Hữu cho biết, mỗi tháng, con anh truyền hơn 23 thùng như thế, mỗi thùng có 6 bịch dịch truyền. Mỗi lần em Trúc tái khám, anh Hữu đều mua thuốc và dịch truyền một lần cho con rồi thuê xe chở về nhà. Dù có bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng anh cũng tốn hơn 4 triệu đồng tiền thuốc, dịch truyền, tiền xe vận chuyển về... trong khi đồng lương bảo vệ của anh chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Bằng- em trai của Trúc không được đến trường trong năm học mới này. Nhiệm vụ của cậu bé là ở nhà chơi với chị và thông báo cho ba liền nếu thấy chị có dấu hiệu mệt. Bằng không giấu được nỗi buồn khi nhìn các bạn cùng trang lứa vẫn ngày ngày cắp sách đến trường. Em nói rất muốn đi học và rất nhớ thầy cô, nhớ bạn bè. Thế nhưng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình mình, cậu bé đành chịu. Anh Hữu cho biết, anh dự tính cho Bằng nghỉ năm học này để phụ chăm sóc chị gái, rồi tới đâu hay tới đó. Mỗi ngày, trước khi đi làm, anh thay dịch cho con gái và chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả hai con rồi mới đi làm. Khoảng 9 giờ sáng anh lại về nhà truyền dịch cho con rồi lại tranh thủ nấu cơm trưa cho hai đứa. Việc chuẩn bị cơm trưa cũng phải làm hai phần. Phần cho Bằng thì bình thường nhưng phần cho Trúc thì phải làm nhạt, kiêng muối, bột ngọt, phải lường lượng nước và thức ăn trong mức cho phép của bác sĩ. Buổi chiều, sau khi tan ca, anh Hữu thường đưa con đi chơi hoặc đưa về nhà ngoại để con được thoải mái tinh thần. Anh cũng thường xuyên trò chuyện, động viên con gái vượt qua bệnh tật.

Bà Nguyễn Thị Mưng- 71 tuổi, bà ngoại của Trúc rất thương cảm tình cảnh của con rể và các cháu. Bà thuê một sạp bán đồ ăn sáng và nhận sửa quần áo tại chợ Suối Sâu để có thêm ít tiền phụ giúp nuôi hai cháu. Thường ngày, anh Hữu vẫn chở hai con đến sạp bán hàng của bà ngoại, nhờ ngoại trông giúp lúc anh bận đi làm.

Bạn đọc muốn giúp đỡ gia đình anh Hữu, xin liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 01626610684 gặp anh Hữu; hoặc số 0906 398 733 gặp anh Thiện- giáo viên Tổng phụ trách Ðội Trường tiểu học Ngô Văn Tô- nơi em Bằng theo học để được hướng dẫn.

Lê Thuỳ