BAOTAYNINH.VN trên Google News

Núi Bà Đen năm 1921 

Cập nhật ngày: 08/12/2021 - 00:37

BTN - Vậy, cách nay 100 năm, núi Tây Ninh có gì? Có thể điểm lại qua bài viết Tây Ninh - Vũng Tàu du ký của tác giả Biến Ngũ Nhi, in trên báo Công luận. Riêng mục “Đi lên núi Điện Bà” được in trong hai số 422 ngày 26.7.1921 và 423 ngày 29.7.1921.

Trước Điện Bà năm 1920, người ngồi ghế là sư tổ Tâm Hoà.

Nhớ hồi trước khi có dịch bệnh Covid- 19, núi Bà Đen là tâm điểm du lịch không chỉ của người Tây Ninh, mà còn có người dân các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, Hội xuân- đã được Nhà nước công nhận là lễ hội cấp quốc gia, kéo dài suốt trong cả tháng Giêng. Đến tháng 5 âm lịch, núi lại có lễ hội vía Bà- được ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Du lịch núi Bà, là chuyện xưa có ở núi Bà từ cả trăm năm trước. Đấy là do người dân phương Nam có tập quán viếng Bà mỗi dịp xuân sang. Du lịch núi trong bản đồ du lịch phía Nam đến nay có một vị thế khác xưa, nhất là sau khi có sự đột phá về đầu tư của Sun Group.

Kế thừa thành tựu của Công ty Du lịch Tây Ninh với 2 tuyến cáp treo và 1 tuyến máng trượt, đến nay có thêm 2 tuyến cáp treo công nghệ cao, một đến chùa Hang, chùa Bà và một đưa khách tham quan đến đỉnh núi Bà- nóc nhà Nam bộ ở độ cao 986 mét.

Dĩ nhiên, đỉnh núi được cải tạo trở nên một vườn hoa lớn, như một công viên giữa mây trời bảng lảng, tưởng như với tay là bắt được những bông mây. Núi vượt qua giới hạn 1.000m chiều cao, nhờ tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao 72 mét lừng lững trên đỉnh núi.

Bà hướng mặt ra biển Đông, nhưng không quên lướt những ánh nhìn gần trên mặt hồ Dầu Tiếng 27.000 ha ở ngay gần sát phía Đông chân núi. Mặt bằng cũ hơi chật hẹp của khu điện Bà, chùa Phật trở nên thênh thang với vài ba cấp độ cao như những dãy ruộng bậc thang uốn lượn ôm choàng lấy sân chùa cũ. Vậy mà vào ngày khánh thành vào giữa năm 2019, cái sân rộng 6.000m2 ấy chật người.

Khu di tích lịch sử núi Bà Đen được Chính phủ quyết định là khu du lịch quốc gia. Theo đó, danh mục dự án đầu tư vào đây được phê duyệt theo một quy hoạch chung trên diện tích 30km2 gồm núi và vùng phụ cận, đường vào núi ngày nay có 5-7 lối.

Từ Thành phố đi lên có đường 30.4 và đường Bời Lời 11km rộng rãi mặt bê tông nhựa, đèn đường cao áp… Xe các loại chạy bon bon. Từ Tân Châu về theo đường 785 rẽ vào đường 784 vừa mới hoàn thành rộng rãi khang trang.

Từ Dương Minh Châu tới có đường 781 hoặc đường Suối Đá - Khedol. Từ Toà thánh Tây Ninh thuộc thị xã Hoà Thành nối tới đường Bời Lời là đại lộ Điện Biên Phủ lộ giới 40 mét, cơ sở hạ tầng hiện đại…

Vậy mà đã từng có vài dịp hội xuân trước năm 2020 vẫn bị kẹt xe, cảnh chưa từng thấy ở Tây Ninh. Vậy nên Dương Minh Châu mới mở thêm con đường từ cổng phụ khu du lịch băng ngang xã Phan về đường 781.

Cho đến nay, dù đã có thêm nhiều di tích LSVH và danh thắng được công nhận như: Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, các di tích căn cứ địa cách mạng, lòng hồ Dầu Tiếng… Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen vẫn là điểm du lịch quan trọng bậc nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Vậy, cách nay 100 năm, núi Tây Ninh có gì? Có thể điểm lại qua bài viết Tây Ninh - Vũng Tàu du ký của tác giả Biến Ngũ Nhi, in trên báo Công luận. Riêng mục “Đi lên núi Điện Bà” được in trong hai số 422 ngày 26.7.1921 và 423 ngày 29.7.1921.

Theo các tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thuý trong “Văn chương phương Nam, một vài bổ khuyết” (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2016) thì nhà văn Biến Ngũ Nhi (1886-1973) là một bác sĩ, nhưng lại thành danh nhờ các tác phẩm văn chương.

Ông được coi là “Nhà văn viết truyện trinh thám đầu tiên ở Việt Nam” với tác phẩm “Kim thời dị sử” (Ba lâu ròng nghề đạo tặc), in trên Công Luận báo các năm từ 1919 đến 1920. Năm Tân Sửu (1921) ông đến Tây Ninh vào đúng mùng 2 tết: “Xem các nơi trong tỉnh, thành rồi liền biểu xe đánh thẳng vô núi Điện Bà. Từ đó vô chân núi, đường đi xa 12 ngàn thước”. Xe đây là xe thổ mộ, một ngựa kéo vẫn còn thấy ở thị xã Tây Ninh vào thập niên 80 thế kỷ 20.

“Ra khỏi Châu Thành thì nhà cửa thưa thớt, đất gò ruộng xấu, bề sanh nhai thua kém các nơi. Tại đây trồng dưa hấu nhiều, song năm nay thất mùa nên cũng có ít. Vả lại đường vận tải cam go, phần nhiều dân sự chỉ nhờ lộc rừng nên ít người giàu có.

Đi khỏi Châu Thành chừng 4 ngàn thước thì tới rừng. Rừng ấy kêu là rừng độm, rộng lớn minh mông, ăn vào tận chưn núi, bề ngang hơn 8 ngàn thước. Cách năm bảy năm trước những thiện nam tín nữ trong lục châu đi lên núi Điện Bà lấy làm khó nhọc vì chẳng có đường bộ, phải đi xe bò, băng ngang vào rừng nên rất cực khổ.

Sau nhờ có bà Tổng đốc Chợ Lớn xin nhà nước cho khai đắp đường quan lộ vô đến chưn núi. Bà lại dụng một số tiền rất to mà phụ vào sở phí. Nhờ vậy mà ngày nay xe hơi, xe ngựa chạy đến chưn núi dập dìu, lấy làm tiện quá.

Ấy vậy là cũng có đại công, đại đức với bá tánh vô cùng/ Đường đi ngang qua rừng, chỗ lên cao, chỗ xuống thấp, hai bên cây cối mọc dày. Đi qua một cái truông, kêu là truông Hồng Đào. Trong rừng cũng có nhiều thú dữ như là cọp, beo song ít khi ra tới lộ…”.

Đường lên núi Bà đầu thế kỷ 20.

Con đường “vận tải cam go” ấy ngày nay đã là đường Bời Lời 4 làn xe ô tô rộng khoảng 16 mét, phần lớn mặt đường đã bê tông nhựa. Vùng “nhà cửa thưa thớt, đất gò ruộng xấu” nay đã là hai phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh của TP. Tây Ninh.

Năm ấy, còn chưa có đường 30.4 hiện nay, nên khoảng cách từ “Châu Thành lên tới rừng Độm” là tính theo đường Tỉnh lộ số 4, nay là Trần Hưng Đạo. 4km tới rừng, chính là vị trí có Điện thờ Phật mẫu và trụ sở UBND phường Ninh Sơn. Quanh đấy, hôm nay là chợ búa, phố phường trường học, nhà dân hai bên đã đô thị hoá.

Vẫn còn thấy những mảng ruộng xanh, những vườn cây trái xanh tươi dưới nền trời lồng lộng những mây và núi giăng thành. Lên tới cầu kênh Tây, một dòng nước xanh chan chảy cắt ngang đường.

Từ đây đi tiếp đã chính là rừng Độm 100 năm trước, có cả một khúc truông rừng mang tên Hồng Đào- một loài hoa đẹp. Nay vẫn thấy hương rừng phảng phất đâu đây, nhưng là những khoảnh rừng cao su chạy sâu vào tít tắp, hay những rẫy mì, vườn cây trái hoặc mãng cầu thương hiệu núi Bà Đen.

“Đi tới giữa chân núi thì cùng đường. Tại chân núi ấy có hai cái chùa, kêu là chùa Chung cũng của thầy chùa trên núi cất đó để tiếp rước khách du, hoặc dưới Tây Ninh, hoặc trên điện xuống có chỗ nghỉ ngơi thong thả, có cả nhà để xe hơi rất tiện…”.

Đoạn văn này cho thấy có hai ngôi chùa dưới chân núi. Một là chùa Trung, mà năm ấy tác giả gọi là chùa Chung, dành để tiếp khách hành hương. Nghe cũng có lý, bởi quần thể các chùa núi không có chùa Thượng, chùa Hạ thì cũng đâu cần phải có chùa Trung. “Thầy chùa trên núi” năm ấy chính là Hoà thượng Chánh Khâm tự Tâm Hoà.

Ông là người có rất nhiều công lao với các chùa núi Bà Đen, trụ trì từ năm 1919 đến 1937 (theo Ngọn đuốc Cửa thiền của Phan Thúc Duy). Ngôi chùa Tổ xây bằng đá cũng do ông chủ trì xây dựng từ năm 1922 đến năm 1924.

Trước khi lên làm trụ trì theo chỉ định của sư trụ trì tiền nhiệm Trừng Tùng (Chơn Thoại); sư tổ Tâm Hoà cũng có 20 năm gắn bó với chùa Trung. Đến nay tại ngôi chùa này, đã có thêm một ngôi giảng đường rộng lớn, đẹp và kiên cố mang tên ông, chính là nơi 2 năm một lần các khoá Đại giới đàn của Phật giáo Tây Ninh được tổ chức cho tăng, ni các tỉnh miền Nam…

Trần Vũ

(còn tiếp)

Vậy, cách nay 100 năm, núi Tây Ninh có gì? Có thể điểm lại qua bài viết Tây Ninh - Vũng Tàu du ký của tác giả Biến Ngũ Nhi, in trên báo Công luận. Riêng mục “Đi lên núi Điện Bà” được in trong hai số 422 ngày 26.7.1921 và 423 ngày 29.7.1921.