BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nước kênh Ðông, Tây vẫn đục ngầu 

Cập nhật ngày: 04/08/2018 - 05:44

BTN - Gần đây, người dân nhiều xã có hai tuyến kênh chính Ðông, chính Tây đi qua rất băn khoăn trước tình trạng nước kênh “đục hơn nước vo gạo”. Trong khi hàng chục năm qua, nước các kênh này hầu như trong xanh quanh năm.

Kênh Ðông.

Quan ngại về chất lượng nguồn nước cũng như vấn đề môi trường hồ Dầu Tiếng, người dân một số địa phương đề nghị ngành chức năng sớm kiểm tra, xử lý tình trạng trên để bảo vệ môi trường.

Vấn đề trên được UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng làm rõ. Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng kiểm tra, xác minh vụ việc.

Kết quả ban đầu cho thấy, tại xã Lộc Hưng, theo báo cáo của HÐND, UBND xã và cán bộ quản lý, đoạn kênh Ðông đi qua địa bàn xã khoảng 2km, chất lượng nước bình thường, do toàn tuyến kênh không có nguồn nước thải chảy vào.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp dọc tuyến kênh Ðông thuộc địa bàn xã và các xã ở thượng nguồn còn xả rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật xuống kênh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguồn nước kênh.

Thời gian qua, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý kênh Ðông thường xuyên tổ chức vớt các loại chất thải trên để xử lý.

Tại xã Ðôn Thuận, theo báo cáo của HÐND, UBND xã, đoạn kênh Ðông chảy qua địa bàn xã khoảng 10km cũng bị tác động tiêu cực từ con người tương tự như ở xã Lộc Hưng. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, nước kênh Ðông trở nên đục ngầu dù trước đó có màu xanh lam.

Nước kênh Tây cũng có tình trạng tương tự, khiến người dân nhiều nơi- trong đó có huyện Dương Minh Châu băn khoăn, nghi ngờ cho rằng chính việc khai thác cát quá mức trong hồ Dầu Tiếng hiện nay đã gây ra. Nước đục là do bùn cát chưa kịp bồi lắng trong quá trình hút cát, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước hồ trước khi xả ra kênh.

Theo UBND tỉnh, về vấn đề trên, từ tháng 3.2018, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước xác định nguyên nhân nước hồ Dầu Tiếng bị đục để đề xuất các biện pháp quản lý.

Kết quả phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến nước đục, chất lượng nước hồ Dầu tiếng giảm như: hoạt động trồng trọt, chăn nuôi khu vực đất bán ngập và thượng nguồn; bè cá khu vực tỉnh Bình Dương tăng lên nhiều; hoạt động khai thác cát; tàu thuyền hoạt động trong lòng hồ tăng; ngư dân sinh hoạt, đánh bắt thuỷ sản trong khu vực lòng hồ tăng...

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Cụ thể, ngành chức năng sẽ buộc các đơn vị khai thác cát trong lòng hồ phải có kế hoạch cắt giảm số lượng ghe khai thác cát trong mùa khô năm 2018; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn quy định vào hồ Dầu Tiếng; tuyên truyền người dân sử dụng đất bán ngập để sản xuất, chăn nuôi và sinh sống xung quanh hồ Dầu Tiếng có ý thức bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng; không cho nuôi cá bè trong khu vực hồ Dầu Tiếng...

Theo ghi nhận của người viết, hiện nay, sau nhiều tháng, nước kênh Ðông, kênh Tây vẫn trong tình trạng đục ngầu. Và người dân vẫn cứ băn khoăn.

BẢO TÂM