BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nước mắt của Mẹ

Cập nhật ngày: 26/07/2019 - 13:02

BTN - Tôi đến Nghĩa trang Bến Cầu vào một ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019. Qua cổng nhìn vào thấy rực rỡ các màu hoa. Ở phía trong có một đài Tổ quốc ghi công vươn lên, hình ngọn tháp. Phía sau là tấm bia hình vòng cung như một vòng tay dang rộng.

Bia có mái ngói đỏ tươi, làm nổi bật trên những dòng tên là những chữ vàng:- Ðời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Những dãy mộ bia xếp thẳng hàng như những đội hình hướng về phía ấy. Và đằng sau còn là một vòng những cây cao ôm lấy nghĩa trang. Thành ra, cái không gian mộc mạc và giản dị này trở nên ấm cúng. Còn ấm hơn khi ta nhìn vào từng ngôi mộ, ngôi nào cũng có bát nhang và một bình hoa nhỏ. Bình nào cũng tươi thắm những bông sen đỏ, hoa hồng hay những bông cúc tím, cúc vàng. Tản mác quanh đây là những sợi khói mong manh, phảng phất những làn hương.

Tìm về phía toả ra những làm khói hương, tôi gặp một nhóm người cả già lẫn trẻ đi thắp và cắm nhang trên từng ngôi mộ. Ở khu mộ phía Bắc này có cả những bia ghi danh và bia chưa có tên người. Rất nhiều tấm bia đá đen viền vàng, chữ trắng dễ đọc, nhưng lại chỉ có một câu chung là: “Tên anh gắn liền với chiến công bất tử”. Vâng, những chiến công này đã được chép vào trong sử. Nhưng, hình tượng hơn là bất tử như cây cỏ bao quanh. Những rặng dầu, tràm, keo viền quanh nghĩa trang rực rỡ tươi xanh. Và cả hàng cây phát tài gần đó cũng óng ánh hai màu vàng, xanh sắc lá.

Thì ra nhóm người đi viếng mộ là một gia đình. Trong khi các thành viên lo cắm nhang, trước một ngôi mộ có tên, người mẹ già ngồi khóc mùi lặng lẽ. Gương mặt của bà đầy những nếp nhăn. Bà chỉ cho tôi ngôi mộ phía trước và bảo: “- Ông nhà tôi đấy. Năm ông “đi” tôi mới 28 tuổi. Và, tôi cứ ở vậy mà nuôi hai cô con gái khôn lớn thành người”.

Nhìn vào bia mộ, tôi thấy ghi: “Liệt sĩ Lưu Văn Sóc/ Sinh năm 1926/ N.quán: Lợi Thuận- Bến Cầu/ Tây Ninh/ CB-CV-ÐV: Cán bộ Kinh Tài/ xã Lợi Thuận/ Hy sinh: 00- 03- 1965…”. Như vậy, là vẫn thiếu thông tin ngày mất của liệt sĩ. Từ năm 1965 đến nay đã 54 năm, gần cả một đời người. Vậy mà năm nào, người mẹ này cũng đưa các con đi viếng mộ chồng, mộ cha. Ðôi mắt bà đã mờ đục.

Và từ khoé mắt những giọt nước mắt trong veo vẫn tràn ra, lăn qua gò má nhăn sâu như những luống cày trên một cánh đồng khô. Nước mắt của bà đã lăn qua suốt những năm tuổi trẻ, lăn qua tuổi già đến tận ngày nay. Quây quần quanh mẹ hôm nay đã là một gia đình ba thế hệ. Hai cô con gái nhỏ năm xưa nay đã là những người mẹ. Con của họ, và cháu của bà có cả trai và gái nhanh nhẹn cắm hương, sửa hoa trên từng nấm mộ.

Anh con rể vừa sửa soạn hương hoa bánh trái trước bia mộ người cha chưa biết mặt, vừa kể cho tôi nghe rằng anh công tác ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng năm nào anh cũng về vài ba dịp lễ tết để cùng cả gia đình ra nghĩa trang liệt sĩ. Ðây, anh chỉ vào dĩa bày vài món cúng: - Năm nào bà cũng tự tay gói bánh tét, rồi đem ra mộ bóc ra từng khoanh rồi sùi sụt ngồi bên. Bà như chờ đợi ông và đồng đội ăn xong rồi mới trở về.

Vâng, quê hương Lợi Thuận thì tôi biết. Ðịa đạo Lợi Thuận cách đây không xa, nay đã trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Có phải người mẹ, người bà của gia đình mà tôi gặp ở nghĩa trang hôm ấy cũng từng là những người: “Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh” (thơ Dương Hương Ly). Ðể Lợi Thuận có thể gan góc kiên cường suốt hai thời kháng chiến.

Lại sắp đến ngày 27.7- ngày Thương binh - Liệt sĩ. Như mọi năm, tôi tin rằng bà mẹ ở Lợi Thuận này lại cùng cháu con ra viếng nghĩa trang. Mấy năm qua, có thêm một truyền thống đẹp nữa, là dịp này, Ðoàn Thanh niên cũng tổ chức thắp nến tri ân trước từng ngôi mộ. Và khi ấy, bà cũng cầm một cây nến đỏ. Lửa bừng sáng và nhập nhoè trước gió. Soi rõ nhiều gương mặt các bạn trẻ quây quần chung quanh. Từ đôi mắt đã mờ đục của mẹ lại lăn ra những giọt sáng trong. Nhưng là thứ nước mắt đã lung linh ngời sáng. Lấp lánh những niềm vui và hạnh phúc giữa quê hương.

NGUYỄN