BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nước sạch về vùng biên giới 

Cập nhật ngày: 06/06/2018 - 06:53

BTNO - Có ai ngờ, nhiều năm nay, người dân ở 2 ấp Phước Hưng, Phước Thuận của xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng vẫn phải chịu cảnh dùng nước phèn, dù nhà ở sát tỉnh lộ 786.

Khát khao nước sạch

Có ai nghĩ, nhà nằm cạnh tỉnh lộ 786 nhưng người dân 2 ấp Phước Hưng, Phước Thuận của xã biên giới Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) nhiều năm nay vẫn không có nước sạch sử dụng. Một số người có tiền thì khoan giếng, nhưng nước phèn, vàng đục; số còn lại phải chịu cảnh dùng nước ao tù.

Những dòng nước sạch đầu tiên được dẫn về tận nhà người dân.

Anh Đỗ Lập Quốc (ấp Phước Thuận) dẫn chúng tôi băng qua một đám ruộng sau nhà anh đến một cái ao rộng gần công đất, sâu hoắm hơn chục mét. Nước trong ao màu vàng đục ngầu. Đây là nguồn nước cung cấp cho cả gia đình anh và hai hộ khác suốt nhiều năm qua.
 
“Cứ đặt máy rồi bơm nước lên, để một hai hôm nước lóng phèn lại là xài, chủ yếu dùng để tắm giặt, rửa chén bát. Còn nước uống hoặc nấu cơm phải mua nước bình về sử dụng”, anh Quốc nói. Hỏi anh vì sao không đóng giếng mà lại dùng nước ao, anh Quốc cười ngượng ngùng, “một cái giếng ở đây đóng phải trên 20 triệu đồng, tiền đâu để đóng”.

Cách nhà anh Quốc không xa, phía bên kia đường là nhà chị Huỳnh Thị Thu Cúc, ấp Phước Hưng. Bao đời nay, từ ông bà đến cha mẹ, và giờ là vợ chồng chị, vẫn loay hoay với chuyện tìm nguồn nước sử dụng.

Trước đây, nhà chị xài “ké” nước ở trạm Phước Hưng 2. Đường ống xa, chỉ chờ nửa đêm, khi những hộ được gắn ống đã ngưng dùng, nước mới bắt đầu chảy. Nhưng vì cuối đường, nước yếu, lại nhiều người “ké” nên không phải hôm nào cũng hứng được nước.

Không dùng được nước máy, nhà chị quay ra khoan giếng. Và cũng như một số hộ từng khoan giếng với ở độ sâu vài chục mét đành phải lấp lại vì nước nhiễm phèn nặng. Giếng cạn bị nhiễm phèn, phải khoan giếng sâu hơn. Chị Cúc cùng hai nhà khác hùn tiền khoan một giếng mới với độ sâu gần 300m. Dù nước đã bớt phèn, nhưng để sử dụng trong nấu nướng, chị Cúc và nhiều nhà quanh đây vẫn phải lóng trong trước khi sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thành Lập- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ, hiện tại trên địa bàn xã chỉ còn lại 3 trạm nước sạch là Phước Mỹ, Phước Hưng 2 và Phước Hòa để cung cấp cho 650 hộ dân, chiếm 25% so với số hộ trên địa bàn xã. Nghĩa là còn đến 75% bà con đang có nhu cầu sử dụng nước sạch.

Với giá 4.000 đồng/m3 nước, người dân đã tiết kiệm được nhiều chi phí hơn trước kia.

Niềm vui nước về

Thấu hiểu những cơ cực của người dân khi không có nước sạch sử dụng, UB.MTTQVN Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã vận động UB.MTTQVN Việt Nam TP.HCM hỗ trợ gần 1 tỷ đồng xây dựng dự án Nước sạch vùng biên tại ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ.

Số tiền này đã được đầu tư xây dựng một trạm nước sạch với công suất cho 150 hộ sử dụng.

Nghe tin này, bà Võ Thị Tình (58 tuổi, ở tổ 4, ấp Phước Hưng) bỏ cả buổi chợ sáng để đến dự lễ. Bà cho biết, cách đây 10 năm nhà bà cũng từng được sử dụng nước từ một trạm nước sạch của xã cấp, nhưng được vài năm, trạm hư hỏng.

Từ đó đến nay, ngày ngày, để có nước nấu chè bán, bà phải đạp xe qua xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An chia nước lại của người dân mang về xài.

Mỗi ngày bà đạp xe 2-3 lượt, mỗi lượt phải chở hai can nước đầy 30 lít. Từ nay, bà là 1 trong 150 hộ của ấp Phước Hưng được sử dụng nước sạch của trạm bơm. Từ nay, bà sẽ không phải chạy đi lấy nước nữa. “Mừng lắm cô ơi, trước đây cứ mỗi lần chở nước cứ sợ lỡ trượt té lại khổ”, niềm vui hiện rõ qua lời nói của bà Tình.

Hệ thống xử lý nước của Trạm nước sạch tại ấp Phước Hưng do TP.Hồ Chí Minh tài trợ.

Sau hai tháng dự án được triển khai thi công, những dòng nước sạch đầu tiên được dẫn về từng nhà. Anh Lập Quốc thu dọn máy bơm đặt dưới ao, rửa sạch các bồn chứa nước đóng đầy phèn. Chị Cúc và nhiều phụ nữ khác cũng thôi nỗi lo chiếc áo trắng đi học của con bị ngả vàng vì phèn.

Ông Nguyễn Thành Lập- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết thêm, vừa qua, dự án Tiểu vùng Mê Kông được triển khai, qua khảo sát đi qua địa bàn xã và dự kiến có khoảng 500 hộ nơi đây sẽ được sử dụng nước sạch, nâng số hộ có nước sạch sử dụng lên khoảng trên 1.000 hộ.

Phước Chỉ có 4 ấp nằm ở ven sông là Phước Long, Phước Trung, Phước Hội và Phước Lập. Dân cư rải rác không tập trung nên việc đưa nước về đây sử dụng là vô cùng khó vì chi phí cao. Vào tháng 3 năm nay, UBND tỉnh đã có Quyết định 05 về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho người dân 1 lần trong thời gian 10 năm để xây những bể lọc nước gia đình. “Hiện chúng tôi đang rà soát nắm lại số lượng người dân có nhu cầu hỗ trợ. Đây cũng là một giải pháp để người dân có nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn khi sử dụng”- ông Lập cho biết.

Đầu tháng 5.2018, Hội đồng quản lý Quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc” TP.HCM đã tặng 500 triệu đồng để xã Biên Giới, huyện Châu Thành đầu tư trạm nước sạch cung cấp cho người dân ấp Bến Cầu.

Thượng tá Phùng Văn Ninh- Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu cho biết, khu vực dân cư này không chỉ khó khăn về kinh tế, mà cả nước sạch cũng thiếu thốn. "Hiện tại chưa đến 200 hộ được sử dụng nước sạch từ trạm bơm. Còn lại người dân chỉ dùng nước giếng khoan. Nhưng do là vùng trũng giáp với sông Vàm Cỏ Đông nên nguồn nước nhiễm phèn nặng".

Xã Biên Giới hiện có khoảng 1.200 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó 80% người dân gắn với nghề nông, cuộc sống hãy còn khó khăn.

N.D