BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông già Nô-en 

Cập nhật ngày: 23/12/2018 - 07:43

BTN - Mẹ bảo rằng không phải lén, mà vì ông quá bận, ông đến nhà mình nửa đêm, con đã ngủ mất rồi. Mà ông già Nô-en lại rất yêu trẻ em, làm sao nỡ đánh thức con chứ? Nhưng quan trọng là ông có tặng quà như ý thích của con là quá ngon rồi.

Hồi nhỏ, tôi rất hay viết thư cho ông già Nô-en. Lớp 1, lớp 2, và lớp 3 tôi vẫn tin là có ông già Nô-en chui vào ống khói nhà để quà trên đầu nằm trẻ em. Ơ… mà nhà mình không có ống khói thì ông già chui vào phòng con bằng đường nào hả mẹ? Mẹ trả lời rằng có thể bằng... đường cửa sổ hoặc đường cửa chính do tối qua tôi quên không đóng!

Tôi cầm những món quà ông già Nô-en tặng mà lòng vui khấp khởi vì ông tặng y chang trong thư xin quà của mình kia mà. Có năm, thấy bạn bè trong lớp được ông già Nô-en đến tận trường học, vào tận lớp tặng quà còn xoa đầu chụp ảnh, tôi về phàn nàn với mẹ rằng, sao ông già Nô-en “nhà mình” không đến trường tặng quà cho con, càng không xoa đầu chụp ảnh với con mà toàn lén lén vào nhà không vậy mẹ?

Mẹ bảo rằng không phải lén, mà vì ông quá bận, ông đến nhà mình nửa đêm, con đã ngủ mất rồi. Mà ông già Nô-en lại rất yêu trẻ em, làm sao nỡ đánh thức con chứ? Nhưng quan trọng là ông có tặng quà như ý thích của con là quá ngon rồi.

Tôi gật gù đồng ý với lý giải của mẹ. Ðể rồi sang năm lớp 4, tôi lại hí hoáy viết thư xin quà, nhưng quà của tôi xin bây giờ cao cấp hơn, đó là một… chiếc xe đạp thể thao loại xịn.

 - Con à, ông già Nô-en rất già, ông phải quảy túi hàng ngàn món quà, mà cái xe con xin rất to, làm sao ông quảy nổi? Con có thể xin món khác không?

Tôi lăn đùng ra khóc, nói rằng như thế là ông già “hứa xạo”, vì thư năm trước ông bảo con ngoan và học giỏi, thì năm sau muốn gì ông cũng cho, sao giờ mẹ lại nói thế?

Mẹ tôi bần thần: “Ðúng là năm qua con học giỏi thật, ngoan thật nhưng ông già quá già…”.

Rồi ngày Gáng sinh cũng đến, tôi nhất quyết không ngủ để nhìn tận mắt ông già Nô-en. Tôi thức đến 11 giờ đêm, ngồi trong phòng khách chờ mẹ đi làm về và ông già Nô-en tới. Tôi cứ cho rằng một chiếc xe tuần lộc từ trên trời sẽ đáp xuống sân nhà, rồi không chờ ông già áo đỏ chui qua cửa sổ, tôi sẽ nắm tay ông đi thẳng vào cửa chính, sẽ cùng ông mở túi lấy chiếc xe thể thao ra.

Nhưng… mẹ tôi đã đi làm ca 2 về, chân mẹ trầy sướt và rướm nhiều máu vì bị té xe. Mặt mẹ mệt mỏi đã khiến tôi lo lắng. Vừa chạy vô lấy nước, dọn cơm cho mẹ, vừa ngóng ra cửa chờ ông già Nô-en. Rồi lại hỏi mẹ đã mua thuốc chưa, hay là con đi mua thuốc nhé? Nhưng nếu con đi, mẹ nhớ gặp ông già Nô-en thì bảo ông ở lại chờ con về con nhìn ông một chút nha!

Mẹ bảo: “Mẹ quên, mẹ té xe đây là lúc nãy tại đèn đỏ trên thị trấn gặp ông già Nô-en của con đấy! Ông quảy cái xe của con to quá, ông nhờ mẹ mang về giùm chứ ông quảy nó từ Bắc Cực qua đây đã mệt quá rồi”.

Mẹ chỉ ra ngoài sân, chiếc xe đạp thể thao còn ràng trên xe máy của mẹ. Tôi “ồ dze” đến nỗi em gái nhỏ thức dậy mừng theo.

Nhưng rồi… ngày hôm sau, chân mẹ tôi sưng to, sốt mê man không đi làm được. Tôi lục túi xách mẹ lấy tiền mua thuốc và phát hiện một tờ “giấy bảo hành xe đạp” do cửa hàng bán xe ký tên đóng mộc.

Tôi khóc một trận vì cho rằng mẹ nói dối, mẹ tặng chứ ông già Nô- en không có tặng. Mẹ tôi xoa mái tóc khét nắng của tôi giải thích: “Quan trọng là con ngoan, học giỏi và thương mẹ, còn ông già áo đỏ đó chỉ là nhân vật trong truyền thuyết mà thôi”. Bây giờ tôi đã hiểu ra, ông già Nô-en thật sự chỉ sống trong trí tưởng tượng của trẻ em, còn thực tế cha mẹ mới chính là ông già áo đỏ luôn mang niềm vui đến cho con trẻ.

PHAN HOÀNG AN