BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phế liệu thuộc danh mục được quản lý chặt chẽ

Cập nhật ngày: 15/08/2018 - 16:51

BTN - Theo khoản 13, Ðiều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”.

Việc quản lý nhập khẩu phế liệu được thực hiện theo Nghị định 38/2015/NÐ-CP ngày 24.4.2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 9.9.2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30.6.2015 về quản lý chất thải nguy hại.

Thông tư 41/2015 được áp dụng đối với cơ quan quản lý Nhà nước; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất; nhận uỷ thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Theo quy định tại Thông tư 41, việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải được cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép, đơn vị thực hiện việc nhập khẩu phế liệu phải bảo đảm các thủ tục kiểm tra điều kiện về bảo vệ môi trường, kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu để thông quan- được thực hiện tại cơ quan Hải quan cửa khẩu nhập.

Cơ quan Hải quan căn cứ Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường chưa thể quyết định thông quan hoặc buộc tái xuất, cơ quan Hải quan tổ chức giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu, hoặc thành lập hội đồng kiểm tra để đánh giá sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải có trách nhiệm nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu quy định trong giấy xác nhận; sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở của mình; lấy mẫu, phân tích để xác định chủng loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp..

Như vậy, có thể thấy rằng, để được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ các thủ tục được quy định một cách chặt chẽ, và chỉ những loại phế liệu nằm trong danh mục được quy định mới được phép nhập khẩu với mục đích bảo vệ môi trường trong hoạt động này.

Do đó, việc nhập lậu, mua bán phế liệu có thể dẫn đến việc nhập khẩu các loại phế liệu là chất thải nguy hại như vỏ bình ắc-quy, chai đựng thuốc trừ sâu... Những loại chất thải nguy hại này phải được xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Với hoạt động mua bán tại các vựa phế liệu ở khu vực biên giới thời gian qua, không loại trừ khả năng những mặt hàng phế liệu các chủ cơ sở này thu mua ở khu vực biên giới có những loại phế liệu được coi là chất thải rắn nguy hại, không được phép mua bán tràn lan.

Theo khoản 13, Ðiều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”. Còn theo một số tài liệu, chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc các hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp, hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại tới môi trường và sức khoẻ con người.

Còn theo Công ước Base năm 1989 về kiểm soát và vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng, chất thải nguy hại được phân làm 7 nhóm, với 236 danh mục hoá chất độc hại. Chất thải nguy hại phát sinh từ rất nhiều nguồn như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; hoạt động của công sở, cửa hiệu, trường học; từ các bệnh viện; các hoạt động sinh hoạt khác.

THẾ NHÂN