BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Phố bờ sông

Cập nhật ngày: 31/08/2018 - 07:29

BTN - Cho đến nay, người thành phố Tây Ninh đã có thể tự hào khoe:- Thành phố mình đã có phố bờ sông.

Thì xưa nay đã từng có nhiều đường phố ven sông (rạch Tây Ninh) đấy chứ! Như phố Yết Kiêu chạy ngang trước tượng đài khu chứng tích cầu Quan, giờ có thêm chợ đêm với hàng dù che trắng lốp soi gương mặt nước.

Chợt nhớ, giờ đã vào thu. Không biết những cây hoa sữa ở đấy đã nở hoa chưa? Ðể bữa nào rủ bạn ngoài Bắc vô chơi, xuống ăn một đĩa nghêu, sò, ốc nóng hổi, lại thoảng thêm mùi hoa sữa. Hay là bên kia đầu cầu có phố Phan Châu Trinh, cũng đông đúc vài quán ăn cả sáng lẫn đêm…

Kể đến đây, hẳn có bạn sẽ “phản biện” rằng:- Phố gì đâu mà ngắn có một mẩu. Bên Yết Kiêu cũng chỉ đông vui được hơn trăm mét, tới chân cầu mới Trần Quốc Toản. Còn bên Phan Châu Trinh thì ngắn hơn nữa, chỉ vài chục bước chân là… hết phố bờ sông. Quả thật, phố ấy chỉ đến chùa Vĩnh Xuân là đã có thêm các ngôi nhà ở của dân xập xè mép nước. Không còn là chỗ cho người nơi khác đến vui chơi thưởng thức không khí bờ sông dìu dịu mát.

Nhưng nhắc đến đoạn phố này bạn “phản biện” kia chắc phải chịu thôi. Ðấy là phố Trần Hưng Ðạo kéo từ cầu Quan, liền lạc với phố Quang Trung. Cả một tuyến phố dài có công viên ven rạch, tới gần 2 cây số. Lại nhớ, Tết Nguyên đán Kỷ Dậu vừa rồi có thể là cái tết cuối của chợ hoa xuân còn phải cắm các gian hàng trên đất cỏ.

Thông báo trước cho các chủ hàng hoa chuẩn bị nhé. Rằng tết tới đây các vị sẽ được dựng lều trên sân sướng sạch tinh gạch lát, cây xanh của công viên dọc phố Quang Trung. Dĩ nhiên, giá cả thuê chỗ chắc cũng phải cao hơn tết trước.

Công viên đã hoàn thành trong năm 2018. Cơ quan quản lý hoặc các doanh nghiệp hỗ trợ đã kịp gắn thêm hai cụm thiết bị thể thao cho dân đến tập tành. Ðủ cả đu, lắc hông, đi bộ hay xà đơn, xà kép. Chỉ còn thiếu mỗi cái bảng tên. Chắc là do Hội đồng đặt tên đường phố, công viên còn chưa kịp chọn. Vậy nên người dân đã nhanh nhảu hơn, ơi ới rủ nhau xuống công viên “bờ kè” tập thể dục. Một chủ quán năng động, đã đặt ngay tên quán của mình là quán bê thui Bờ kè ở góc đường Lê Lợi- Quang Trung.

Có một điều tưởng cũng nên nhắc lại, kẻo có người quên. Rằng, cư dân đô thị Tây Ninh bây giờ đã tiếp thu nhanh các lối sống của văn minh đô thị. So sánh một chút với mười mấy năm về trước, khi công viên bờ sông đầu tiên có mặt ở thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh, lúc ấy công viên cũng đã đẹp đẽ với gạch lát lối đi, cỏ xanh, ghế đá… dưới rưng rưng hoa tím.

Vậy mà phải mất đến vài năm cũng chẳng có mấy người dám đến. Cái gì mà chẳng phải làm quen! Như chuyện đèn đỏ, đèn xanh chẳng hạn. Lúc ban đầu, gặp đèn đỏ thì xe vẫn phóng. Nay thì đã chấp hành răm rắp, ngoại trừ vài chiếc xe đạp của bà bán vé số đôi khi vẫn lỡ trớn vượt lúc đỏ đèn.

Nay chuyện công viên thì đã khác hẳn rồi. Khi còn chưa xong thì dân phố đã xuống. Người thì đi bộ buổi tinh mơ. Phần đông đến chơi vào lúc trời vừa tắt nắng. Thấy người đông, các bạn thuộc ngành dịch vụ năng động đã xuống theo phục vụ đồ ăn và giải khát. Nay, công viên bờ kè đã đông vui lắm lắm. Tối tối người đông, nhóm tập thể dục, nhóm ngồi ăn uống. Rượu, bia, nước ngọt cứ bày ra ngay trên ghế đá công viên, thậm chí ngay trên các bãi cỏ xanh mịn mát. Các chủ quán dịch vụ lúc nào cũng sẵn sàng bàn ghế, bày biện phục vụ theo yêu cầu các “thượng đế”.

Nhưng, vui nhất lại chính là các nhóm trống choai, chích bông. Toàn các em từ 6 đến 12 tuổi. Nhóm này đã không còn ưa thích đạp xích lô như ở công viên 30/4 nữa; các bạn ấy đã có món chơi hiện đại, mạo hiểm và ưa thích hơn là chơi xe điện thăng bằng. Gớm! Chỉ với một bệ đỡ nhỏ đủ cho hai bàn chân trẻ em đứng, với 2 bánh xe thấp tè, mà các bạn lướt veo véo trên sân, có lúc lại ngồi thụp xuống, lượn nghiêng, ngoắt ngược nhiều trò tinh quái.

Thế là các em, và cả người lớn nữa đã có thêm một sân chơi. Sân này hoa chưa kịp nở, cây còn chưa kịp xoè tán lá. Nhưng bù lại là gió trời mát rượi một vùng sông và ánh điện sáng trưng. Người có nhu cầu khác, đã có các quán cà phê, thậm chí bê thui, dê núi Ninh Bình… sẵn sàng phục vụ.

Chỉ có hơi tiếc cho các anh, chị ngành dịch vụ tự phát. Ðôi khi các anh chị ấy đã lấn sân hơi nhiều. Mà nếu làm quá, sẽ càng eo hẹp lại không gian công viên vốn là chỗ nghỉ ngơi cho người thành phố. Xin nhớ cho, ở các nước văn minh, người ta tuyệt đối cấm bán hoặc mang bia rượu tới công viên.

NGUYỄN