BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phổ cập dịch vụ phòng chống lao chuẩn tới người dân 

Cập nhật ngày: 24/03/2018 - 11:55

Từ nay đến năm 2030, Chương trình chống lao quốc gia sẽ tiếp cận thực hành lồng ghép dịch vụ phòng chống lao với dịch vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm để củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhằm phổ cập dịch vụ phòng chống lao chuẩn cho mọi người dân.

Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát động quỹ trợ bệnh nhân chiến thắng bệnh lao. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trước đây, bệnh lao trong tiềm thức của con người là bệnh thuộc "tứ chứng nan y", nhưng hiện nay, sự kỳ thị về bệnh lao đã giảm nhiều, chỉ còn một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn nặng nề.

Riêng trong năm 2017, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp.

Trong đó, thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi thì tỉ lệ này ở Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỉ lệ thành công có thể lên tới 85% và có tới 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí đắt như trước.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Nhung, hiện số người mắc bệnh lao ở nước ta đang giảm hằng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh cũng giảm. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.

“Mỗi năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỉ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới”, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.

Hiện nay, công tác phòng chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã phường. Tỉ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Cả nước đã có 46 trên 63 tỉnh, thành đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Chương trình chống lao quốc gia cũng đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ nay đến năm 2020, Chương trình phòng chống lao quốc gia đặt chỉ tiêu giảm 30% tỉ lệ hiện mắc và giảm 40% tỉ lệ tử vong do bệnh lao.

Tuy nhiên, với những thành công trên, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương cũng chia sẻ, hiện trên thế giới, bệnh lao vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với con số gần 2 triệu người hàng năm, đặc biệt bệnh lao kháng thuốc đã đe doạ an ninh y tế toàn cầu.

Đặc biệt, có một nghịch lý buồn là khoa học công nghệ đã tạo ra những công cụ để phát hiện và chẩn đoán lao nhanh, chính xác, có đủ các thuốc, phác đồ điều trị, song số người chết vì lao có giảm nhưng rất chậm, vẫn có nhiều người tiếp tục mắc lao và bệnh lao vẫn trường tồn.

Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, hàng năm vẫn có gần 130.000 người mắc lao mới, gây tử vong cho khoảng 16.000 người năm 2015.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 20 được ban hành tại kỳ họp thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá XII cũng đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao cùng với các chính sách và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu này.

Theo đó, Chương trình sẽ truyền thông mạnh mẽ, bảo đảm nguồn lực và tiếp cận thực hành lồng ghép dịch vụ phòng chống lao với dịch vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD) để củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhằm phổ cập dịch vụ phòng chống lao chuẩn cho mọi người dân.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3, Chương trình chống lao Quốc gia năm 2018 tổ chức lễ phát động “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”, với mục tiêu hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người bệnh lao, hỗ trợ chi trả các chi phí điều trị chưa được BHYT chi trả, hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo…

Nguồn chinhphu