BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng “mới chỉ là đề xuất” 

Cập nhật ngày: 15/06/2017 - 16:15

Quốc hội dành trọn phiên làm việc chiều 15.6 để chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

Vì sao chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang là người đầu tiên nêu câu hỏi chất vấn. Bà băn khoăn về việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng.

Trước việc cao tốc Trung Lương chậm, bà Bé chất vấn có phải do yếu kém về chuyên môn?

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh nêu thực trạng thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành gây lãng phí trong đầu tư công, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... "Chính phủ cần làm rõ vai trò nhạc trưởng và quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của từng thành viên".

Bà Ma Thị Thúy - Phó trưởng đoàn Tuyên Quang, nêu vấn đề về chính sách phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Theo bà, nơi đây vẫn khó khăn, lõi nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo gấp 3 lần bình quân. "Giải pháp căn cơ nào phát triển toàn diện?", đại biểu Thúy hỏi.

Đại biểu Đinh Đăng Luận quan tâm tới giải pháp cho việc kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang, tạm dừng chưa biết bao giờ hoàn thành...

Đề cập tới quá trình cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Phan Anh Khoa chỉ ra điểm hạn chế là quy hoạch nhân lực, hạ tầng cơ sở, thị trường, dẫn tới tình trạng “được mùa rớt giá” tái diễn nhiều lần, buộc Chính phủ phải thực hiện nhiều cuộc “giải cứu nông sản” vừa qua. Ông nêu câu hỏi về giải pháp cho vấn đề này?

Giải đáp thông tin chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết đây mới là đề xuất nghiên cứu, nhằm thực hiện cơ chế tự chủ, tuy nhiên chủ trương này liên quan đến nhiều quy định khác nhau, như luật công chức, viên chức; liên quan đến đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn. "Chúng ta muốn làm thế nào để công chức thành những người làm việc trong bộ máy công quyền, viên chức thì vẫn làm hợp đồng", ông nói.

Phó thủ tướng khẳng định đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, và mới chỉ ở bước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức.

-------------------------------------

Thủ tướng nhận được 16 nhóm nội dung chất vấn

Trước khi nhận các câu hỏi, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình sẽ trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm thời gian qua.

Đây là lần đầu tiên ông Trương Hoà Bình đăng đàn trên cương vị Phó thủ tướng thường trực Chính phủ. Ông từng trả lời chất vấn của Quốc hội nhiệm kỳ trước với tư cách là Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Trong hai kỳ họp Quốc hội mỗi năm, theo thông lệ, Thủ tướng uỷ quyền cho một Phó thủ tướng trả lời các chất vấn đối với lãnh đạo Chính phủ tại kỳ họp giữa năm; Thủ tướng đăng đàn tại kỳ họp cuối năm. Trước khi kỳ họp lần này diễn ra, thay vì giữ nguyên thông lệ, có dự kiến Thủ tướng sẽ tham gia trả lời chất vấn trực tiếp cùng với Phó thủ tướng.

Tuy nội dung này sau đó không được đưa vào chương trình chính thức, nhưng Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, "nếu có đại biểu hỏi thì chắc Thủ tướng sẽ trả lời, có thể bằng văn bản hoặc giải đáp trực tiếp, đó là quyền của chủ toạ".

Tại kỳ họp lần này, Thủ tướng nhận được 16 nhóm nội dung chất vấn, từ vấn đề cải cách thể chế gắn với cuộc cách mạng 4.0 cho đến cải tạo, hồi sinh sông Tô Lịch (Hà Nội).

Có 2 đoàn đề xuất chất vấn Thủ tướng về giải pháp với các khoản nợ xấu, dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ các vấn đề liên quan đến 12 dự án thua lỗ lớn; một đoàn nêu vấn đề về hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng đó...

Các đoàn cũng đề xuất chất vấn người đứng đầu Chính phủ về chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành (Hà Nội, TP HCM); về điều tiết kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế; tình trạng bội chi ngân sách nhà nước, nợ công tăng và ở mức cao, giải pháp khắc phục?

Một số nội dung khác được nêu trong báo cáo là vấn đề thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính nhà nước...

Nguồn VTV/VNE

Từ khóa
.