Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh khảm lá mì:

Phòng, chống chưa hiệu quả

Cập nhật ngày: 26/03/2018 - 14:28

BTN - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích mì của năm 2017 nhiễm bệnh khảm lá còn trên đồng là 771,6 ha tại các huyện Tân Châu (630,5 ha), Tân Biên (khoảng 141 ha).

Người dân tiêu huỷ mì bị nhiễm bệnh khảm lá.

 

Vụ Ðông Xuân 2017-2018, bệnh tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng tại địa bàn 9 huyện, thành phố và biểu hiện triệu chứng ngay từ giai đoạn cây con, do nguồn bệnh trong năm 2017 còn trên đồng và phần lớn nguồn giống sử dụng đã bị nhiễm bệnh.

Tính đến đầu tháng 3.2018, toàn tỉnh đã có khoảng 6.951 ha mì vụ Ðông Xuân 2017-2018 bị bệnh khảm lá. Trong đó, tỷ lệ nhiễm dưới 15% là 2.237 ha; từ 15% đến dưới 30% là 2.847,8 ha; từ 30-70% là 1.240 ha và trên 70% là 626,6 ha.

Bệnh khảm lá xuất hiện tại 62 xã/9 huyện, thành phố. Trong đó, Tân Biên  3.000 ha, Châu Thành 1.461,9 ha, Tân Châu 1.101,7 ha, Dương Minh Châu 748 ha, Bến Cầu 488 ha, Trảng Bàng 56,7 ha, Hoà Thành 16,8 ha, Gò Dầu 12,75 ha, Thành phố (64,95 ha).

Hiện các địa phương chỉ mới cày huỷ được 85,2 ha mì bệnh, trong đó huyện Tân Châu 30,6 ha, Tân Biên 30 ha và Bến Cầu 24,6 ha. Hiện nay, diện tích mì bị bệnh khảm lá vụ Ðông Xuân 2017-2018 còn trên đồng khoảng 6.866 ha.

Do các doanh nghiệp chế biến thu mua củ mì tươi với giá rất cao ngay từ đầu vụ sản xuất (từ 2.200-2.800 đồng/kg) đã “kích thích” người dân tranh thủ trồng mì. Tuy nhiên, nhiều người không thực hiện theo các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn khi sử dụng nguồn giống nhiễm bệnh để trồng.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố thiếu quyết liệt trong việc vận động, thuyết phục người dân có mì bị bệnh khảm lá tiêu huỷ nguồn bệnh; chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc thu gom cây mì trong vùng dịch, cây mì nhiễm bệnh và sử dụng làm giống trong vụ Ðông Xuân năm 2017-2018.

TRÚC LY