BAOTAYNINH.VN trên Google News

“PrEP hôm nay, hạnh phúc mai sau” 

Cập nhật ngày: 01/12/2018 - 20:35

BTNO - “PrEP hôm nay, hạnh phúc mai sau” là thông điệp do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), USAID và tổ chức PATH đưa ra trong lễ khởi động Kế hoạch quốc gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Nhằm triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, Bộ Y tế xác định dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng nguy cơ cao là một can thiệp cần được triển khai tại Việt Nam.

 
PGS.TS Phan Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại lễ khởi động PrEP.

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 6.2018, toàn quốc có trên 209.000 người nhiễm HIV đang còn sống. Tỷ lệ nhiễm HIV trong hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm có xu hướng giảm nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Vì vậy, bên cạnh các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống cần có những lựa chọn can thiệp khác cho nhóm đối tượng này.

Chiều 30.11, tại TP.HCM, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu PATH đã khởi động Kế hoạch quốc gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), giai đoạn 2018 – 2020.

Với thông điệp “PrEP hôm nay, hạnh phúc mai sau”, mục tiêu của kế hoạch nhằm góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV. Trong đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 5.600 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2019. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 7.300 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2020.

Năm 2019, cùng với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh cũng được triển khai kế hoạch trên. 

Phát biểu tại lễ khởi động, PGS.TS Phan Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, PrEP là một phương pháp dự phòng HIV hiệu quả cho những người có nguy cơ nhiễm HIV. Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á, sau Thái Lan, triển khai chương trình PrEP trên toàn quốc. 

Gói dịch vụ PrEP triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, bao gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ; điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP); hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP; sàng lọc và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc tình trạng viêm gan B, C; hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ liên quan khác (kế hoạch hóa gia đình, tiêm phòng viêm gan B, điều trị viêm gan C…).

Yên Khuê