BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quản lý kinh doanh rượu:

Quá khó (?) 

Cập nhật ngày: 06/12/2017 - 06:22

BTN - Ngày 14.9, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 105), chính thức có hiệu lực vào ngày 1.11.2017. Theo đó, việc sản xuất rượu, kinh doanh rượu, kể cả bán lẻ rượu, đều phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Nghị định còn có điều khoản việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Thế nhưng, sau hơn 1 tháng kể từ ngày Nghị định 105 có hiệu lực, thực tế cho thấy, hoạt động mua bán rượu vẫn chưa có sự chuyển biến nào tích cực.

Có thể dễ dàng mua rượu tại các tiệm kinh doanh tạp hoá (ảnh minh hoạ).

CHẲNG AI HỎI KHÁCH: “ĐỦ TUỔI UỐNG RƯỢU CHƯA?”

Chiều chủ nhật, 3.12, tại một quán nhậu bình dân ở xã Long Thành Trung (Hoà Thành), chúng tôi nhận thấy trong số khá đông thực khách ngồi ăn uống tại đây có 2 bàn khách là những người nhỏ tuổi có thể chưa đến 18 tuổi đang “chén chú, chén anh” cụng ly côm cốp.

Chị chủ quán bộc bạch, quán bình dân có khách đến là mừng rồi, chắc chẳng có ai đang kinh doanh quán nhậu mà dám kiểm tra giấy tờ của khách xem đủ tuổi hay chưa để bán rượu. Bởi ngoài việc làm mất lòng khách, còn có thể phát sinh nhiều vấn đề không hay. Hơn nữa, trách nhiệm kiểm tra là của các ngành chức năng, còn chủ quán lấy quyền gì yêu cầu khách cho xem giấy tờ tuỳ thân!

Hỏi về nguồn rượu bày bán tại quán, được đổ vào cái bình tích mang ra bàn cho khách uống, không hề có nhãn mác của cơ sở sản xuất, chị chủ quán cho biết, chục năm qua chị chỉ lấy của một người nấu rượu đem đến bỏ mối. Còn chỗ nấu có được cấp giấy phép, có được chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, chủ quán không biết. Theo chị, hiện nay, các quán nhậu bình dân đều mua rượu để bán cũng giống như chị, chẳng có quán nào buộc người bỏ rượu phải làm hợp đồng, hay phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định mới mua rượu.

Một chủ tiệm tạp hoá ở phường 3, thành phố Tây Ninh cho rằng, quy định “thủ tục” như thế rất khó khăn cho những người bán rượu nấu thủ công. Tiệm bán tạp hoá đâu chỉ có mỗi mặt hàng rượu, mà còn kinh doanh nhiều loại mặt hàng khác. Do đó, nếu buộc chị phải đi đăng ký xin giấy phép bán lẻ rượu, quả là rất khó khăn. Mặt khác, với giá rượu chỉ khoảng 20.000 đồng/lít mà buộc người đến bỏ rượu cho tiệm tạp hoá phải làm hợp đồng, hay cung cấp các văn bản theo quy định... xem ra “bất khả thi”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi tại tiệm tạp hoá còn khó khăn hơn các quán nhậu. Bởi lẽ, hầu hết các bậc “cha chú” thường sai con cháu đi mua rượu.

QUẢN KHÔNG XUỂ (?!)

Theo Nghị định 105, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công có mục đích kinh doanh và cấp giấy phép bán lẻ rượu, giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Đồng thời, Nghị định 105 cũng quy định UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên phạm vi địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên phạm vi địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Thực tế, trước tình hình sản xuất, bán rượu lẻ tràn lan như hiện nay, việc nắm hết số hộ sản xuất, kinh doanh bán lẻ rượu để đưa vào quản lý và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 105 đối với chính quyền địa phương là một chuyện không hề đơn giản. 

Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoà Thành cho biết, thời gian qua, nhờ địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên có nhiều hộ kinh doanh đến xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, giấy phép bán lẻ rượu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa quan tâm đến việc này.

Tại thành phố Tây Ninh, theo một lãnh đạo UBND phường, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở nấu rượu, cũng như tổ chức tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh cho người nấu rượu. Tuy nhiên, về việc quản lý theo Nghị định 105... hết sức nan giải. Ngoài việc địa phương không thể bố trí nhân sự chỉ để thực hiện việc kiểm tra kinh doanh rượu, thì việc kiểm tra người bán rượu có bán cho người chưa đủ tuổi hay không, hay người uống rượu tại các quán có đủ 18 tuổi chưa càng khó thực hiện...

Dây chuyền sản xuất rượu tại một cơ sở đã được cấp phép tại thành phố Tây Ninh.

CẦN TÍCH CỰC TUYÊN TRUYỀN ĐỂ VIỆC SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU ĐI VÀO NỀ NẾP

Theo ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công Thương, trước khi Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành, ngày 25.10.2017, Sở đã có văn bản gửi Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, Phòng Kinh tế Thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Chi cục Quản lý thị trường tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 105. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã xây dựng bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã theo Nghị định 105 và đề nghị Phòng Kinh tế Thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện bộ thủ tục hành chính kể từ ngày 1.11.2017.

Tính đến nay, Sở Công Thương đã cấp 1 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp; Phòng Kinh tế Thành phố và các huyện cấp 22 giấy phép sản xuất rượu thủ công có mục đính kinh doanh và 34 giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

Theo ông Lê Thành Công, về quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, không phải lần đầu tiên mới có, Chính phủ từng ban hành các Nghị định 48 ngày 7.4.2008; Nghị định số 94 ngày 12.11.2012 về sản xuất, kinh doanh rượu. Ông Công cho rằng, việc chống lạm dụng rượu bia phải bằng những hành động cụ thể. Để Nghị định 105 đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu và người tiêu dùng hiểu và thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, thực hiện Nghị định số 124 ngày 19.11.2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185 ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các cấp, các ngành cần thực hiện ngay việc tổ chức để các cơ sở, cá nhân ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện nghiêm việc kinh doanh rượu phải có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Giám đốc Sở Công Thương nhận định, theo xu hướng của người tiêu dùng hiện nay, việc sử dụng rượu có nhãn đúng quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng được quan tâm. Các cửa hàng, quán ăn cũng đã kinh doanh rượu có nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và theo quy định của Nhà nước. Tin rằng, với nỗ lực của các ngành, các cấp thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn, trở ngại và tích cực phối hợp tuyên truyền vận động trong nhân dân, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ sẽ thực sự đi vào cuộc sống, qua đó hạn chế được tệ nạn uống rượu, say rượu tràn lan như hiện nay.

THIÊN TÂM