BAOTAYNINH.VN trên Google News

Qua thời cho thuê truyện tranh 

Cập nhật ngày: 21/05/2019 - 23:35

BTN - Trong căn nhà nhỏ tại ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành), bà Nguyễn Thị Nhung, 55 tuổi, vừa soạn lại kho truyện của mình, vừa kể: đây là “tài sản” bà tích góp qua mười mấy năm làm nghề cho thuê truyện.

Bà Nhung bên chiếc xe đẩy truyện cho thuê.

Những quyển truyện đã gắn với bao thế hệ học trò tại khu vực này. Bà Nhung vẫn nhớ “thời hoàng kim” của cửa hàng là hơn chục năm trước, khi những quyển truyện tranh được đông đảo học sinh săn lùng, tìm đọc. “Lúc ấy, mỗi khi bày truyện mới, học sinh vây xung quanh xe đẩy cũng như sạp nhỏ trước nhà rất đông, rất vui”. Có lúc, bà Nhung đẩy chiếc xe đẩy chất đầy truyện tranh đi qua những khu vực lân cận cho người tìm thuê. 

Bà Nhung từng là giáo viên mầm non. Do cuộc sống khó khăn nên bà nghỉ việc, rồi lập gia đình, làm qua nhiều nghề để kiếm sống. Sau đó, tận dụng vị trí nhà gần trường học nên bà nghĩ đến việc cho thuê sách, truyện làm kế sinh nhai. Bà nói: “Nghề này không kiếm được nhiều tiền nhưng có thể lo cơm, gạo mỗi ngày cho gia đình 5 người của chúng tôi. Nhờ công việc này, tôi cũng tích góp cho con cái học hành đàng hoàng và thoả mãn niềm yêu thích với sách, truyện của tôi”.  

Bà Nhung bắt đầu nghề cho thuê sách, truyện từ những cuốn sách, truyện cũ mua từ vựa ve chai đem về. Sau này, để có nguồn truyện, mỗi tuần, bà Nhung phải đi tìm mua khắp các nhà sách ngoài Thị xã (nay là thành phố Tây Ninh). Có khi bà phải lặn lội xuống thành phố Hồ Chí Minh để mua mang về kịp phục vụ những độc giả trẻ của mình. Lâu dần, bà Nhung cũng nắm được thói quen đọc truyện của từng lứa học sinh, như học sinh tiểu học sẽ thích những loại truyện tranh nhẹ nhàng, hài hước như Doraemon, Thần đồng đất Việt, Trạng  Quỷnh… Những em tuổi lớn hơn thích đọc bộ manga Nhật, Hàn đủ thể loại, phần đông chuộng những tác phẩm nổi tiếng như Bảy viên ngọc rồng, Conan, Teppi, Nữ hoàng Ai Cập…

Mỗi quyển truyện khi ấy bà Nhung cho thuê chỉ một, hai ngàn đồng. Lúc cao điểm, bà có thể kiếm khoảng 100 ngàn đồng/ngày từ tiền cho thuê truyện. Nhiều khách hàng nhỏ của bà khi xưa giờ đã lớn, có người đã là sinh viên đại học, có người đã ra trường đi làm, lập gia đình. Bà Nhung chia sẻ: “Niềm vui của nghề này là gặp lại những khách hàng cũ. Các em ấy đã lớn, trở thành sinh viên nhưng vẫn thỉnh thoảng ghé lại thăm bà, tìm đọc những quyển truyện cũ”. 

Tuy bây giờ các phương tiện vui chơi, giải trí dành cho trẻ em phát triển nhiều nhưng vẫn còn không ít cô cậu học trò thích đọc những quyển truyện tranh. Đó là điều làm bà Nhung “đỡ tủi” cho cái nghề mà bà đã gắn bó mấy chục năm qua. Thỉnh thoảng, bà Nhung lại lôi mớ truyện cũ ra lau chùi, bao bọc cẩn thận theo từng bộ, thể loại rồi sắp xếp lên kệ hoặc soạn lại mớ sách cũ trong rổ nhựa. Có những quyển đã xuất bản từ rất lâu nhưng vẫn còn mới nguyên do được bà bao bọc cẩn thận. Bà nói: “Có những em thích sưu tầm truyện, muốn chia lại những bộ truyện này nhưng tôi còn tiếc chưa bán đi. Dù bây giờ không còn mấy ai đọc nữa…”.

Tuy khách đang ngày càng ít, không còn mặn mà với những quyển truyện nhưng bà Nhung vẫn cố níu giữ nghề. Vài năm gần đây, trên cái xe đẩy của bà Nhung không còn thuần những cuốn sách, quyển truyện cho thuê nữa mà có thêm nước ngọt, bánh trái để bán cho học sinh. Bà Nhung tâm sự: “Nghĩ cũng buồn nhưng bây giờ phải dần đổi nghề thôi, vì cuộc sống mà”.

VI XUÂN


Liên kết hữu ích