BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quảng Bình khai thác hiệu quả những con tàu "67" 

Cập nhật ngày: 05/06/2017 - 11:03

Trong khi một số tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang gặp sự cố thì tại Quảng Bình, hơn 80 tàu cá "67", trong đó 29 tàu vỏ thép đang vươn khơi và có nhiều chuyến biển đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả những con tàu "67", cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách đầu tư và hạ tầng nghề cá.


Các tàu cá của ngư dân xã Bảo Ninh (TP Ðồng Hới, Quảng Bình) vươn khơi khai thác hải sản.

Nhiều chuyến biển thắng lợi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình, địa phương đã hoàn thành đóng mới 85 tàu cá (trong đó có 29 tàu vỏ thép) theo Nghị định 67, theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ NN-PTNT. Với kết quả này, Quảng Bình được Tổng cục Thủy sản đánh giá là một trong số ít các tỉnh thực hiện tốt Nghị định 67 của Chính phủ. Tổng số vốn đầu tư đóng mới tàu cá "67" tại Quảng Bình là hơn 1.242 tỷ đồng, trong đó vốn vay gần 990 tỷ đồng.

Sau khi đưa tàu cá đóng mới vào hoạt động, các chủ tàu đã tổ chức sản xuất khai thác có hiệu quả, nhất là nghề chụp mực, câu và nghề lưới vây. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, đến đầu tháng 5-2017, có 55 con tàu "67" đi vào hoạt động và đã thực hiện 366 chuyến biển, với doanh thu 82,4 tỷ đồng, trừ chi phí 56,7 tỷ đồng, thu lãi 28,7 tỷ đồng. Các chủ tàu đưa tàu vào khai thác đều chấp hành tốt việc trả nợ gốc, lãi vay để đầu tư đóng tàu theo đúng kỳ hạn cam kết với các ngân hàng. Hiện, ngư dân đã trả nợ gốc cho ngân hàng được 3,17 tỷ đồng, ngoài ra còn trả hàng chục tỷ đồng tiền lãi.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dương (ở thôn Sa Ðộng, xã Bảo Ninh, TP Ðồng Hới, Quảng Bình), 38 tuổi nhưng đã có 24 năm đi biển cho biết: Khi biết Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, anh quyết định bán con tàu vỏ gỗ nhiều năm gắn bó để đóng chiếc tàu vỏ thép công suất gần 850 CV. "Quyết định là vậy nhưng đêm về không ngủ được vì lo, mình đã quá quen với tàu vỏ gỗ mà chưa bao giờ bước chân lên tàu vỏ thép, nói chi đến làm chủ", anh Dương nói. Ðược gia đình cùng bà con ngư dân động viên, Nguyễn Văn Dương quyết định vay Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Quảng Bình hơn 20 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép tại doanh nghiệp tư nhân Cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn ở tỉnh Thái Bình, với tổng số vốn gần 23 tỷ đồng. Trong khi con tàu được thi công, anh em Dương nhiều lần ra vào để giám sát và đề nghị thay thế các hạng mục trên tàu cho phù hợp đặc điểm đánh bắt ở Quảng Bình. Ðến Tết Ðinh Dậu vừa rồi, tàu cá số hiệu QB 91559TS của Nguyễn Văn Dương được hoàn thành, và ngay chuyến đi biển đầu tiên vào tháng 4, anh thu được khoảng 300 triệu đồng, chuyến biển đầu tháng 5 vừa qua, đạt doanh thu 740 triệu đồng. Anh Dương cho biết, trong chuyến biển đầu tháng 5 của mình, anh và 12 ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt bằng nghề chụp mực. Do tàu có các thiết bị phục vụ khai thác hải sản hiện đại và trang bị vàng lưới dài hơn, cho nên đánh bắt hiệu quả hơn. Kết quả sau 12 ngày bám biển, tàu anh thu được 15 tấn mực, 30 tấn cá nục suôn và nhiều loại hải sản khác.

Cuối năm 2016, tàu cá vỏ thép "67" công suất 829 CV của ông Nguyễn Chiến Trường, ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Ðồn (Quảng Bình) được hoàn thành. Ðến nay, tàu cá này đã thực hiện năm chuyến biển, chuyến đầu, do thuyền viên mới làm quen với tàu, cho nên doanh thu chỉ đạt 200 triệu đồng, đến chuyến đầu tháng 4 vừa qua đạt 600 triệu đồng và chuyến mới rồi đạt gần 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Chiến Trường chia sẻ, tàu của mình đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê, trước đây, vàng lưới rê thông thường chỉ dài 8 km nhưng từ khi có tàu vỏ thép, ngư dân đầu tư vàng lưới dài khoảng 18km, lắp thêm tời thủy lực thu lưới... vì vậy, đánh bắt tốt hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) Nguyễn Ngọc Tiếp cho biết, ngư dân của xã chủ yếu đánh bắt cá hố xuất khẩu. Hiện cá hố vẫn được thu mua với mức giá khá cao, từ 120 nghìn đến 160 nghìn đồng/kg. Năm tháng đầu năm 2017, sản lượng đánh bắt của ngư dân Cảnh Dương đạt hơn 800 tấn, doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tàu anh đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, từ đầu năm đến nay doanh thu đạt gần 1,4 tỷ đồng. Vợ chồng anh đang làm thủ tục vay vốn đóng mới thêm một con tàu có công suất lớn để bám biển đánh bắt thuận lợi hơn.

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Dương trúng đậm mẻ cá, mực (ảnh nhỏ).

Tháo gỡ những vướng mắc

Trong khi đội tàu xa bờ ngày càng được đầu tư phát triển với số lượng lớn thì ngược lại, hạ tầng nghề cá càng bị tụt hậu. Ở các tỉnh miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng, hiện nhiều cửa biển bị bồi lắng, tàu vỏ gỗ vào ra đã khó, nay tàu vỏ thép càng khó hơn. Trong số năm cửa biển ở Quảng Bình, chỉ còn duy nhất cửa sông Gianh là tàu vỏ thép còn ra vào, neo đậu được. Tuy nhiên, cảng cá sông Gianh lại quá tải, gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Cầu tàu cảng cá sông Gianh được xây dựng gần 20 năm trước chỉ dùng cho tàu công suất dưới 300CV, nay những con tàu gần 1.000 CV cũng phải vào đây để bán hải sản, cho nên việc cập cảng rất khó khăn. Chỉ cần một chiếc tàu vỏ thép đậu là chiếm gần hết cầu cảng, các tàu khác phải chờ đợi rất mất thời gian. Chính vì lý do này mà gần một nửa trong số 237 tàu xa bờ của xã Ðức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phải "tá túc" ở cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị) hoặc Thọ Quang (Ðà Nẵng)… Chủ tịch UBND xã Ðức Trạch Hồ Ðăng Chiến cho biết, với 237 tàu đánh bắt vùng biển xa, chỉ riêng một chuyến đi phải mua hơn 30 tỷ đồng tiền dầu, chưa kể các khoản chi phí khác. Vì vậy, cửa biển bị bồi lắng, cảng cá tại Quảng Bình quá tải còn là một nguyên nhân dẫn đến thất thu rất lớn trong lĩnh vực hậu cần nghề cá của địa phương.

Trong quá trình sản xuất, các chủ tàu "67" ở Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn khác. Ðối với tàu vỏ thép, do ngư dân chưa có kinh nghiệm thực tiễn, cho nên khi chọn mẫu thiết kế và chủng loại vật tư, vật liệu chủ yếu theo tư vấn thiếu kỹ càng, dẫn đến khi tàu đi vào hoạt động, ngư dân phải mua sắm, thay thế các vật tư, vật liệu cho phù hợp với thực tế đi biển, làm phát sinh chi phí khá lớn, ảnh hưởng khả năng trả nợ của chủ tàu. Ngư dân Nguyễn Văn Dương ở xã Bảo Ninh, TP Ðồng Hới cho biết, để con tàu của mình ra khơi, bảo đảm an toàn và hiệu quả, gia đình phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để thay thế một số bộ phận, thiết bị không phù hợp trên tàu như tăng chiều dài tăng gông, cải tiến hệ thống tời, đầu tư vàng lưới mới dài và sâu hơn. Ngoài ra, nhiều chủ tàu còn đầu tư trang bị thêm các thiết bị hiện đại như máy dò ngang 360 độ với giá trị hơn 1,6 tỷ đồng, lắp thêm tời thủy lực thu lưới... để nâng hiệu quả đánh bắt.

Một khó khăn nữa đối với ngư dân là lâu nay vẫn thiếu vốn lưu động. Ðó là nguồn vốn đầu tư cho phi chí, sinh hoạt đánh bắt của ngư dân từ những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển và thu mua nguyên liệu thủy sản của doanh nghiệp. Có người còn gọi đó là đồng "vốn nóng" vì nó luôn cần và giải quyết kịp thời các nhu cầu bức thiết của ngư dân nhưng họ phải chạy vốn cho từng chuyến đi biển. Theo ngư dân Nguyễn Ngọc Huy ở thành phố Ðồng Hới, chi phí cho chuyến biển đối với tàu vỏ thép gấp rưỡi tàu vỏ gỗ, trong khi ngư dân thiếu vốn lưu động nên đều phải "vay nóng" của các chủ "nậu cá". Ngoài nguồn vốn đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn, ngư dân rất muốn được vay vốn lưu động của ngân hàng nhưng thủ tục quá nhiêu khê làm khó người vay. Thậm chí có ngân hàng không mặn mà lắm với việc cho ngư dân vay khoản vốn này.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình Lê Văn Lợi cho biết, Chính phủ đã cho phép kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014/NÐ-CP đến 31-12-2017, nhưng đến nay các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho nên rất khó thực hiện ở cơ sở. Ðặc biệt, chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 chỉ hỗ trợ trong một năm và hiện đã hết thời gian thực hiện, trong khi hướng dẫn mới chưa có, dẫn đến tình trạng có tàu cá đóng mới hết bảo hiểm theo Nghị định 67 phải chờ hỗ trợ, trong trường hợp này nếu xảy ra rủi ro thì hậu quả rất lớn. Mặt khác, theo Nghị định 67, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn kéo dài từ 11 đến 16 năm trong khi chính sách bảo hiểm chỉ hỗ trợ trong một năm là không phù hợp giữa hai chính sách trong cùng một Nghị định. Ngư dân Nguyễn Ngọc Huy, chủ tàu vỏ thép QB 91784TS ở xã Bảo Ninh kiến nghị, sau một năm được Nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm nay đã hết hạn, mong muốn được hỗ trợ thêm để giảm bớt khó khăn trong thời gian đầu đưa con tàu mới vào sử dụng.

Ðể tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 67, UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền các chủ tàu cá "67" nâng cao hiệu quả sản xuất, chấp hành trả nợ theo cam kết; đồng thời Sở NN-PTNT tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, hộ ngư dân để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn ngư dân thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; đồng thời có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật con tàu theo quy định.

Tin vui đến với ngư dân Quảng Bình là giữa tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp tư nhân Cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (Thái Bình) đã đến địa phương này để xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu sông Gianh, dự kiến số vốn 100 tỷ đồng. Ðây là doanh nghiệp đã thực hiện đóng mới 15 trong số 29 tàu cá vỏ thép cho ngư dân Quảng Bình. Ðến nay, phần lớn số tàu vỏ thép này đã đưa vào khai thác có hiệu quả và trong quá trình vận hành không có sự cố lớn xảy ra.

Nguồn Báo Nhân dân