Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quanh chuyện sách Công nghệ giáo dục bị loại bỏ 

Cập nhật ngày: 18/09/2019 - 13:25

BTN - Thời sự giáo dục trong mấy ngày qua thu hút sự quan tâm đặc biệt lớn của xã hội khi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quyết định loại sách Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới. Có thể nói, trong giáo dục hiện nay không vấn đề nào lại gây nhiều luồng ý kiến trái chiều một cách gay gắt như cuốn sách Công nghệ giáo dục. Hiện tại, khoảng 70% học sinh lớp 1 trong cả nước đang học Sách công nghệ giáo dục, trong đó có hàng chục ngàn học sinh Tây Ninh.

Sách Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên.

Thời sự giáo dục trong mấy ngày qua thu hút sự quan tâm đặc biệt lớn của xã hội khi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quyết định loại sách Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới. Có thể nói, trong giáo dục hiện nay không vấn đề nào lại gây nhiều luồng ý kiến trái chiều một cách gay gắt như cuốn sách Công nghệ giáo dục. Hiện tại, khoảng 70% học sinh lớp 1 trong cả nước đang học Sách công nghệ giáo dục, trong đó có hàng chục ngàn học sinh Tây Ninh.

SÁCH GIÁO KHOA PHẢI THEO CHƯƠNG TRÌNH

Thông tin trên các phương tiện truyền thông cho biết, toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng thẩm định sách đã loại tài liệu Công nghệ giáo dục ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ triển khai từ năm học 2020 - 2021. Việc thẩm định, đánh giá các loại sách do các tác giả viết nộp về cho Hội đồng được chia làm ba mức độ: đạt, đạt nhưng cần sửa chữa và không đạt. Tài liệu Công nghệ giáo dục bị đánh giá là không đạt.

Theo ý kiến của các thành viên Hội đồng, tài liệu Công nghệ giáo dục có hàng trăm chi tiết, nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung. Một số thành viên có vai trò quan trọng trong Hội đồng nhận định tài liệu Công nghệ giáo dục còn nhiều kiến thức hàn lâm, nhiều nội dung trong sách vượt yêu cầu so với chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, để được “lọt vào vòng trong”, tác giả- Giáo sư Hồ Ngọc Đại buộc phải viết lại tài liệu này để có thể in thành sách.

Phát biểu với báo giới, thành viên Hội đồng thẩm định khẳng định, sách giáo khoa phải theo chương trình, vì thế, nếu thông qua tài liệu (quen gọi là sách) của GS Hồ Ngọc Đại thì phải sửa chương trình, điều này là không thể.

Sau khi thông tin tài liệu Công nghệ giáo dục (từ đây gọi là sách cho dễ hiểu) bị loại ngay từ “vòng đấu bảng”, trên các diễn đàn cả báo chính thống lẫn mạng xã hội một lần nữa lại xảy ra sự tranh cãi gay gắt. Có thể tạm chia thành hai luồng ý kiến, gồm một bên ủng hộ cuốn sách Công nghệ giáo dục, bên còn lại “cực lực phản đối”. Theo dõi thông tin, có thể rút ra vài điều, không phải tất cả các ý kiến đồng tình hay phản đối cuốn sách đều không có căn cứ.

Nhưng cũng có một thực tế khác, rất nhiều ý kiến cảm tính, nói theo phong trào. Xin được nói luôn, vào đúng thời điểm này năm ngoái, xuất phát từ một đoạn video clip không đầu không cuối về cách phát âm một số chữ cái trong sách Công nghệ giáo dục, cả báo chí và mạng xã hội đã “sục sôi” suốt cả tháng trời.  Đến thời điểm này, mặc dù chưa có quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT nhưng với  kết quả biểu quyết của Hội đồng thẩm định, xác suất để sách Công nghệ giáo dục tiếp tục được sử dụng trong năm học tới là rất thấp.

NÓI SÁCH KHÓ, SAO HỌC SINH LẠI TIẾP THU TỐT?

Trao đổi với báo chí tỉnh nhà, một vị phó trưởng phòng giáo dục phụ trách chuyên môn (đề nghị không nêu danh tính) nhận định, sách Công nghệ giáo dục không phải không có những hạn chế nhưng nhìn tổng thể, cuốn sách này có nhiều ưu điểm hơn so với sách giáo khoa chính thống. Gần 40 năm làm công tác chuyên môn, vị phó trưởng phòng khẳng định, sách Công nghệ giáo dục được viết theo một cách khác với sách giáo khoa chính thống.

Do đó, giáo viên buộc phải “đổi mới phương pháp” để dạy theo sách. Kết quả thu nhận được cho thấy, các kỹ năng đọc, viết của học sinh lớp 1 học sách Công nghệ giáo dục tốt hơn bạn bè học sách giáo khoa chính thống. Vị này cho biết thêm, khi học sách Công nghệ giáo dục, học sinh lớp 1 chỉ gặp khó khăn trong tám tuần lễ đầu tiên của năm học, còn sau đó các kết quả nhận được rất tốt.

 

“Hai người con và nay là cháu nội tôi cũng đã và đang học sách Công nghệ giáo dục. Tôi không hiểu tại sao người ta cứ kêu ca rằng, học sách này phụ huynh không dạy được cho con. Phụ huynh dạy được, dạy tốt thì cần gì nhà trường, cần gì giáo viên. Lao động nhà giáo là lao động qua đào tạo và có tính chuyên môn cao”- vị cán bộ phát biểu.

“Sách Công nghệ giáo dục đã tồn tại được trên dưới 40 năm. Ngày xưa, Công nghệ giáo dục góp phần chống tái mù chữ rất hiệu quả của Bộ Giáo dục. Do vậy, Hội đồng thẩm định cho rằng nội dung, kiến thức trong sách quá khó là không đúng”- ông Cao Đức Hoà, nguyên Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông Tây Ninh, một trong những ngôi trường đầu tiên trong cả nước áp dụng Công nghệ giáo dục, phát biểu.

Ông Cao Đức Hoà bình luận, có một điều cần lưu ý, đó là chương trình mới của Bộ GD-ĐT chưa được áp dụng trong thực tế, trong khi đó sách Công nghệ giáo dục đã có trên 40 năm và đã được nghiệm thu. “Năm 1990, tôi được tham gia Hội đồng nghiệm thu sách Công nghệ giáo dục do Thứ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là Lê Ngọc Toản làm chủ tịch Hội đồng. Trước khi tổ chức nghiệm thu, thành viên tham gia Hội đồng xuống các địa phương dự giờ, thăm lớp, cho học sinh đọc, đánh giá xem học sinh đọc được bao nhiêu tiếng trong thời gian một phút.

Sau đó, đem kết quả thu được so sánh với những học sinh ở trường phổ thông đại trà. Trên cơ sở phân tích, đối chiếu kết quả đó, người ta mới tổ chức nghiệm thu. Còn chương trình mới, theo tôi biết chưa làm được điều đó”- ông Cao Đức Hòa nói. Vẫn theo ông Hòa, thực tiễn, kết quả triển khai trong thực tế là sức sống của một chương trình giáo dục. Nếu chỉ dựa vào lý thuyết để đánh giá, sau này chương trình mới kém hiệu quả, ai sẽ gánh trách nhiệm? “Giáo viên dạy được, học sinh tiếp thu tốt, cả nước có khoảng một triệu rưỡi học sinh lớp 1 thì số lượng học sinh theo học sách Công nghệ giáo dục đã đạt con số gần một triệu. Vậy tại sao không đưa những chỉ số, con số nêu trên này vào tiêu chí để đánh giá”- ông Hoà đặt vấn đề.

Nguyên lãnh đạo Trường thực nghiệm giáo dục phổ thông Tây Ninh lo ngại rằng, các tiêu chí mà Hội đồng thẩm định dùng để đánh giá sách giáo khoa phần lớn là lý thuyết, chưa được thực tế kiểm chứng hoặc kiểm chứng không đầy đủ. “Nếu nói rằng sách Công nghệ giáo dục khó, tôi cho là không thuyết phục, vì học sinh vùng sâu vùng xa, vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số học được thì không thể nói rằng kiến thức trong sách khó. Nếu nói nội dung sách khó thì khó điểm nào, bài nào, phải chỉ ra chứ không nên khái quát. Điều quan trọng là phải đo nghiệm, so sánh với các chương trình khác rồi mới kết luận được”- ông Cao Đức Hoà phát biểu.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

“TÔI KHÔNG… BẤT NGỜ”

Chiều 16.9, trao đổi qua điện thoại, GS Hồ Ngọc Đại nói, ông không bất ngờ khi toàn bộ thành viên Hội đồng thẩm định loại cuốn sách của ông ngay từ đầu. “Họ có đường lối của họ, tôi có đường lối của tôi, phương pháp dạy học của tôi, chính vì điều đó nên tôi không hề bất ngờ với kết quả bỏ phiếu”- GS Hồ Ngọc Đại nói.

Cụ thể hơn, GS Hồ Ngọc Đại phân tích, đường lối, nội dung, phương pháp dạy học của chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo tư duy kinh nghiệm, cổ truyền. Trong khi đó, “đường lối” do ông xây dựng được thể hiện trong sách Công nghệ giáo dục là “đường lối có nghiệp vụ sư phạm hiện đại”. 

PV: Nhiều ý kiến nhận định, nội dung trong sách Công nghệ giáo dục, cả Tiếng Việt và Toán hơi khó, Giáo sư giải thích điều này như thế nào? 

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi nói thật thế này, sách của tôi chỉ khó với người lớn, còn hiểu theo tâm lý lứa tuổi, nói nôm na theo cách của trẻ em thì rất đơn giản, không khó. Nhiều người trong ngành giáo dục không phân biệt đâu là vật liệu, đâu là chất liệu trong quá trình dạy học cũng như thành quả của giáo dục. Phương pháp dạy học của Công nghệ giáo dục là thông qua vật liệu để cho ra chất liệu- tức học sinh tiếp thu và làm chủ kiến thức, thế thôi! 

PV: Hội đồng thẩm định có nói, sách Công nghệ giáo dục vẫn còn cơ hội, nếu tác giả sửa chữa, bổ sung, GS có ý định “biên tập” lại cuốn sách không?

GS. Hồ Ngọc Đại: Họ nói với báo chí chứ có nói với tôi đâu. Cuốn sách đã hoàn thiện rồi, còn có tiếp tục được sử dụng hay không, đó là việc của Đảng và Nhà nước. Phần tôi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi”. 

PV: Với quyết định của Hội đồng thẩm định, sách Công nghệ giáo dục gần như không còn trong hệ thống nhà trường, bắt đầu từ năm học 2020-2021, theo Giáo sư, công trình để đời của mình có tồn tại được không? 

GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, sách của tôi sẽ tồn tại lâu dài, dứt khoát phải tồn tại… Lịch sử sẽ bảo vệ cuốn sách này.

VIỆT ĐÔNG