BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp 

Cập nhật ngày: 16/11/2017 - 22:35

BTNO - Hôm 15.11, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp.

Đại biểu bấm nút thông qua Luật Lâm nghiệp- Ảnh quochoi.vn

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp với 447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 91,04% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 431 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội; 16 đại biểu không tán thành, chiếm 3,26%.

Luật gồm 12 chương, 108 Điều, tăng 11 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; chế biến thương mại, lâm sản; quyền và nghĩa vụ cùa chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành.

Tiếp theo, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận, có 23 đại biểu phát biểu và 1 đại biểu tranh luận.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, Luật Cạnh tranh hiện hành vẫn nặng về quản lý cạnh tranh, vì thế chưa đóng tốt vai trò tạo hành lang pháp lý cho việc khuyến khích và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đại biểu chỉ ra nhiều điểm căn bản nhất của Luật Cạnh tranh hiện hành, trong đó cần tập trung vào việc Luật Cạnh tranh phải đảm bảo tôn trọng quyền cạnh tranh theo tinh thần Điều 52 Hiến pháp 2013, bởi cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích đặc biệt cho người tiêu dùng và xã hội, nhà cung cấp phải tìm mọi cách đáp ứng sự tín nhiệm của xã hội và người tiêu dùng.

Đại biểu nhấn mạnh, để bảo đảm tự do và phát triển cạnh tranh phải chống độc quyền. Đồng thời, vấn đề cạnh tranh và hợp tác luôn đi cùng với nhau, thậm chí trong nhiều trường hợp còn hỗ trợ nhau để phát triển, vì vậy luật cũng cần nên điều chỉnh vấn đề này, không nên chỉ tạo điều kiện cho cạnh tranh mà lại hạn chế quan hệ về hợp tác.

Đại biểu Trần Đăng Ninh (Hoà Bình) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát lại các quy định để đảm bảo thống nhất giữa Luật Cạnh tranh và Luật Phá sản.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam tại Điều 1. Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cũng cho rằng dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn mở rộng cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam là cách tiếp cận mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Về công tác quản lý nhà nước, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cũng lo ngại về tính khả thi của hệ thống quản lý nhà nước về cạnh tranh, bởi theo quy định của luật hiện hành, hệ thống quản lý cạnh tranh của nước ta hiện nay gồm 2 hệ thống cơ quan là Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương và Hội đồng Cạnh tranh, trong đó Cục là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và phòng vệ thương mại.

Còn Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan phối hợp liên ngành tập hợp 11 thành viên là đại diện cho 11 bộ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương. Đại biểu cho rằng, tổ chức như vậy thì cơ quan quản lý cạnh tranh không đảm bảo được vai trò độc lập. Mặt khác, Cục Quản lý cạnh tranh lại thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên cả 3 lĩnh vực, dẫn đến quá tải cho cơ quan này.

Về việc áp dụng luật này và các luật khác có liên quan, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, để đảm bảo tính nhất quán trong nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì cần tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp xác định có các quy định trong luật hiện hành trái với quy định của luật này thì cần quy định rõ việc sửa đổi, bãi bỏ các quy định đó ngay trong luật này.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, Luật Cạnh tranh quy định về thủ tục hưởng miễn trừ chưa rõ ràng nên doanh nghiệp ở nước ngoài vận dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh, mặc dù chính họ đang bị tố chèn ép doanh nghiệp Việt vi phạm Luật Cạnh tranh.

Như vậy quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã không thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Do vậy, đại biểu đề nghị, bên cạnh các trường hợp miễn trừ theo vụ việc, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cần có những bổ sung miễn trừ theo ngành, điều đó cho phép cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết cạnh tranh.

Riêng đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù như văn hóa, điện ảnh và một số ngành nhạy cảm thì đây là những ngành cần có sự hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và ảnh hưởng của ngoại lai, mang lại hiệu quả kinh tế thực chất cho đất nước…

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Trong quá trình thảo luận, có 22 đại biểu phát biểu, tập trung vào một số nội dung sau: phạm vi sửa đổi, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật; chính sách phát triển thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao; quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường gắn với giáo dục toàn diện; đặt cược thể thao; kinh doanh hoạt động thể thao; nguồn lực phát triển thể dục, thể thao;…

Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Kim Chi