BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh 

Cập nhật ngày: 31/05/2019 - 08:19

Ngày 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Nhìn về bức tranh kinh tế, ngân sách năm 2018, các đại biểu cho rằng đây là bức tranh đẹp, toàn diện. 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 30/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chính phủ đã thẳng thắn khi nhận định mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững; tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Đề cập đến khía cạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn nữa về vấn đề này, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức cá nhân; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan. Năm 2019, giảm ít nhất 50% mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

Về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu ghi nhận trong những năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đề nghị, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch; đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện việc cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.

Vấn đề tình hình an ninh trật tự được nhiều đại biểu quan tâm phân tích, ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết quả đã đạt được. Để từng bước tạo sự chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự xã hội trên từng địa bàn, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Công an tập trung nắm, phân tích, dự báo sát tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hiện điều tra, xử lý tội phạm, mở các đợt cao điểm công tác truy quét tội phạm với mục tiêu kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới giáo dục - đào tạo, xoay quanh một số nội dung chính như: gian lận thi cử: nâng cao chất lượng giáo dục: vấn đề đạo đức nhà giáo: mối quan hệ giữa thầy - trò trong nhà trường…và cho rằng giáo dục - đào tạo cần thể hiện rõ hơn vai trò “là quốc sách hàng đầu”. Nhà trường, gia đình, xã hội phải phối kết hợp chặt chẽ nhằm củng cố mối quan hệ thầy - trò vốn dĩ vô cùng đẹp đẽ, cao quý.

Phản ánh những bức xúc của cử tri trong vấn đề gian lận thi cử, các đại biểu cho ý kiến, cần xem xét lại phương pháp coi thi, chấm thi… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn thẳng vào sự thật; đánh giá đúng, đánh giá trúng, thực chất những tồn tại của ngành giáo dục để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Nêu thực trạng mỗi năm các tỉnh đều có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thiếu việc làm, chưa tính sinh viên cử tuyển, các đại biểu nhấn mạnh, cần có những nhìn nhận, đánh giá, dự báo khoa học, trách nhiệm, nếu không sẽ gây ra lãng phí lớn cho xã hội và gia đình, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh và ngăn chặn nhằm tránh lãng phí, dàn trải nguồn lực của gia đình, địa phương và quốc gia. 

Liên quan đến chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, cải cách bộ máy, tiết kiệm ngân sách để đầu tư phát triển là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, nhằm giảm đầu mối, tinh giảm biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Bộ Nội vụ và các cơ quan kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, sao cho việc sắp xếp lại phải căn bản, cách làm phù hợp, cần đặc biệt quan tâm các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện địa lý của cộng đồng. 

Đề cập đến vấn đề tăng giá điện và theo đó là những băn khoăn về việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019 mà Quốc hội đề ra, nhiều đại biểu mong muốn Chính phủ đánh giá cụ thể hơn và có dự báo trong thời gian tới việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, vì tăng giá điện, giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, và đương nhiên, chi phí này kết tinh vào giá thành sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm.

Việc này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giảm sức mua của người dân. Các đại biểu kiến nghị các giải pháp để kiềm chế lạm phát, theo đó, các hoạt động thương mại phải tăng, giảm theo kinh tế thị trường, chủ động đảm bảo cân đối cung, cầu nhằm ổn định giá cả thị trường, điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.

Nguồn TTXVN