BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi): Tránh “cò kè” thêm bớt với người dân 

Cập nhật ngày: 01/06/2017 - 08:32

BTNO - Ngày 31.5, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV. Tại hội trường, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV- ảnh TTXVN

Đã có 26 vị đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn một số nội dung về nguyên tắc bồi thường của nhà nước tại Khoản 2, Điều 4 quy định nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường, đồng thời việc bồi thường nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó.

Đại biểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan cò kè thêm bớt với người dân, cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra.

Đại biểu đề nghị cần có quy định cũng như giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lượng trong quá trình bồi thường để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và công dân.

Về trách nhiệm cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được dự thảo nêu ở Điều 34, 35, 36 trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng với nguyên tắc chung, cơ quan ra quyết định gây oan sai cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Qua thực tiễn, đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa thực sự tháo gỡ được một trong những hạn chế, vướng mắc của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước hiện nay, bởi trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những điểm rơi khó xác định một cách rõ ràng, rành mạch, cơ quan nào là cơ quan làm trái quy định gây oan sai sau cùng, chưa kể việc các cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của mình, của ngành nên đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho ngành khác.

Cách làm như Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước hiện nay đang dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm khi thi hành công vụ dẫn đến thận trọng quá mức, giữ mình an toàn trong khi thi hành công vụ, nhất là trong công tác điều tra truy tố, xét xử theo Luật tố tụng hiện hành có thể ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng ,chống tội phạm, làm giảm tính chiến đấu và tính thực thi pháp luật, bảo vệ công lý của cán bộ ngành Tư pháp…

Về cơ quan giải quyết bồi thường, tại Điều 33 đến Điều 44, đại biểu đề nghị nên giao cho Viện Kiểm sát làm đầu mối thay mặt nhà nước giải quyết bồi thường.

Về xác định trách nhiệm liên đới phải bồi hoàn trong trường hợp có nhiều công chức thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra oan sai, quy định tại các Điều 15, 40 và 65. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng dự thảo vẫn dừng ở quy định mang tính nguyên tắc theo hướng trong trường hợp có nhiều công chức thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra oan thì các công chức này cùng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi hoàn, quy định chung như vậy rất khó trong thực tiễn, vì đối với một vụ án hình sự, xác định như thế nào gọi là có nhiều công chức của nhiều cơ quan cùng gây ra oan sai.

Thay vì quy định mang tính nguyên tắc như dự thảo, đại biểu đề nghị quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố kết luận điều tra có tội truy tố bị cáo ra tòa xét xử tuyên người đó có tội, mà sau này được xác định là oan thì tất cả những người này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước.

Về đối tượng được bồi thường tại Điều 2 "Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định tại luật này", có ý kiến đại biểu cho rằng quy định như dự thảo là chưa đầy đủ.

Đề nghị bổ sung thêm đối tượng người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, có văn bản yêu cầu bồi thường, hoặc tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại có văn bản yêu cầu bồi thường để quy định về đối tượng được bồi thường đầy đủ và chặt chẽ. 

Về cách tính thiệt hại tại Điều 24 và Điều 27: tại Điều 24, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, cách tính thiệt hại ở đây căn cứ theo ngày lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chi trong 26 ngày; còn cách tính thiệt hại về tinh thần tại Điều 27 lại căn cứ vào ngày lương cơ sở, được xác định là một tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vì sao có sự khác biệt này và cũng cần nghiên cứu quy định làm sao đảm bảo tính thống nhất trong dự án luật.

Về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết, tại Điều 71 dự án luật quy định: "Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết, quyết định hoàn trả, chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết".

Đại biểu cho rằng, có thể hiểu nghĩa vụ hoàn trả không được chuyển giao cho người thừa kế nếu người chết có di sản để lại, thừa kế. Quy định này dẫn đến việc kinh phí bồi thường từ ngân sách nhà nước không được bồi thường, không được thu hồi và hoàn trả toàn bộ, đồng thời hạn chế tính răn đe của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định, nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại chết mà có tài sản để lại thừa kế, thì người thừa kế tài sản phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoàn trả do người chết để lại trong phạm vi di sản được nhận, trừ những trường hợp người thừa kế di sản của người thi hành công vụ từ chối không nhận di sản, như vậy sẽ đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả được thực hiện một cách nghiêm minh, tạo tính răn đe của pháp luật đối với các hành vi vi phạm của người thực thi công vụ…

Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Các đại biểu nhận định, so với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào chương trình đã có nhiều cải tiến theo hướng thực chất hơn; đại biểu cũng đồng tình với các nguyên tắc điều chỉnh chương trình năm 2017 và lập chương trình năm 2018.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, tuy Quốc hội đã đề ra nhiều nguyên tắc, nhưng chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc gửi tài liệu của nhiều dự án vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định…

Đại biểu đnghị lấy ý kiến Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 4, vì thực tế hiện nay, tội phạm luôn tìm cách lợi dụng mạng công nghệ thông tin để tuyên truyền, kích động làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

Hôm nay (1.6), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); thảo luận ở Tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Kim Chi