Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyến luyến chợ phiên Cán Cấu miền sơn cước Lào Cai 

Cập nhật ngày: 08/11/2017 - 08:50

Chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai, Bắc Hà) giản dị, hồn hậu, chẳng có nhiều mặt hàng nhưng lại để lại trong lòng du khách ghé qua nhiều quyến luyến.

Chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai, Bắc Hà, Lào Cai) tuần nào cũng họp vào Chủ nhật, từ lúc mặt trời chưa tỉnh giấc cho đến khi cao quá ngọn cây. Phiên chợ giản dị, hồn hậu, chẳng có nhiều mặt hàng nhưng lại để lại trong lòng du khách ghé qua nhiều quyến luyến. Quyến luyến bởi không khí náo nhiệt chẳng khác gì ngày lễ hội, quyến luyến bởi hương rượu say nồng, và quyến luyến cả những nụ cười sơn cước tươi vui.

Chợ Cán Cấu được họp trên một khu đất rộng, bốn bề là rừng núi xanh mướt tỏa nắng trong veo. Không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi những sản vật của địa phương, chợ Cán Cấu còn nổi tiếng là phiên chợ trâu lớn nhất miền Bắc.

Chợ trâu cách chợ hàng hóa vài trăm mét, có cả sới chọi trâu giành cho những ngày lễ hội hoặc sự kiện lớn của địa phương. Nói chợ trâu lớn nhất miền Bắc quả không ngoa, vào ngày họp chợ nơi đây tập trung cả trăm con trâu từ khắp nơi đưa về. Ở xa, trâu được chở đến bằng xe tải, ở gần thì người ta dắt trâu từng con, từng đàn đi từ trong đêm.

Vì số lượng xe, số trâu và khách tham gia chợ phiên quá đông nên con đường dẫn đến chợ Cán Cấu hay bị tắc. Người và xe có khi phải chờ hàng giờ đồng hồ cho trâu, bò, gia súc qua. Thế nhưng con người vùng cao vốn hiền hòa là thế, chẳng ai vì chờ đợi đôi chút mà thấy sốt ruột, họ vui vẻ chờ đợi và tranh thủ tận hưởng không khí náo nhiệt. Cả tuần quen với không khí trầm lắng của núi rừng, cuối tuần mới có một ngày đông vui như thế, có gì là khó chịu đâu!

Chợ hàng hóa cách chợ trâu không xa. Vào ngày chợ phiên, khu chợ hội tụ đủ màu sắc rực rỡ của váy áo thổ cẩm, dập dìu như đàn bướm trong ngày xuân. Khắp các con đường dẫn đến chợ, từng tốp, từng tốp người dẫn nhau đi, bọn trẻ con lăng xăng chạy đằng trước, người lớn địu con, gùi hàng hóa, đi qua mấy quả đồi, ngọn núi mà dường như chẳng thấy mệt, họ vừa đi vừa nói chuyện, vui cười râm ran.

Đến chợ, người lớn bày ra bán những sản vật là công sức của cả tuần lao động: nào những mớ rau tươi rói, mớ ớt sấy khô, nào các loại thảo dược lấy từ núi cao, nào củ quả tươi sạch, nào đàn chó con vừa mở mắt, con gà rừng vừa bẫy được hôm qua… Bọn trẻ con thì tíu tít theo bạn bè đi ăn quà. Các cô gái sà vào gian hàng bán váy áo thổ cẩm. Những cặp đôi bẽn lẽn dắt nhau đi ngắm chợ, tâm tình cho thỏa một tuần nhung nhớ…

Chợ sôi động suốt từ sáng sớm đến chiều, người mua kẻ bán tấp nập, người đến chơi, tham quan du lịch cũng rất đông. Quá trưa, “phố ẩm thực” bên trong chợ rất đông thực khách. Nhiều quán ăn nhưng hầu hết chỉ bán mấy món chính là thắng cố, rượu và phở. Bát thắng cố ngựa nghi ngút khói đựng trong từng bát lớn, món phở được làm từ gạo đặc sản vùng cao phơn phớt hồng cùng bát rượu thơm nồng đôi khi là lí do chính để người ta xuống chợ.

Ăn no, rượu say, chơi đủ, từng tốp người lại rủ nhau về núi. Dù có bán được hàng hay không thì họ cũng vui vẻ vì mục đích xuống chợ là để đi chơi chứ đâu phải chỉ để kiếm tiền. Có lẽ chỉ đi chợ vùng cao người ta mới cởi bỏ được những bon chen toan tính, để thả sức say, quên đi hết những ưu phiền thường nhật. Vui tươi là thế, thanh thản là thế, có ai đi Cán Cấu mà không quyến luyến đôi phần?

Nguồn Báo mới