BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyết liệt khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh 

Cập nhật ngày: 12/07/2018 - 16:23

BTN - Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016- 2025. Kết quả cho thấy, tỉnh Tây Ninh đã nỗ lực quyết liệt khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) theo đúng mục tiêu đề ra.

Do ảnh hưởng phong tục tập quán, vẫn còn nhiều người dân có tâm lý ưa thích con trai, dẫn đến trọng nam khinh nữ.

UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt Ðề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2017- 2020 để triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

Các ngành chức năng của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kịp thời ngân sách thực hiện đề án trong năm 2017; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng hệ thống đặc thù và trong nhân dân về Dân số - SKSS, bình đẳng giới trong việc thực hiện kiểm soát MCBGTKS; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có nội dung vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi; đưa nội dung thực hiện chính sách DS, SKSS/ KHHGÐ và thực hiện kiểm soát MCBGTKS vào quy ước khu dân cư, ấp, khu phố; đưa nội dung chương trình giáo dục về DS, SKSS, giới tính, bình đẳng giới và MCBGTKS vào giảng dạy cho học sinh THCS, THPT và trường dạy nghề.

Chính quyền địa phương đã cụ thể hoá, đưa các chỉ tiêu của Ðề án vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tại mỗi địa phương. Năm 2016, TSGTKS của tỉnh Tây Ninh là 112,27 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái.

Năm 2017, tỷ số này là 111,96 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái, đạt 0,31 điểm phần trăm. Như vậy, năm 2017 đã thực hiện đạt mục tiêu kéo giảm tốc độ tăng TSGTKS xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/ năm.

Bằng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ năm 2017 hơn 600 triệu đồng, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai các hoạt động cụ thể như: tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên tập, nhân bản và cung cấp sổ tay thực hiện Ðề án cho cán bộ tuyến cơ sở;  thiết kế và cung cấp hai loại hồ sơ Cam kết thực hiện pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh đối với cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá phẩm; Lắp đặt mới và sửa chữa pa nô tuyên truyền thông điệp, hình ảnh về giảm thiểu MCBGTKS tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; cử công chức tham dự lớp nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành DS - KHHGÐ do Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tham dự tập huấn, cung cấp các nội dung về MCBGTKS trên cơ sở giới do Tổng cục Dân số - KHHGÐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc và Liên Minh Châu Âu tổ chức...

Bên cạnh đó, ngành chức năng còn thực hiện giám sát việc triển khai các hoạt động của Ðề án tại tất cả các địa phương;  tổ chức tặng học bổng cho 192 học sinh, sinh viên nữ đạt loại giỏi năm học 2016 - 2017 trong các gia đình sinh 2 con một bề là gái...

Dù đạt được những kết quả tích cực trong việc khống chế tốc độ gia tăng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng MCBGTKS là do ảnh hưởng tập tục truyền thống  nên người dân có tâm lý ưa thích con trai để nối dõi tông đường, làm trụ cột lao động chính trong gia đình, dẫn đến trọng nam khinh nữ.

Việc thực hiện bình đẳng trong cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ vẫn còn những bất cập. Hệ thống an sinh - xã hội cho người cao tuổi vẫn chưa phát triển nhất là ở vùng nông thôn làm cho những cặp vợ chồng mong muốn có con trai để nương tựa khi về già.

Việc lạm dụng dịch vụ siêu âm để xác định giới tính thai nhi và  phá thai để lựa chọn giới tính ngày một diễn biến phức tạp. Nếu như không có giải pháp kịp thời thì sự lạm dụng siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai để lựa chọn giới tính khi sinh sẽ là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm MCBGTKS.

Nhận thức của người dân chưa đầy đủ về hậu quả của tình trạng MCBGTKS. Việc truyền bá những phương pháp tạo giới tính theo kinh nghiệm dân gian vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, tình hình thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi; xác định giới tính thai nhi và loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính khi sinh; các văn bản quy định chuyên ngành về các dịch vụ kỹ thuật y - sinh có liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh còn hạn chế, đặc biệt là việc quản lý dịch vụ siêu âm và phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân.

Công tác Dân số - KHHGÐ luôn được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm đầu tư về chính sách, nguồn lực để giảm tỷ suất sinh, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên… Tuy nhiên, vấn đề MCBGTKS mới phát sinh trong vài năm gần đây nên những hoạt động can thiệp nhằm khống chế hiện tượng này chưa được chú trọng về nguồn lực.

Hoạt động truyền thông chỉ quan tâm nhiều đến quy mô dân số, giảm tỷ suất sinh mà chưa đầu tư cho truyền thông nâng cao chất lượng dân số, cụ thể là thay đổi nhận thức, hành vi về lựa chọn giới tính khi sinh.

Ðể thực hiện mục tiêu giảm tốc độ tăng TSGTKS xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, đạt dưới mức 115 vào năm 2020, ngay từ đầu năm 2018, các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí Chương trình mục tiêu y tế - dân số do Trung ương phân bổ và nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ thực hiện đề án.

Ðồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục đến các nhóm đối tượng; tăng cường tuyên truyền các hoạt động của Ðề án trên hệ thống các cơ quan truyền thông đại chúng; tổ chức chiến dịch, sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, không phân biệt con gái, con trai, không lựa chọn giới tính thai nhi tại các địa phương trong tỉnh.

Ðưa nội dung nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi vào các quy định, quy ước của địa phương; tổ chức cho các địa phương hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá phẩm và cơ sở y tế thực hiện ký cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Lồng ghép các nội dung về MCBGTKS vào chương trình giảng dạy; tổ chức chương trình sinh hoạt ngoại khoá giáo dục về DS, SKSS, giới tính, bình đẳng giới và MCBGTKS cho học sinh THCS, THPT và các trường dạy nghề trong tỉnh. Thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức tặng học bổng cho trẻ em gái đạt loại giỏi năm học 2017 - 2018 trong các gia đình sinh 2 con một bề là gái.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Tổng cục Dân số- KHHGÐ và Bộ Y tế xây dựng và thử nghiệm các mô hình truyền thông mới, biên soạn sản phẩm truyền thông mẫu về MCBGTKS để triển khai thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến việc giảm thiểu MCBGTKS.

TRÚC HUỲNH


  • Trực tiếp tiengruoi TV chất lượng cao