BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài dự thi phóng sự, ký sự:

Rác - chuyện không nhỏ
Kỳ 2: Tìm hướng giải quyết 

Cập nhật ngày: 26/06/2017 - 06:00

BTN - Ở Tây Ninh hiện nay, rác thải sinh hoạt do Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh (gọi tắt là Cty đô thị Tây Ninh) chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển đi xử lý. Nhưng vì nguồn ngân sách chi cho việc xử lý rác thải sinh hoạt các địa phương chưa tương xứng với công việc nên có lúc, có nơi gom rác không xuể. Trong khi đó, ở một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, rác thải sinh hoạt là thứ “đẻ” ra tiền…

Thu gom rác ở chợ Phước Trạch, huyện Gò Dầu.

NỗI KHỔ CỦA ĐƠN VỊ CHỨC NĂNG

Để tìm hiểu “ngọn ngành, ngóc ngách” việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chúng tôi đã chuyện trò với ông Dương Thái Bình, Giám đốc Cty đô thị Tây Ninh về vấn đề này. Ông Bình cho biết, trước đây, Cty đô thị Tây Ninh là đơn vị doanh nghiệp Nhà nước, hằng năm được cấp bù kinh phí hoạt động. Từ năm 2001 đến nay, chuyển sang công ty cổ phần, là đơn vị kinh doanh.

Hằng năm, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT) các huyện, TP Tây Ninh ký hợp đồng với công ty về việc thu gom rác. Sau khi thu gom, công ty vận chuyển rác đến bãi rác Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho đơn vị khác xử lý.

Quy trình hoạt động chung là vậy. Tuy nhiên, do ngân sách của tỉnh dành cho việc xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn hẹp, nên các Phòng KTHT huyện, thành phố trong tỉnh ký hợp đồng thu gom rác với công ty cũng có giới hạn, chứ không phải thu gom toàn bộ địa phương trên địa bàn của tỉnh.

Vì vậy, có nhiều tuyến đường, Phòng KTHT huyện, thành phố ký hợp đồng với Cty đô thị Tây Ninh thu gom rác không suốt tuyến mà chỉ một đoạn. Trong khi đó, có nhiều tuyến đường, nhân viên của công ty phải “gồng mình” thu gom luôn mà không hề được ký hợp đồng. Như ở huyện Dương Minh Châu, có 12- 13 tuyến đường, nhưng công ty chỉ được hợp đồng thu gom rác trên 6- 7 tuyến đường.

Bên cạnh đó, có nhiều người dân không đăng ký thu gom rác mà đem rác đến những nơi đất trống quăng xuống. Đó là loại “rác lộ thiên” mà công ty cũng phải bỏ công bỏ sức thu gom.

Ví dụ như hai bên quốc lộ 22B đoạn ngã ba Giang Tân (huyện Hoà Thành), không có hợp đồng thu gom rác, nhưng hằng ngày, xe chuyên dụng của công ty đi trên đoạn đường “cửa ngõ tỉnh, huyện” này, nhìn thấy rác rưởi bừa bãi rất khó chịu nên nhân viên thu gom luôn. Ông Bình nêu: “Chỉ tính riêng ở thành phố Tây Ninh, năm nay, công ty phải bù lỗ khoảng 1,3 tỷ đồng chi phí thu gom rác”.

Ông Bình cho biết thêm, Cty đô thị Tây Ninh hiện có 8 xe vận chuyển rác chuyên dụng và khoảng 200 nhân viên chuyên phụ trách việc quét rác, thu gom rác, dư sức đảm nhận công tác thu gom, xử lý rác trên toàn địa bàn tỉnh. Và nếu cần thiết, công ty sẵn sàng mua sắm thêm nhiều phương tiện, hợp đồng thêm nhân lực để đảm trách việc này. “Nếu được các Phòng KTHT hợp đồng đầy đủ, công ty sẽ thu gom hết rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh” - Giám đốc Cty đô thị Tây Ninh khẳng định.

Cũng theo ông Bình, để thu gom, vận chuyển rác có kết quả tốt nhất, thời gian qua, công ty đã đi học tập kinh nghiệm về cách thức thu gom, xử lý rác ở Singapore- nước được mệnh danh là sạch sẽ nhất thế giới- nhưng đem về Tây Ninh không áp dụng được.

Ông kể: “Ở Singapore, toàn bộ quá trình thu gom, xử lý rác đều diễn ra ban đêm. Sáng ra cả thành phố sạch trơn. Nhưng mô hình này đem về áp dụng ở tỉnh ta thì không được, vì ban đêm đi thu gom rác, nhất là trong các đường hẻm, chó sủa om sòm, người dân lại phản ứng. Do vậy, ở Tây Ninh, nhân viên đi lấy rác vào lúc 19- 20 giờ”.

Việc thu gom, vận chuyển rác trên các trục đường chính của TP Tây Ninh cũng được tăng cường hơn. Trước đây, mỗi ngày xe chuyên dùng đi lấy rác một lần, còn hiện nay, công ty cho xe đảo liên tục, cứ thấy rác để bên đường là thu gom.

Việc thu gom rác ở các chợ cũng có bước cải tiến. Như ở chợ phường 3 (chợ Đất Thánh), buổi tối, Ban quản lý chợ thu gom rác rồi tập kết ra một điểm gần đường, sau đó gọi điện thoại thông báo cho xe chuyên dùng đến lấy rác chở đi, chứ không để ùn ứ lâu, gây hôi thối cho những hộ dân xung quanh.

Chợ phường Hiệp Ninh cũng thống nhất phương án thu gom, vận chuyển như thế, nhưng do trong chợ không có điểm tập kết rác, nên Ban quản lý đem để ngoài đường, trong thời gian ngắn nhất, xe chuyên dùng của công ty cũng đến chở rác đi. “Riêng về tình hình tập kết rác ở hẻm số 18, đường Nguyễn Văn Rốp, phường IV, công ty sẽ kiểm tra lại và có biện pháp chấn chỉnh” ông Bình khẳng định.

BIẾN RÁC THÀNH TIỀN

Từ thực tế cho thấy, đối với Tây Ninh, rác thải sinh hoạt không chỉ là gánh nặng xã hội, là hiểm hoạ cho môi trường, đòi hỏi phải có ngân sách Nhà nước để xử lý, nhưng đối với thành phố Hồ Chí Minh, đồ bỏ đi này lại là “hàng hoá” sinh lợi cao.

Vì sao có sự khác biệt như thế? Để tìm hiểu thêm về cách xử lý rác ở thành phố lân cận tỉnh nhà, chúng tôi gặp ông Ngô Văn Phước, 64 tuổi, hiện ngụ xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng- một người thành đạt trong nghề rác.

17 năm trước, ông có người cháu từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê. Hỏi han ông được biết, người cháu này ăn nên làm ra nhờ vào nghề thu gom rác ở đất Sài thành. Sau khi nghe người cháu kể về cách kiếm tiền từ nghề này, ông Phước liền rút tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng và bán hết đàn bò, ôm tiền xuống TP Hồ Chí Minh “thử sức” làm nghề rác.

Ông Phước nhớ lại: “Lúc đó, tôi cưỡi chiếc xe cub 81 đi lang thang đến quận Thủ Đức, định mua một số “đường rác” ở đó, nhưng nghĩ mình bỏ ra mấy trăm triệu đồng mà chỉ thu gom có mấy bọc rác trước cửa nhà dân, thấy khó thu hồi vốn quá nên thôi”.

Kể đến đây, ông Phước giải thích thêm, ở thành phố Hồ Chí Minh, bất kỳ nơi nào vừa mở rộng khu dân cư, đều có người đến tự nguyện thu gom rác và họ chiếm giữ thành địa bàn của riêng mình.

Người khác muốn đến đây thu gom rác, phải bỏ tiền túi ra mua lại “đường rác” của những người “chủ địa bàn” đó, chứ không phải rác thải cứ vô tư quăng ra đường và trở thành vô chủ như ở tỉnh ta. Biết khó có thể “làm ăn” ở những khu dân cư lâu đời, ông đến quận Bình Tân tìm hiểu, thấy đây là quận mới, đất rộng, nhà thưa nên ông mua lại được nhiều “đường rác” với giá tương đối rẻ.

Từ đó, ông bắt tay vào nghề thu gom rác thải sinh hoạt. Ông thuê thêm một số công nhân, hình thành Tổ rác dân lập. Hằng ngày, Tổ rác của ông đến từng hộ gia đình thu gom rác, đưa về các “bô rác” tập kết. Nhiệm vụ của ông chỉ đến đây. Từ các “bô rác” tập kết, sẽ có xe chuyên dụng của đơn vị khác đến chở rác đi xử lý.

Người đàn ông xứ Trảng chia sẻ thêm về khoản thu nhập từ nguồn rác. Những năm trước, đối với mỗi hộ gia đình, ông thu tiền rác 15.000 đồng/tháng, đối với những hộ kinh doanh ông thu 30.000 đồng/tháng, đúng theo giá quy định của Nhà nước. Những năm gần đây, vật giá leo thang, có nhiều người thương tình, trả tiền thu gom rác sinh hoạt gia đình lên 25- 30 ngàn đồng/hộ.

Tương tự như vậy, các hộ kinh doanh cũng tự nguyện tăng số tiền lên gấp đôi, nhưng cũng có nhiều người chỉ trả đúng giá quy định. Ngoài nguồn thu từ các hộ gia đình, hộ kinh doanh, Tổ rác dân lập của ông còn một nguồn thu đáng kể khác, đó là tiền bán ve chai, mủ bể, lon bia.

Trong quá trình thu gom rác, nhân viên của ông phân loại nhanh các loại rác thải bỏ đi hoàn toàn và những thứ có thể bán vào vựa ve chai được. “Những năm trước, tiền thu được từ bán ve chai còn cao hơn tiền thu gom rác ở các hộ gia đình”, ông Phước nói.

Số tiền thu được từ rác, ngoài việc chi trả lương cho nhân công, ông Phước không hoàn toàn bỏ túi riêng mà còn phải chi cho nhiều khoản khác, như mua sắm dụng cụ thu gom rác, trang phục bảo hộ lao động…

Đồng thời ông còn phải trích 10% số tiền thu được từ các hộ gia đình và 60% số tiền thu được từ các hộ kinh doanh để nộp lại cho chính quyền địa phương sở tại. Chính quyền địa phương sẽ dùng số tiền này bù đắp một phần vào tiền thuê xe chuyên dụng chở rác từ các “bô rác” đến nơi xử lý.

Với cách làm này, Tổ rác dân lập như Tổ của ông Phước không chỉ năng động hoàn thành nhiệm vụ thu gom rác mà còn đóng góp một phần kinh phí vào ngân sách Nhà nước để cùng nhau xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. 

Theo năm tháng, quận Bình Tân ngày càng có nhiều cư dân đến sinh sống. Số hộ gia đình tăng lên, quán xá mọc thêm nhiều, đồng nghĩa với nguồn rác sinh hoạt thải ra ngày càng cao, Tổ rác dân lập của ông Phước ngày càng ăn nên làm ra.

Từ chỗ sở hữu vài đường rác ở quận Bình Tân, người đàn ông quê Trảng Bàng dần tích luỹ thêm nhiều vốn và không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động. “Có lúc cao điểm, tôi làm “chủ đường rác” gần phân nửa quận Bình Tân.

Thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng là chuyện bình thường”, ông Phước bộc bạch. Những năm gần đây, tuổi già sức yếu, ông Phước thu hẹp dần địa bàn lấy rác của mình. “Vừa rồi, tôi sang lại một lõm (khu dân cư nhỏ) rác cho người khác với giá 1,6 tỷ đồng”, ông nói. Tiền thu được từ nghề làm rác, đã tạo cho ông cuộc sống sung túc.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Phước nhận thấy ở Tây Ninh không phải là không có tiềm năng “làm giàu từ rác”, nhưng hiện nay, rác ở Tây Ninh chưa được xem trọng.

Ông Phước nêu ví dụ, nhà ông ở huyện Trảng Bàng, mỗi tháng đóng tiền rác 30.000 đồng, nhưng cả tuần, có khi mười ngày mới có người đến thu gom rác một lần. Để rác ứ đọng nhiều ngày như thế, gây mất vẻ mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, rác phải được thu gom mỗi ngày. Rác trở thành tiền, thành “chén cơm” của người làm nghề thu gom rác.

Ông Phước nói thêm, vấn đề nan giải nhất đối với người dân muốn thành lập Tổ rác dân lập là vị trí tập kết rác tập trung. Nếu chính quyền địa phương bố trí được khoảng đất công nằm xa khu dân cư để tập kết rác thì chắc chắn sẽ có người đầu tư để thu gom rác.

“Nếu ở Tây Ninh cho xây dựng mỗi huyện một “bô rác”, tôi cũng xin mạnh “đấu thầu” để thành lập mô hình Tổ rác dân lập như ở thành phố Hồ Chí Minh cho con cháu ở đây làm”, ông Phước khẳng định.

Qua tìm hiểu, “bô rác” mà ông Phước đề cập tới, chỉ là một khoảnh đất trống có diện tích khoảng 1 công (1.000m2), toạ lạc ở vị trí thuận tiện cho việc tập kết rác đi. Xung quanh “bô rác” này được xây tường rào để không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân; và hằng ngày đều có xe đến lấy rác chở về bãi rác tập trung để xử lý.

Ở thành phố Hồ Chí Minh “tấc đất tấc vàng” mà còn xây dựng được những “bô rác” như thế, thì lẽ nào ở tỉnh ta lại không (?!). Thiết nghĩ, việc quy hoạch “bô rác” như thế ở các huyện không phải là việc “bất khả thi”.

Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng áp dụng cách thu gom, xử lý rác như ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khả năng rác thải sinh hoạt ở tỉnh ta sẽ chuyển biến từ “chuyện không nhỏ” trở thành “chuyện quá nhỏ”.

Đại Dương - Thái Hoà