BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiến tới kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Rạch Tràm- nơi thành lập chi bộ đầu tiên 

Cập nhật ngày: 16/04/2018 - 06:14

BTN - Nếu Giồng Nần (Châu Thành) là nơi có cơ sở Đảng đầu tiên, thì Rạch Tràm (Phước Chỉ, Trảng Bàng) chính là nơi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được thành lập. Về lại Rạch Tràm, chúng tôi vẫn còn nghe âm vang một thời hừng hực khí thế đấu tranh của cha ông trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân (bên trái) gặp gỡ người dân địa phương để tìm hiểu về hoạt động của Chi bộ Rạch Tràm- Phước Chỉ.

Phát biểu tại buổi lễ Rạch Tràm- Phước Chỉ được đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, ông Trần Thanh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng cho biết, vào những năm 1936-1939, phong trào chống phát xít Nhật phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước, đặc biệt là sự kiện mặt trận nhân dân Pháp, do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt, giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở Pháp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị ở nước ta.

Phong trào hoạt động công khai rầm rộ phát triển khắp nơi. Tây Ninh có nhiều tổ chức công khai ra đời, nổi bật nhất là vùng Phước Chỉ, Trảng Bàng.

Năm 1937, ở Phước Chỉ có một nhóm thanh niên yêu nước, gồm các ông Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thạnh, được sự chỉ đạo của cán bộ Tổng uỷ Cầu An Thượng (thuộc Quận uỷ Đức Hoà, tỉnh Long An), tham gia tổ chức Hội Ái hữu, thông qua các hoạt động giúp nhau cày cấy, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp… để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tổ chức các nhóm đấu tranh đòi giảm sưu thuế, được quần chúng ủng hộ.

Tháng 10.1940, tại Rạch Tràm, Phước Chỉ, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập, gồm 4 đảng viên, ông Lê Văn Vẳng là Bí thư Chi bộ cùng các ông Bùi Quang Ngởi, Trần Quang Thanh, Thân Văn Củ.

Sự hình thành Chi bộ Đảng ở Rạch Tràm - Phước Chỉ đã đánh dấu mốc lịch sử đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Trảng Bàng nói riêng, của nhân dân Tây Ninh nói chung, là cơ sở để xây dựng và hình thành những cơ sở Đảng khác ở Tây Ninh, góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh chung của tỉnh và cả nước.

Lúc này, ở Tây Ninh chưa có Đảng bộ nên ban đầu, Chi bộ Đảng ở Rạch Tràm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tổng uỷ Cầu An Thượng và Quận uỷ Đức Hoà. Đến tháng 7.1946, Tỉnh uỷ Tây Ninh phân công ông Ba Cát về xã Phước Chỉ liên lạc với các đảng viên ở đây. Từ đó về sau, Chi bộ Rạch Tràm được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ Trảng Bàng.

Ông Lê Văn A (Lê Văn Ghe), nay đã 88 tuổi, là con trai của ông Lê Văn Vẳng- người Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên ở Rạch Tràm, kể lại, rạch Tràm là ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An.

Thời đó, vùng đất này rất trù phú, người dân buôn bán nhộn nhịp. Trên bờ rạch Tràm phía Tây Ninh là hàng chục chành (vựa) thu mua lúa của người Hoa. Hằng năm, đến mùa thu hoạch, người dân trong vùng dùng xe bò, xuồng, ghe tấp nập chở lúa đến bán cho các chủ chành.

Những thương lái này mua lúa để bán qua Campuchia. Ngoài ra, còn có một số nhà máy xay lúa, trại cưa, tiệm buôn bán tạp hoá. Có thể ví, thời điểm đó, Rạch Tràm là một trung tâm kinh tế của xã Phước Chỉ.     

Ông A nhớ lại: “Lúc đó, tôi thường thấy ba và các chú sinh hoạt Đảng ở nhà tôi, có khi nhà các chú, ở chợ hoặc ở xã Mỹ Quý, bên kia bờ rạch”.

Những năm 1936-1939, cách mạng nổi dậy, ở Rạch Tràm thành lập Uỷ ban Hành động với gần 20 thành viên. Uỷ ban Hành động thường xuyên họp, phổ biến tình hình chính trị.

Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh nghe tin có cộng sản hoạt động liền đến Rạch Tràm để “an dân”. Nhân dịp đó, Uỷ ban Hành động liền tổ chức một cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân quyền, giảm thuế thân… sau cuộc đấu tranh trực tiếp bằng tiếng Pháp với tên tỉnh trưởng, các ông Vẳng, Thanh, Ngởi, Củ… bị Pháp bắt đem về thị xã Tây Ninh nhằm “răn đe bạo loạn”, nhưng chỉ một tuần sau, các ông được thả về, cuộc đấu tranh thắng lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân khảo sát địa điểm xây dựng Khu di tích Rạch Tràm- Phước Chỉ.

Thời điểm đó, ông Nguyễn An Ninh từ Hóc Môn - Bà Điểm- nơi đóng quân của Xứ uỷ Nam kỳ- cải trang làm người đi bán dầu cù là, đến Rạch Tràm để giáo dục, tuyên truyền cách mạng, kết nạp thêm đảng viên.

Chi bộ Rạch Tràm gây quỹ hoạt động bằng cách thành lập các tổ hớt tóc, mở 2-3 tiệm may. Chi bộ ngày càng lớn mạnh, một số đảng viên từ Gò Công- Tiền Giang bị khủng bố cũng chạy lên đây lánh nạn và tham gia chi bộ.

Chuẩn bị Nam kỳ khởi nghĩa năm 1945, Chi bộ chặt cây, đắp đường, treo cờ búa liềm, huy động lực lượng đứng dậy đấu tranh xóm ấp. Cũng có lúc bị chỉ điểm, lộ hoạt động và bị giặc lùng bắt dữ dội, các đảng viên và cán bộ có người hy sinh, số còn lại phải rút vào hoạt động bí mật. “Có lúc, gia đình phải đưa ba tôi tạm thời sang các xã lân cận tránh sự truy bắt của giặc. Sau đó mới móc liên lạc và trở về hoạt động”, ông A kể.

Ðể ghi nhớ chiến công của cán bộ, đảng viên và nhân dân, UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 1921 xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đối với di tích cách mạng Rạch Tràm- Phước Chỉ.

UBND huyện Trảng Bàng cũng đang tích cực khảo sát, xây dựng nhà tưởng niệm, nhà trưng bày và các hạng mục khác của di tích, để làm nơi tưởng niệm và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Thời điểm năm 1945, ông A mới 15 tuổi nhưng đã giác ngộ cách mạng và trở thành cán bộ thông tin tuyên truyền của địa phương. Trong cuộc Cách mạng tháng 8, ông tham gia cướp chính quyền, lật đổ thực dân Pháp.

Tuy nhiên chỉ một năm sau, năm 1946, thực dân Pháp quay lại chiếm đóng miền Nam. Chúng trả đũa bằng cách bắn phá, hại chết gần cả chục người và đốt hết các chành lúa. “Cả tháng rưỡi sau, các chành lúa còn bị cháy. Lúc đó, toàn bộ người dân địa phương phải ăn gạo cháy”, ông A nhớ lại.

Thời điểm này, những cán bộ tham gia kháng chiến phải ra bưng biền hoạt động. Sau đó, Chi bộ Rạch Tràm đưa 13 người, trong đó có 2 nữ, nhập vào bộ đội thuộc các Chi đội 5, Chi đội 12 thuộc Quân khu Đông Thành.

Bản thân ông A được vào Chi đội 12, đi chiến đấu nhiều nơi. Năm 1954, các tổ chức Đảng ở Chợ Lớn, Tây Ninh, Gia Định họp lại, tuyển chọn một số cán bộ đi miền Bắc học tập, trong đó có cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông A và một số cán bộ khác ở lại hoạt động chính trị.

Năm 1956, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tại xã Phước Chỉ có nhiều cán bộ hy sinh, trong đó có ông Lê Văn Vẳng. Cũng năm đó, ông A được bầu làm Bí thư Đảng uỷ đầu tiên của xã Phước Chỉ.

Ông giữ cương vị này được 2 năm thì Huyện uỷ Trảng Bàng “rút” về hoạt động ở Chi bộ Đảng thị trấn Trảng Bàng. Về sau, Thị trấn thành lập Đảng uỷ, ông được bầu làm Bí thư và giữ cương vị này đến ngày miền Nam giải phóng - 30.4.1975.

Sau khi đất nước thống nhất, ông A tiếp tục làm việc ở huyện Trảng Bàng. Ông là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo huyện, cho đến ngày về hưu. 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Phước Chỉ đã đánh 247 trận, làm thương vong hơn 5.000 tên địch, trong đó có gần 1.400 lính Mỹ, bắn rơi 6 máy bay trực thăng, đánh chìm và cháy 32 tàu chiến của nguỵ, diệt 33 xe tăng, san bằng 3 đồn bót, giải tán 2 ban tề xã, 8 ban tề ấp, thu hàng ngàn khẩu súng các loại, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước.

Chi bộ và Đảng bộ xã Phước Chỉ đã tuyên truyền giác ngộ hàng vạn quần chúng tham gia cách mạng, trong đó có hơn 5.000 người thoát ly, tham gia bộ đội Cụ Hồ, tham gia các cơ quan hành chính của Đảng và Nhà nước.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, nơi đây có 184.000 người tham gia dân công trung tuyến và hoả tuyến, góp phần giải phóng quê hương đất nước - ngày 30.4.1975.

Với những thành tích và chiến công hiển hách nêu trên, Đảng bộ và nhân dân xã Phước Chỉ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 27 danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 39 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ và hơn 500 bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân.

Ông Lê Văn A kể về hoạt động Chi bộ Đảng ở Rạch Tràm- Phước Chỉ.

Ngày nay, trở về thăm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh, bên bờ con rạch nhỏ, cây tràm vẫn mọc đầy. Dưới rạch, nước vẫn êm đềm chảy theo mỗi nhịp con nước lớn, ròng. Cảnh vật thiên nhiên chẳng thay đổi bao nhiêu so với lời kể của ông A hồi 80 năm về trước.

Có khác chăng là trên bờ Rạch Tràm không còn những dãy chành lúa, trại cưa gỗ, tiệm buôn bán tạp hoá, thay vào đó là những ngôi nhà dân xây cất khá nhiều. Đường xuống Rạch Tràm cũng được trải bê tông xi măng sạch sẽ. Để ghi nhớ chiến công của cán bộ, đảng viên và nhân dân, UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 1921 xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đối với di tích cách mạng Rạch Tràm- Phước Chỉ.

UBND huyện Trảng Bàng cũng đang tích cực khảo sát, xây dựng nhà tưởng niệm, nhà trưng bày và các hạng mục khác của di tích, để làm nơi tưởng niệm và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đại Dương