BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rối loạn giấc ngủ nguyên phát và rối loạn giấc ngủ thứ phát

Cập nhật ngày: 14/08/2017 - 12:16

BTN - Nam, năm nay 16 tuổi, thường xuyên bị khó ngủ vào ban đêm. Sáng ngủ dậy thì rất mệt và muốn ngủ thêm. Xin bác sĩ tư vấn cách điều trị.

Hữu Ph.

(Tiên Thuận, Bến Cầu)

Ðáp: Kém ngủ, mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, hay thức giấc khó ngủ lại hoặc thức giấc sớm không ngủ lại được… Tất cả những hiện tượng đó gọi là rối loạn giấc ngủ. Có hai loại rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ nguyên phát và rối loạn giấc ngủ thứ phát.

- Rối loạn giấc ngủ nguyên phát: có thể mất ngủ không rõ nguyên nhân, người bệnh mất ngủ từ nhỏ không rõ nguyên nhân vì sao. Mất ngủ do mất khả năng thích ứng với điều kiện thay đổi của hoàn cảnh như thay đổi điều kiện hoàn cảnh sống hoặc thay đổi môi trường sống, thay đổi múi giờ…

- Rối loạn giấc ngủ thứ phát: Mất ngủ do chứng ám ảnh mất ngủ, người bệnh đêm ngủ tốt nhưng sáng dậy vẫn cho rằng mình không ngủ được. Mất ngủ do một số bệnh tâm thần gây nên như trầm cảm, lo âu, động kinh…

Khó ngủ do phải suy nghĩ vấn đề quan trọng chưa tìm ra cách giải quyết hoặc có những áp lực và các stress trong cuộc sống. Do một số thói quen trong sinh hoạt làm mất ngủ như làm ca đêm, ăn khuya, thường xuyên dậy sớm chuẩn bị bán hàng… mất ngủ do một số bệnh mãn tính như đau mỏi xương khớp, tê tay chân, tuổi cao… Cũng có thể mất ngủ do dùng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá hoặc quen dùng thuốc ngủ.

Bạn thử xem trong số nguyên nhân trên có nguyên nhân nào thuộc về mình hay không. Thường xuyên gặp tình trạng khó ngủ khiến ta cảm thấy bực bội và tinh thần suy nhược.

Mặc dù thiếu ngủ khiến bạn mệt mỏi và buồn ngủ nhiều vào ban ngày nhưng sau đó, vào ban đêm bạn vẫn gặp khó khăn khi ngủ, tình trạng mệt mỏi này nếu kéo dài sẽ trở nên trầm trọng khiến cơ thể bạn suy yếu, ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ, học tập, công việc, các mối quan hệ và hệ miễn dịch của cơ thể.

Theo sinh lý, mỗi lứa tuổi có nhu cầu thời gian ngủ khác nhau. Bạn năm nay 16 tuổi, thời gian ngủ khoảng 8 tiếng một ngày. Bạn có thể ngủ muộn nhưng tổng số giấc ngủ của bạn 7-8 tiếng một ngày là được rồi, bạn không phải lo lắng gì cả.

Nếu dưới 5 tiếng là ít ngủ thì bạn cần làm tốt một số điều sau đây: ngủ và thức điều độ đúng giờ quy định, tập cho mình một thói quen, không ngủ vặt tuỳ tiện. Không ngủ trưa quá lâu, việc ngủ trưa nhiều hơn 30 phút mỗi ngày có thể khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm, dẫn đến rối loạn giấc ngủ về đêm. Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu…

Tập thể dục là hoạt động rất cần thiết không những giúp bạn ngủ ngon hơn mà còn tốt cho sức khoẻ và hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể bạn.

Nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày nhưng không nên tập ngay trước khi ngủ. Không để các việc khác chi phối giấc ngủ, khi đã đi ngủ không xem ti vi, đọc sách; bảo đảm giường ngủ đủ yên tĩnh, tối và mát mẻ.

Tránh các hoạt động gây cảm giác vui thái quá hoặc stress trước khi ngủ… tự tạo tâm lý thư giãn tập trung để đi vào giấc ngủ. Tạo môi trường yên tĩnh, ánh sáng và nhiệt độ phù hợp cho giấc ngủ, loại bỏ các stress hằng ngày trong cuộc sống. Không ăn nhiều thịt- đặc biệt vào bữa tối.

Trong thịt chứa một lượng lớn chất béo, nhiều chất béo dẫn đến béo phì, là một trong các nguyên nhân dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nên tắm nước ấm trước khi ngủ tạo thư giãn cho cơ thể giúp giấc ngủ sâu hơn.

Nếu như bạn đã cố gắng nhưng không thể tự xử trí được, hãy nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ thêm.

BS LÊ TRUNG NGÂN


Liên kết hữu ích