BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rủ nhau đến… Sân Chầu 

Cập nhật ngày: 27/03/2017 - 23:04

BTNO - Sau một lúc bàn bạc, chúng tôi thống nhất “hành quân” về Sân Chầu- nơi mà theo lời truyền tụng là xưa kia Nguyễn Ánh từng dừng chân tại đây trong cuộc hành trình “tẩu quốc”.

Đàn trâu sải bước trên mé nước.

Cuối tuần, các anh em trong làng ảnh Tây Ninh rủ nhau họp mặt với một nhóm bạn từ TP. Hồ Chí Minh lên. Ngồi lê la ở quán cà phê mãi cũng chán. Chén thù chén tạc quán nhậu hoài cũng nhàm. Chúng tôi bàn nhau, tổ chức một chuyến du lịch “mi ni” trong tỉnh.

Tiêu chí đưa ra là tour du lịch phải hoàn toàn mới lạ, tới nơi có phong cảnh đẹp và có điều kiện để tìm hiểu lịch sử. Sau một lúc bàn bạc, chúng tôi thống nhất “hành quân” về Sân Chầu- nơi mà theo lời truyền tụng là xưa kia Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) từng dừng chân tại đây trong cuộc hành trình “tẩu quốc”. Nơi đó, chúng tôi có thể săn ảnh “động bông súng” ở khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng.

Sau khi chuẩn bị những hành trang cần thiết, chúng tôi vượt đường xa thẳng tiến về nơi có địa danh Sân Chầu ở ấp Tà Dơ, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Trên đường đi, ngồi lắc lư trên xe ô tô, tôi tranh thủ mở điện thoại di động lướt mạng internet để tra cứu lại về lịch sử “Gia Long tẩu quốc”.

Có rất nhiều tư liệu viết về vị vua này, nhưng không thấy tư liệu nào đề cập đến việc Nguyễn Ánh từng ngang qua địa bàn Tây Ninh trong cuộc bôn tẩu sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay) cầu viện để chống lại quân Tây Sơn. Nhưng không hiểu sao, trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện như thế?

Nhớ lại vài năm trước, tôi từng được nghe ông Hai Hồng (đã mất)- người có thâm niên hơn 50 năm làm ăn sinh sống ở khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng còn chưa xây dựng (nơi ông Hồng làm rẫy hồi đó hiện thuộc ấp Suối Nhím, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu).

Khi còn sống, ông Hai Hồng từng dẫn tôi ra mỏm đảo Nhím, chỉ về khoảnh đất trống phía trong bờ và khẳng định đó là Sân Chầu. Theo lời ông, khi còn là một thiếu niên, ông vẫn thường được nghe cha mình kể về câu chuyện Nguyễn Ánh- Gia Long từng dùng thuyền đi ngược từ hạ lưu đến thượng nguồn sông Sài Gòn rồi dừng chân tại đây một thời gian để củng cố lương thực, thực phẩm. Trong thời gian đó, ông cho quân lính phát quang, dọn dẹp một phần đất trống trước doanh trại để làm sân chầu.

Xe đã đến ấp Tà Dơ. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Hoàng Minh, 85 tuổi, Trưởng ban Quản lý ấp để hỏi thăm thêm đôi điều về Sân Chầu. Nhà cụ Minh hiện nằm trong khu vực Sân Chầu.

Ông cụ cho biết, ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và cũng từng nghe các bậc cao niên kể lại câu chuyện tương tự như trên, nhưng nghe là nghe vậy thôi chứ ông cũng không thấy sách vở nào ghi chép về sự việc ấy.

Quan sát xung quanh nơi gia đình cụ Minh đang ở mới thấy đó là một vùng đất cao ráo, bằng phẳng, nằm gần thượng nguồn sông Sài Gòn nay là thượng nguồn hồ Dầu Tiếng. Có vẻ đây là một nơi rất tốt về mặt phong thuỷ.

Trên vùng đất này hiện tại không còn khoảnh sân trống nào, thay vào đó là những căn nhà khang trang và những vườn cao su, rẫy mì xanh tốt bạt ngàn. Tất cả cảnh vật ở đây toát lên một cuộc sống bình yên, êm ả.

Tiếp xúc với một số người dân quanh đó, chúng tôi cảm thấy họ đều là người hiền lành và mến khách. Đa số sống bằng nghề nông. Những lúc nông nhàn, bà con lại xuống lòng hồ đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn hoặc kiếm thêm thu nhập.

Gia đình ông Lê Văn Thạnh, 53 tuổi là một trường hợp như thế. Hiện vợ chồng ông Thạnh đang canh tác gần 4 ha mía và nuôi một hầm cá lóc bông. Tính từ lúc bắt đầu nuôi đến thời điểm này, đàn cá đã được 16 tháng, mỗi con hiện cân nặng từ 4- 5kg.

Nếu thu hoạch, ước tính sẽ được khoảng 6- 7 tấn cá. “Đã có thương lái đến tận nhà trả giá hơn 50.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán, chờ cá lớn thêm chút nữa bán qua Campuchia sẽ có giá cao hơn”- ông Thạnh cho biết.

Ngoài thời gian chăm sóc mía và hầm cá, hằng ngày vào buổi chiều ông còn đi đánh bắt cá trên hồ. Bà vợ cũng theo chồng phụ giăng lưới và đi thu mua cá của các chủ lưới, chủ vó khác đem ra chợ bán.

Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn làm chuyến du ngoạn trên thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, ông Thạnh sốt sắng lấy chiếc vỏ lãi đưa cả nhóm đi. Buổi trưa, mặt nước trong veo, bằng phẳng như mặt chiếc gương khổng lồ. Thỉnh thoảng, một vài chú chim cồng cộc đang lặn sâu dưới nước nghe tiếng máy nổ, vội ngoi lên, vỗ cánh bay cao.

Trên bầu trời xanh, từng đàn cò trắng lượn lờ tìm bãi đáp. Phía cuối chân trời là những rặng cây rừng mờ ảo, chập chùng như nét cọ khổng lồ của một hoạ sĩ nào đó vẽ lên không trung.

Ông Thạnh hướng chiếc vỏ lãi về nơi mà trước đây có rất nhiều bông súng cho chúng tôi chụp ảnh, nhưng đến nơi mới biết loài hoa dân dã dễ thương ấy không còn hiện diện ở đây nữa.

Ông lái đò lý giải: khi nước hồ hạ xuống, có thể chúng đã bị những đàn trâu trong bờ lội ra “quất” sạch rồi. Lời giải thích này nghe chừng có lý, vì dưới mé nước, hàng chục con trâu mập ú, đen trũi đang trầm mình nhơi cỏ. Thoáng thấy bóng nhiều người, chúng vội vàng tụ nhau lại rồi chạy về phía bờ.

Nhìn cảnh cả đàn trâu băng băng dưới nước, tôi liên tưởng cảnh trong phim “Mùa len trâu”. Rồi chúng tôi cũng tạm quên đi nỗi buồn bông súng để nhanh tay lôi máy ảnh, flycam ra khỏi ba lô để ghi lại những khoảnh khắc đầy ấn tượng trước mắt: mặt trời chếch bóng, đàn trâu băng mình trên sóng nước…

Hoàng hôn dần buông xuống, đàn trâu đã khuất sau rặng cây, ông Thạnh hướng chiếc vỏ lãi tiến gần đến một chiếc vó cá. Giữa muôn trùng sóng nước, hình ảnh những chiếc vó cá trở thành điểm nhấn đầy thu hút.

Mọi người cùng giương máy, nín thở chờ đợi khoảnh khắc cất vó trong khung cảnh mặt trời lặn ở phía sau. Khoảnh khắc ấy còn chưa tới thì từ phía xa, một cơn gió lạnh thốc tới. Bằng kinh nghiệm của người lái đò lâu năm, bác tài công bèn lên tiếng cảnh báo: sắp có sóng to, gió lớn và chúng tôi phải quay vào bờ ngay.

Trong khi cả nhóm còn đang chần chừ vì tiếc cảnh đẹp thì gió thổi mạnh, mặt hồ bắt đầu dậy sóng. Thế là tất cả vội vàng xếp máy móc vào ba lô để trở vào đất liền. Ban đầu, những cơn sóng chỉ lắc lư như trêu đùa chiếc vỏ lãi, nhưng càng về sau, chúng càng vỗ mạnh, khiến con đò chồm lên hụp xuống, nước tung toé đằng mũi. Chúng tôi vừa sợ, vừa thích thú. Khi chiếc vỏ lãi cập được bờ, người nào cũng như vừa tắm dưới sông lên.

Sau một ngày rong ruổi, quăng quật, ai cũng cảm thấy bụng đói cồn cào. Trên đường về, chúng tôi ghé vào quán Bé- một quán ăn gia đình ở thị trấn Tân Châu khá nổi tiếng với món cá lăng tươi sống đánh bắt từ hồ Dầu Tiếng.

Cá lăng cắt khoanh, nướng trên lửa than nóng hổi, chấm muối ớt. Hớp một ngụm bia lạnh. Bao nhiêu mệt nhọc, đói khát liền tan biến. Sau vài tuần bia, chúng tôi thưởng thức thêm món lẩu. Lẩu cá lăng ăn kèm với bún, rau sông tươi rói, ngon ngọt không gì sánh bằng.

Nếu không thích món cá lăng ở quán Bé, du khách có thể thưởng thức các loại đặc sản khác ở khu thị trấn bé nhỏ này, như món thịt trâu nhúng mẻ, trâu kho sả ớt ở quán ăn Tư Hảo hoặc các món hải sản tươi sống (tôm, cua, mực, sò, ốc) ở quán Thành Danh, hay tạt vào quán Năm Sánh để tận hưởng món “bò trên mình” thơm ngon, bổ, rẻ.

Trên đường trở về, một người trong nhóm bạn đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi: “Mình là dân doanh nghiệp, từng đi du lịch nhiều nơi nhưng mình thấy hiếm có nơi nào mang lại cảm giác vui như vầy”. Tôi cũng đồng cảm như vậy. Một “tour du lịch” dân dã, ít tốn chi phí, thời gian mà để lại nhiều niềm vui, thú vị như thế quả cũng rất đáng để trải nghiệm.

Đại Dương