BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rừng đình Thạnh Đức

Cập nhật ngày: 15/11/2017 - 10:33

BTN - Cùng một huyện Gò Dầu nhưng gò Cao Sơn đã trở thành điểm viếng thăm của nam thanh nữ tú mỗi dịp cuối tuần, trong khi đó bến đình Thạnh Ðức vẫn còn lặng vắng. Mà so về cảnh quan thiên nhiên lẫn công trình kiến trúc; bến đình có kém cạnh gì đâu!

Cây sộp đình Thạnh Đức.

Từ ngã tư Trà Võ nhìn đi, bên kia là nghĩa trang liệt sĩ, bên này là đường xuống bến đình, tới đình chỉ khoảng 700m. Con đường nay đã được trải nhựa đá dễ đi. Gần đó lại có chùa Bảo Pháp mới được xây lại, ngôi chùa lớn, đẹp cùng nhiều cảnh trí công viên sinh động.

Từ đình đi thêm vài trăm mét nữa đã tới bến. Trước mặt thênh thang sông nước Vàm Cỏ Ðông. Bên hông là rạch nhỏ thông vào. Rạch chỉ rộng 10 mét, phủ kín màu xanh mướt lục bình với đôi bờ dày rậm những bụi tre và cây gừa lụ khụ.

45 năm trước, khi ông Huỳnh Minh tới đây thì hai bên đường vẫn còn: “có nhiều cây cổ thụ giao đầu phủ lá”. Hôm nay, cây cổ thụ chỉ còn lại ở rừng đình. Xin được gọi tiếng rừng, vì nơi này vẫn như một khoảnh rừng xưa sót lại. Ngay bên bậc cấp bên trái trước sân đình, đã có một thân cây sộp với bộ rễ khổng lồ xoắn bện, toả bóng xanh mướt một bên đường cho khách dừng chân.

Các cụ trong ban hội đình bảo: gốc gác nó vốn là cây gõ, rồi bị cây sộp lớn dần bao bọc chung quanh. Cây gõ vẫn sống ở bên trong, vươn lên những lá cành. Còn ngay trước tấm bình phong chạm hình cọp lại là một cây dầu cỡ một người ôm cũng xum xuê xoè tán.

Nhưng oai vệ nhất vẫn là một cây gõ hai người ôm chưa hết. Lên cao chừng 3m, cây chẻ thành hai thân rồi xoè những cành to lực lưỡng cho lá bay phơi phới tươi non. Lại có sự “cộng sinh” của những dây leo và địa y nên cây trông càng hiên ngang, quắc thước. Chỉ ba cây cổ thụ này thôi đã bóng rợp nửa trước sân đình.

Cũng xin đáp lời các cụ ban hội đình đã hỏi về đôi câu đối khắc đá từ hơn trăm năm trước dưới bóng ba cây cổ thụ, nơi có miếu thờ ông Hổ. Sư trụ trì chùa Hiệp Long Thích Niệm Thắng dịch ra như sau: Kính chúc Nam triều đồ vĩnh nhập/ Âu ca Nguyễn thất nghiệp cẩm trường. Ðại ý là kính chúc Nam triều có cơ đồ mãi mãi được nhập vào, lớn thêm; cũng như dòng họ Nguyễn nối dài sự nghiệp cao đẹp mãi mãi.

Xin nhắc đến năm 1915, cả Nam bộ đã nằm trọn trong gông xiềng giặc Pháp. Ðây có phải là niềm mong mỏi của người dân Thạnh Ðức, rằng non sông một mối được thu về? Và họ Nguyễn ở đây, ý hẹp hơn có thể là dòng họ ông Nguyễn Văn Lực, được nhân dân tôn vinh là thành hoàng; hoặc rộng hơn chính là triều Nguyễn?

Trở lại với rừng đình. Diện tích năm xưa, theo ước tính của tác giả Huỳnh Minh là “rộng chừng một mẫu” (ha). Nghĩa là có thể còn lớn hơn rừng còn lại ở gò Cao Sơn Tự, xã Phước Trạch. Nhờ uy danh của thành hoàng, cũng là nhờ chính người dân Thạnh Ðức mà khu rừng này hầu như còn nguyên vẹn đến ngày nay. Cây lớn nhất vẫn là cây sộp (hoặc đa) nằm ở góc phải chếch sau đình.

Gốc gác xa xưa nơi ấy có một cây cám. Chim chóc bay về thả xuống những hạt của loài cây sộp. Rồi cây sộp lớn lên bao trùm lên cây cám cổ. Ðến khi cám chết đi thì sộp đã vươn cao đường bệ, xoè tán tròn ra bốn phía. Cây sộp ngày nay có đường kính gốc hơn 2m, tán lá rộng tới 30m trùm lên một khoảng rừng đình, lúp xúp lùm bụi cây chồi hoang dã. Trên những thân cành đồ sộ khó leo trèo ấy, bảo tồn cả một thế giới các loài tầm gửi cùng với các giống loài từ chim trời đến cái kiến, con ong.

Chưa hết đâu, cả phần nửa bên trái khu đất đình mới thật sự là rừng đình, với vô số các loài cây, cả cổ thụ lẫn cây non. Những cây dầu thẳng đuột, thân ngời sáng chiếm lĩnh tầng cao nhất. Có những cây chưa rõ tên, vấn vít lá non từ gốc lên ngọn một màu xanh mướt giữa vô số các loại dây rừng vấn vít. Cả những loài cây mới trồng như keo, tràm gầy gò cũng nhoi nhóc dưới tán rừng xưa.

Thế nhưng các cụ trong Ban hội đình cho biết: rừng đình Thạnh Ðức đang có nguy cơ bị chiếm dụng. Là bởi gần đây có tin UBND huyện đã cấp quyền sử dụng cho hai hộ dân trên một diện tích khá lớn đất rừng đình. Diện tích hai hộ này bao chiếm là 3.200m2, nên đất đình chỉ còn lại 6.314m2. Nguyên do, theo đơn của Ban Quản lý đình nêu ra là: “Trước năm 1975, do chiến tranh nên có nhiều hộ từ Bến Cầu chạy sang lánh nạn, sau giải phóng các hộ này trở về quê sinh sống, nhưng còn hai hộ… đến ở không về quê nữa…”.

Ban hội đình cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên đất đình mà Ban Quản lý đình hoàn toàn không được hỏi ý kiến là không đúng. Hiện tại, dưới bóng rừng đình bên phía trái có những nhà dân giăng rào lưới vây bao chiếm. Có hộ kinh doanh cả một quán cà phê dưới bóng cây rừng. Theo các cụ trong Ban hội đình, việc bao chiếm ấy diễn ra đã lâu nhưng chỉ mới cấp giấy gần đây, trong năm 2017.

Nhắc đến địa danh trên, lại nhớ nơi đình ngự từ hơn 100 năm trước; cùng với bến đình hiện nay, đều là những bến sông lai láng nước sông Vàm. Giá như rừng đình Thạnh Ðức còn nguyên vẹn, thì không tốn nhiều tài lực để biến nơi đây thành một công viên rừng quý giá liền kề một bến sông thơ mộng. Ðây sẽ là một “kỷ vật” của rừng Quang Hoá với một dòng sông Gấm thuở xa xăm.

TRẦN VŨ

Từ khóa
Ban hội đình