BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiếp tục kêu cứu 

Cập nhật ngày: 06/03/2017 - 15:56

BTNO - Đối tượng phá rừng sử dụng đến 5-6 chiếc máy cày dàn hàng ngang để cày nên chỉ trong vòng vài chục phút họ đã phá được 1 ha đất rừng. Sau đó, đối tượng phá rừng lén lút trồng mì, nhưng khi lực lượng bảo vệ rừng tiến hành xác minh, mời một số đối tượng nghi vấn làm việc thì không ai chịu thừa nhận.

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Ban quản lý), năm 2016 đã xảy ra 96 vụ vi phạm, trong đó có 80 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng và 11 vụ vi phạm Luật Đất đai.

Mặc dù Ban quản lý đã có nhiều cố gắng, tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với các lực lượng trú đóng trên địa bàn như Hạt Kiểm lâm, Đồn biên phòng, các xã có rừng… thường xuyên tuần tra, kiểm tra ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, nhưng dường như tội phạm đã “lờn thuốc”.

Rừng đầu nguồn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu bị tàn phá cách đây vài năm (ảnh minh hoạ: Đại Dương).

PHÁ RỪNG ngày càng tinh vi

Theo sự hướng dẫn của lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, chúng tôi đi khảo sát thực tế tình trạng phá rừng tại tiểu khu 43, rừng phòng hộ Dầu Tiếng, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Vừa vào rừng được một đoạn, anh bảo vệ rừng đã chỉ cho chúng tôi thấy một rẫy mì có diện tích hơn 1 ha người dân vào khai phá để trồng.

Chúng tôi đặt vấn đề, sao người dân lại có thể phá đất rừng diện tích lớn như thế, anh bảo vệ rừng cho biết, trước đây có chủ trương giao một số diện tích rừng phòng hộ cho chính quyền địa phương bảo vệ. Sau đó một thời gian, thấy tình trạng diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá đáng kể nên Ban quản lý chấm dứt hợp đồng bảo vệ vào khoảng năm 2011- 2012. Lúc ấy đã có nhiều ha rừng phòng hộ bị người dân phá đi để làm rẫy.

Hiện nay, khi phát hiện người dân chiếm đất rừng làm rẫy, Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng kiên quyết xử lý. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, đối tượng phá rừng thường là dân địa phương và luôn có người theo dõi động tĩnh của lực lượng bảo vệ rừng nên công tác bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn.

Đơn cử như rẫy mì này, khi lực lượng chức năng phát hiện có người cày đất, vừa vào tới mé rừng thì họ đã cày xong. Bởi đối tượng phá rừng sử dụng đến 5-6 chiếc máy cày dàn hàng ngang để cày nên chỉ trong vòng vài chục phút họ đã phá được 1 ha đất rừng. Sau đó, đối tượng phá rừng lén lút trồng mì, nhưng khi lực lượng bảo vệ rừng tiến hành xác minh, mời một số đối tượng nghi vấn làm việc thì không ai chịu thừa nhận. Sắp tới, Ban quản lý sẽ tổ chức cưỡng chế cày bỏ diện tích mì trên.

Các nhân viên bảo vệ rừng chia sẻ: “Trong công tác bảo vệ rừng chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các đối tượng phá rừng hiện nay hết sức manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện. Chẳng hạn như họ gài chông, rải đinh trên các đường mòn mà chúng tôi thường đi tuần tra. Vì vậy mà xe máy cày của Ban quản lý hay xe mô tô của anh em bảo vệ rừng thường bị cán đinh, dính chông, phải điện thoại về chốt nhờ anh em đưa phương tiện vào ứng cứu”.

Nhiều khi trên đường tuần tra bảo vệ rừng gặp đối tượng lạ mặt vào rừng, anh em bảo vệ mới lên tiếng dò hỏi thì lập tức bị chửi mắng.

Đối với việc “bức tử” cây rừng, phải nói là đã qua rồi cái thời mà đối tượng phá rừng “ken vỏ, đốt gốc” cho cây chết. Hiện giờ họ chỉ cần vạt vỏ cây rừng rồi đổ thuốc diệt cỏ lên. Không bao lâu sau, cây rừng bắt đầu héo lá rồi rụng lá và chết khô. Nạn phá rừng kiểu này rất khó phát hiện, bắt quả tang, bởi rừng thì rộng mênh mông, còn kẻ phá rừng thì “canh me” lúc lực lượng bảo vệ rừng không đi tuần tra là “tranh thủ” vạt vỏ, đổ thuốc rồi nhanh chóng rời khỏi rừng.

Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ hiện nay chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ là roi điện nên không đủ sức răn đe “lâm tặc”. Còn các đối tượng phá rừng thì rất manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện một cách hết sức hung hãn bằng vũ khi mang sẵn theo như dao, rựa…

khó quản lý

Năm 2016, diện tích kế hoạch bảo vệ rừng tự nhiên của Ban quản lý rừng phòng hộ là 12.852,8 ha, ước thực hiện được12.849,8 ha. Diện tích kế hoạch bảo vệ rừng trồng là 6.155,9 ha, ước thực hiện được 6.032,8 ha. So sánh các số liệu này cho thấy kế hoạch bảo vệ rừng chưa đạt, tuy chênh lệch không cao lắm, nguyên nhân là do tình trạng chặt cành, nhánh cây rừng, chặt đọt, để mất cắp cây rừng, trồng cây sai mô hình… còn xảy ra.

Theo Ban quản lý, bên cạnh công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô, công tác phát triển rừng cũng luôn được chú trọng. Kế hoạch diện tích rừng khoanh nuôi tự nhiên là 4.116,3 ha, Ban quản lý đã thực hiện đạt 99,6%. Diện tích trồng rừng được thực hiện đạt kế hoạch đề ra là 145 ha.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, năm vừa qua, công tác chăm sóc rừng trồng đã được kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn, người dân đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc cây rừng. Trong các tháng mùa khô, thời tiết hạn hán kéo dài, nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng thường xuyên ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Đối mặt với tình hình này, ban đầu đơn vị có phần lúng túng nhưng về sau đã chủ động tổ chức, tăng cường tối đa lực lượng tham gia trực 24/24 giờ, liên tục tuần tra, kiểm tra những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao nên đã phát hiện, khống chế và dập tắt kịp thời nhiều đám cháy, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Ban quản lý đã tổ chức kiểm tra ngăn chặn kịp thời nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, giữ cho lâm phần tương đối ổn định, góp phần hạn chế vi phạm, bảo đảm cho cây rừng phát triển tốt.

Tuy nhiên ông Sơn cũng nhìn nhận, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh để làm rẫy, chủ yếu là trồng mì, xây cất nhà chòi trái phép trên đất rừng phòng hộ, đã xảy ra từ nhiều năm trước vẫn chưa ngăn chặn được triệt để- nhất là địa bàn rừng thuộc xã Tân Hoà, xã Tân Thành, huyện Tân Châu do phát sinh tình trạng dân di cư tự do từ Campuchia về sống ven hồ Dầu Tiếng. Nhiều diện tích rừng trồng sau khi tỉa thưa hộ nhận khoán đã tự ý trồng cao su, hoặc tiếp tục trồng mì trên rừng trồng đã hơn 3 năm tuổi vẫn chưa xử lý dứt điểm. Chưa hoàn thành công tác phục hồi rừng thiệt hại.

Song song đó, công tác phòng, chống cháy rừng cũng gặp nhiều khó khăn do một số đối tượng xấu lợi dụng thời tiết nắng nóng vào đốt rừng, nhằm lấn chiếm đất để làm rẫy khi mùa mưa tới. Việc xử lý diện tích đất vi phạm còn chậm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch trồng rừng được giao. Nhiều trường hợp phá rừng, khai thác rừng trái phép không xác minh được đối tượng vi phạm nên khó khăn trong công tác lập hồ sơ xử lý. Tình trạng khai thác, trộm cắp lâm sản bằng nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có nhiều vụ việc gặp phải sự chống đối của các đối tượng vi phạm. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chưa thực hiện được do gặp vướng mắc trong khâu thẩm định, phê duyệt của các cơ quan chức năng.

Mặt khác, bên cạnh nguyên nhân chủ quan là địa bàn quản lý rộng, phức tạp, lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, còn có nguyên nhân khách quan là trong sản xuất nông nghiệp giá cả nông sản không ngừng xuống thấp, lao động nông thôn thiếu việc làm... dẫn đến tệ nạn vào rừng trộm cắp lâm sản gia tăng. Ý thức trách nhiệm của một số hộ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng chưa cao, cũng như trình độ năng lực của đội ngũ viên chức còn nhiều hạn chế nên chưa kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Ngoài ra, do một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trước đây còn tồn đọng, đến nay mới tiến hành lập hồ sơ xử lý.

Một cây cầy to lớn tại tiểu khu 44, rừng phòng hộ Dầu Tiếng cũng bị vạt vỏ để đổ thuốc diệt cỏ.

CẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC BẢO VỆ RỪNG TRONG NHÂN DÂN

Cũng theo ông Sơn, trong thời gian tới, Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định về bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, chống phá rừng. Lập kế hoạch tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan truy quét xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, trộm cắp lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp, nhất là khu vực ấp Con Trăn, rừng giáp ranh giới Campuchia và huyện Bình Long, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Tăng cường lực lượng các Đội trồng rừng, các Nhóm hộ bảo vệ rừng bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý triệt để những vi phạm mới phát sinh.

Ban quản lý phối hợp với UBND các xã có rừng, các đài truyền thanh huyện, xã, các trường học... tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ rừng, vai trò quan trọng của rừng đối với đời sống con người. Kết hợp tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến người dân, tìm hiểu nguyện vọng của người dân về các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp...

Tiếp tục xử lý đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích còn tồn đọng để chuyển sang trồng lại rừng; đồng thời lập hồ sơ đề nghị xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp phá, lấn chiếm mới đất lâm nghiệp, giữ đất để tái sinh tự nhiên lại rừng; nơi nào không còn khả năng tái sinh thì đề xuất đưa vào thiết kế trồng rừng năm 2017.

Ngoài chỉ tiêu trồng rừng 150 ha năm 2017, Ban quản lý tích cực xử lý giải quyết các trường hợp trồng cây nông nghiệp không đúng mục đích trên đất lâm nghiệp chuyển sang trồng rừng theo đúng quy hoạch, thực hiện theo lô trình xử lý đến đâu đề nghị bố trí vốn thực hiện trồng rừng đến đó. 

NGHĨA NHÂN – PHƯƠNG THẢO